Vật liệu xây dựng tăng sốc
Vừa nhận được thông tin tăng giá của một doanh nghiệp thép tại phía Nam, ông H., Tổng giám đốc một công ty xây dựng tại TP.HCM thở dài khi vật liệu xây dựng năng “sốc” từ đầu tháng 10 đến nay, khiến doanh nghiệp ông không dám ký hợp đồng mới, trong khi những hợp đồng đã ký trước đó khả năng cao sẽ thua lỗ vì giá thép và vật liệu xây dựng tăng tới 40 - 50% so với cuối năm 2020.
Xi măng là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc tăng giá than, bởi than chiếm 40 - 45% giá thành sản xuất xi măng. Chính vì vậy, do giá than tăng, từ ngày 21/10, Xi măng Công Thanh thông báo tăng thêm 70.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT) đối với tất cả các sản phẩm. Các doanh nghiệp như Xi măng Bỉm Sơn, Vicem Hà Tiên, Xi măng Luks Ninh Thuận Việt Nam cũng điều chỉnh tăng giá các loại xi măng.
Đối với thị trường thép, nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh mức tăng giá bán khoảng 17.000 - 192.000 đồng/kg, tùy từng thương hiệu. Cụ thể, giá thép cuộn CB240 của Tập đoàn Hòa Phát tăng 460 đồng/kg, hiện ở mức 16.770 đồng/kg. Thép cây D10 CB300 tăng 410 đồng/kg, lên mức 16.820 đồng/kg. Công ty Thép Thái Nguyên cũng tăng giá thép CB240 thêm 860 đồng/kg, lên mức 17.200 đồng/kg...
Đây không phải là đợt tăng giá thép đầu tiên. Đầu năm 2021, giá thép tăng chóng mặt so với năm 2020, khiến các bộ, ngành vào cuộc kiểm tra và tìm biện pháp bình ổn giá. Sau đó, giá thép và các vật liệu khác có xu hướng giảm.
Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho biết, chỉ số giá xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tác động chính là do sự tăng giá của các vật liệu xây dựng đầu vào như giá thép xây dựng tăng 30 - 40%, giá nhựa đường tăng 9 - 10%, giá xi măng tăng 3 - 5%...
Áp lực lên giá nhà
Trong khi các nhà thầu đứng ngồi không yên, thì các chủ đầu tư, người dân có kế hoạch xây nhà cũng “nóng lòng” không kém. Giám đốc một công ty chế biến thực phẩm tại Đồng Nai cho biết, kế hoạch xây thêm nhà xưởng đang bị chậm lại vì nhà thầu mỗi tuần đổi một giá. Cách đây 1 tháng, họ báo giá 30 tỷ đồng, giờ 35 tỷ đồng cũng không thể làm được.
Nếu Covid-19 được kiểm soát tốt, thì thanh khoản bất động sản sẽ tăng trở lại, kéo theo giá có thể tăng nhẹ do nguồn cung hạn chế, trong khi nhu cầu nhà ở vẫn cao.
Theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty Phú Đông Group, trong 5 loại chi phí tác động đến giá của một sản phẩm bất động sản, thì chi phí sắt thép chiếm 15 - 20%. Trong trường hợp giá vật liệu tăng đột ngột, các chủ đầu tư cần cân nhắc 2 trường hợp để làm việc với các nhà thầu.
Thứ nhất, đối với các dự án chưa công bố bán hàng, chưa khởi công xây dựng và chưa đưa vào kinh doanh, khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao đẩy chi phí xây dựng tăng lên, thì chủ đầu tư sẽ điều chỉnh tăng giá bán.
Thứ hai, đối với những dự án đã khởi công xây dựng và đang trong quá trình triển khai, chủ đầu tư sẽ không còn thời gian để điều chỉnh giá bán với khách hàng, phải chịu thiệt thòi về lợi nhuận. Bản thân các chủ đầu tư không thể cắt giảm chi phí xây dựng để đảm bảo lợi nhuận bởi ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
“Thông thường, khi ký hợp đồng xây dựng, các nhà thầu thường đưa ra điều kiện trong trường hợp giá nguyên vật liệu biến đổi không quá 3%, thì nhà thầu và chủ đầu tư sẽ không có trách nhiệm điều chỉnh chi phí xây dựng. Trong trường hợp mức giá biến đổi quá 3%, hai bên sẽ chia sẻ đều hoặc tự thỏa thuận phần giá vượt mức đã thống nhất”, ông Phúc nói.
Không chỉ riêng giá vật liệu xây dựng, nguồn cung khan hiếm cũng là một yếu tố khiến giá nhà vẫn tăng, bất chấp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D Công ty DKRA Vietnam dự báo, bước sang năm 2022, áp lực tăng giá sẽ rất lớn bởi các lý do chính đã bắt đầu xuất hiện từ quý I/2021 do nhiều yếu tố chi phối như lạm phát, chi phí vật liệu xây dựng tăng, chi phí đầu vào tăng.
Báo cáo quý III/2021 của Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh, thị trường bất động sản từ nay đến hết năm 2021 sẽ không có chuyển biến mang tính đột phá, vì các tỉnh phía Nam đang phải gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu Covid-19 được kiểm soát tốt, thì thanh khoản bất động sản sẽ tăng trở lại, kéo theo giá có thể tăng nhẹ do nguồn cung hạn chế, trong khi nhu cầu nhà ở vẫn cao.
Để thực hiện các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của biến động của giá thép đến hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan và các địa phương đề nghị thường xuyên theo dõi, kịp thời cập nhập, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp. Các cơ quan liên quan đánh giá tác động của Covid-19 và biến động giá vật liệu xây dựng, chủ yếu là thép xây dựng, từ đó, đề xuất các giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động tiêu cực từ tăng giá thép, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thi công xây dựng.
Bộ Xây dựng đang tổng hợp thông tin báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng.