Nhà đầu tư Hà Nội “lĩnh xướng” cuộc chơi
Mở đầu câu chuyện với phóng viên, ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Phát triển dự án THM Land cho biết, trong khi nhiều khu vực ở phía Bắc trầm lắng, 3 địa phương Hạ Long (Quảng Ninh), Thanh Hóa và Hòa Bình nổi lên như những điểm sáng khi thị trường bất động sản những nơi này vẫn khá sôi động, cho dù phân khúc đất nền ở thị trường sôi động bậc nhất như Hòa Bình đã “giảm nhiệt” do chính quyền địa phương cấm chia lô, tách thửa đất, tiếp theo đó là Hải Phòng, Bắc Giang và Hải Dương cũng có các động thái tương tự.
“Trong 2 năm qua, nhiều người đổ tiền vào bất động sản như một kênh đầu tư trú ẩn, trong đó đất nền là phân khúc chủ đạo. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư đã hướng nhiều hơn đến các sản phẩm có pháp lý chuẩn và công trình xây trên đất, thường là sản phẩm nhà thấp tầng, trong khi sản phẩm đất nền đã chững lại. Suất đầu tư nhà thấp tầng có thể cao hơn, nhưng tính an toàn được đảm bảo hơn so với đất nền”, ông Đức nói và cho biết thêm, các nhà đầu tư Hà Nội đang là lực lượng hùng hậu nhất tạo nên sự sôi động cho các thị trường vùng ven, tỉnh lị phía Bắc. Thông thường, nhà đầu tư Hà Nội chiếm từ 50-60%, cá biệt có thị trường, dự án như tại Hòa Bình, nhà đầu tư Hà Nội chiếm đến 90% giao dịch. Sự chủ động của các nhà đầu tư Hà Nội cũng tác động đến tâm lý nhà đầu tư bản địa, khi nhóm này phần nào bị “cuốn” vào cuộc chơi.
Theo ông Đức, điểm khác biệt nhất giữa 2 nhóm nhà đầu tư này là trong khi các nhà đầu tư Hà Nội nhiều kinh nghiệm, mạo hiểm hơn, mạnh dạn hơn, tham gia từ khi sản phẩm, dự án còn là “lúa non” thì các nhà đầu tư bản địa thường xuống tiền khi dự án đã lên “hình hài”.
Cùng góc nhìn, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Nghỉ dưỡng Ngoại ô cho rằng, hiện là thời điểm thị trường bất động sản phía Bắc cũng như cả nước khá trầm lắng trước động thái kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý và chính quyền các địa phương, vì thế, sự tích cực của các thị trường lân cận Hà Nội được ví như những “hoạt náo viên” giữ “lửa” cho thị trường.
“Hiện là giai đoạn các nhà đầu tư lớn mạnh dạn bắt đáy, ‘ôm lố’ theo kiểu mua đất diện tích lớn từ một vài héc-ta trở lên. Nhiều đội nhóm nhà đầu tư đã thắng ở các thị trường Bắc Ninh, Bắc Giang trước đó đang rất tích cực săn đất nền đủ loại, từ đất rừng, đất hoang tới đất thổ cư ở khu vực Ba Vì, Hòa Bình để chờ tăng giá sẽ bán ra”, ông Trung cho hay.
“Sóng tỉnh lị” còn dài
Đại diện Hải Phát Invest cho biết, trong năm 2022 này, nhà phát triển bất động sản này sẽ tập trung nguồn lực triển khai thi công 2 dự án trọng điểm ở Cao Bằng và Bắc Giang.
Thị trường đã qua giai đoạn đẩy giá và đang trong thời điểm các “tay to” đẩy mạnh gom hàng. Do đó, có thể phải đến cuối năm 2022 hoặc sang năm 2023 thị trường mới có thể sôi động trở lại.
“Với mong muốn tạo lập nên những khu dân cư hoàn thiện, đồng bộ, sống động và gia tăng giá trị, Hải Phát Invest chú trọng từ khâu thiết kế, đến khâu triển khai, hoàn thiện và đưa vào quản lý vận hành sau đầu tư… Do đó, 2 dự án này sẽ chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng doanh thu và lợi nhuận năm 2022 của Hải Phát Invest”, vị đại diện trên nói và thông tin thêm, để duy trì tăng trưởng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh trong năm nay và những năm tiếp theo, Hải Phát Invest đang đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và tiếp tục hoàn thiện pháp lý các dự án trọng điểm như HP Mai Pha Riverside (91,7 ha), Trung tâm Dịch vụ du lịch Hàm Tiến - Mũi Né (198 ha), Seahara Phan Thiết (5 ha)…, đồng thời triển khai chiến lược M&A bất động sản tại một số địa phương như Điện Biên, Lào Cai, Bắc Giang, Hòa Bình… với chi phí vốn hợp lý để gia tăng quỹ đất sạch cũng như tạo dòng tiền trong ngắn hạn.
Tương tự, mới đây, Tập đoàn Tân Á Đại Thành - Meyland đã tổ chức kickoff dự án Meyhomes Capital Crystal City - giai đoạn 2 của dự án Meyhomes Capital Phú Quốc. Tại sự kiện, đại diện chủ đầu tư đã trao chứng nhận đối tác chiến lược cho 12 đơn vị tham gia phân phối dự án gồm hầu hết các tên tuổi môi giới hàng đầu hiện nay.
Bà Nguyễn Phương Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành - Meyland cho biết, dự án Meyhomes Capital Crystal City có quy mô 52.2 ha gồm 3 phân khu chính với các loại hình sản phẩm liền kề, shophouse, biệt thự…
“Đói cung”, “tăng giá”, “thanh khoản nhỏ giọt” đang là những từ khóa nổi bật về thị trường bất động sản Hà Nội, TP.HCM, trong khi dòng tiền đang đổ về nhiều thị trường vùng ven, thị trường các tỉnh. Theo ông Nguyễn Minh Đức, khi hai thị trường chính TP.HCM và Hà Nội trong bối cảnh “đói cung”, “tăng giá”, thị trường bất động sản ở các địa phương thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, điều này đến từ việc các sản phẩm địa ốc khu vực này duy trì được đà tăng giá tích cực. Chẳng hạn, tại dự án nhà ở thấp tầng của BIM Group trên đường Hùng Thắng, TP. Hạ Long, một căn biệt thự diện tích 100 m2 đã tăng từ 8 tỷ đồng lên 12 tỷ đồng, thậm chí 15 tỷ đồng chỉ sau nửa năm.
Đưa ra lời khuyên, ông Đức cho rằng, có 3 yếu tố nhà đầu tư bất động sản nào cũng cần quan tâm, đó là lợi nhuận, sự an toàn và tính thanh khoản, mà để đảm bảo các yếu tố này, nhà đầu tư cần lựa chọn các sản phẩm có pháp lý rõ ràng, có vị trí đẹp.
Còn theo ông Nguyễn Thành Trung, thị trường đã qua giai đoạn đẩy giá và đang trong thời điểm các “tay to” đẩy mạnh gom hàng. Do đó, có thể phải đến cuối năm 2022 hoặc sang năm 2023 thị trường mới có thể sôi động trở lại.
“Thị trường phía Tây Hà Nội sẽ vẫn duy trì sự tích cực trong thời gian tới do sự khan hiếm sản phẩm, khi thời gian triển khai các dự án vướng pháp lý có thể lâu hơn 1,5 lần so với giai đoạn trước. Do đó, dự án nào đủ điều kiện bán hàng sẽ hút khách”, ông Trung nhận định.