Trước đây, Mỹ cấm các công ty xuất khẩu dầu thô - sản phẩm được khai thác từ lòng đất và chưa được chuyển hóa thành xăng, khí đốt hay một vài chế phẩm dầu mỏ khác. Chính sách này được thực hiện năm 1975 để đối phó với lệnh cấm vận dầu mỏ của các nước Ả-rập.
Hiện nay, ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ đang vận động hành lang để lệnh cấm kéo dài 40 năm qua được dỡ bỏ hoàn toàn. Đầu tháng này, 11 giám đốc điều hành các tập đoàn dầu mỏ lớn của Mỹ, trong đó có ConocoPhillips, đã lên tiếng kêu gọi các nhà làm luật rút lại quy định hạn chế nói trên. Đối với họ, doanh thu là vấn đề quan trọng nhất và đã đến lúc Mỹ đem một phần sản lượng dầu mỏ dư thừa của mình để xuất khẩu.
Trong bài phỏng vấn gần đây với tạp chí The Hill, George Baker, người đứng đầu Liên minh các nhà sản xuất dầu mỏ Mỹ nhận định: “Dù mục đích của chính sách cấm xuất khẩu là gì, thì trong kỷ nguyên mà nguồn cung năng lượng dồi dào như hiện nay, việc cấm xuất khẩu dầu thô của Mỹ không còn tạo ra bất kỳ ý nghĩa thực tiễn hay chính trị nào”.
Các nhà phân tích của IHS cũng đánh giá rằng, dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ có thể tạo thêm hàng trăm nghìn việc làm cho người lao động Mỹ, và bổ sung hàng tỷ USD vào ngân sách quốc gia.
Số liệu của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy, kho dầu dự trữ của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 13/3 đã tăng thêm 9,6 triệu thùng, lên mức cao nhất trong ít nhất 80 năm qua. Đây cũng là tuần tăng thứ mười liên tiếp của kho dầu dự trữ Mỹ. Tổng sản lượng dầu thô của Mỹ là khoảng 9,4 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 22/3 vừa qua, đây là một con số cao kỷ lục.
Bất chấp giá dầu mỏ sụt giảm mạnh thời gian qua, các nhà sản xuất chế phẩm từ dầu thô Mỹ vẫn gặt hái được nhiều thành công do họ không bị hạn chế số lượng xuất khẩu. Kết quả là, theo hãng tin Bloomberg, Mỹ đang xuất khẩu một lượng xăng kỷ lục ra nước ngoài. Điều này càng khiến giám đốc điều hành các công ty dầu mỏ “đứng ngồi không yên”.
Nhà Trắng chưa chính thức phản ứng lại trước các đề nghị dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu, song họ đã có bước đi hướng đến động thái này. Theo đó, chính quyền Tổng thống Barack Obama cho phép một số doanh nghiệp bắt đầu xuất khẩu nguyên liệu thô, mặc dù ban đầu khối lượng xuất khẩu sẽ không lớn.
Cơ quan an ninh và công nghiệp (BIS) thuộc Bộ Thương mại Mỹ cho phép một số công ty năng lượng xuất khẩu nhiên liệu gọi là dầu siêu nhẹ. Bộ này cũng đang soạn thảo những quy định liên quan đến nới lỏng xuất khẩu đối với toàn ngành dầu khí. Quy định mới nêu rõ sau quá trình sơ chế, dầu siêu nhẹ sẽ được coi là sản phẩm hóa dầu và khi đó sẽ không chịu lệnh cấm xuất khẩu. Hiện có khoảng 20 công ty năng lượng đề nghị được BIS cấp phép xuất khẩu.
Tuy nhiên, không phải ai cũng mong muốn lệnh cấm xuất khẩu dầu thô được dỡ bỏ. Một số người lo ngại rằng, cho phép xuất khẩu sẽ đẩy chi phí dầu mỏ trong nước của Mỹ tăng lên, khiến giá xăng trở nên đắt đỏ hơn với người dùng ô tô. Giám đốc Nhóm bảo vệ người tiêu dùng Public Citizen's Energy Program, Tyson Slocum cho rằng: “Dầu mỏ hiển nhiên là nhiên liệu cho các hoạt động kinh tế. Vì vậy, thặng dư kho dự trữ dầu mỏ giúp kinh tế Mỹ chống lại những bất ổn từ bên ngoài”.
Thêm vào đó, các nhà sản xuất chế phẩm dầu mỏ cũng muốn giữ lệnh cấm này, bởi lẽ nhiều nhà máy hóa dầu của Mỹ chưa sẵn sàng để chế xuất loại “dầu ngọt nhẹ” được sản xuất trong nước. Thay vào đó, trang thiết bị của họ lại được lắp đặt để chế xuất loại “dầu nặng” có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn từ Saudi Arabia, Venezuela và Canada.
Vì vậy, theo nhận định của trang mạng FuelFix, Quốc hội Mỹ khó có thể dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm ngay trong năm nay. Nhà Trắng hiểu rằng hành động đó sẽ “xói mòn” quan hệ với Saudi Arabia, đồng minh thân cận của Mỹ. Nhà phân tích Jennifer Dlouhy của FuelFix đánh giá: “Chính sách dầu mỏ Mỹ khó có thể có bước đột phá ngay trong thời gian tới, đặc biệt trong năm bầu cử 2016 đang đến gần, khi vấn đề mà cử tri đặc biệt quan tâm là giá xăng tăng cao”.