Cơ hội gom quỹ đất “vùng trũng”
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc Sau cho rằng, một vài cơn sốt ảo bất thường rồi tan nhanh mấy tháng trước thực ra không làm giảm giá trị kênh đầu tư đất nền, bởi các dự án đất nền an toàn và kết nối tốt vẫn bán hàng đều đặn và “giá tăng trong âm thầm” kể cả khi dịch bệnh tái bùng phát.
“Những dự án đất nền có pháp lý sạch, hạ tầng đồng bộ vẫn sẽ là tâm điểm được săn đón trong thời gian tới”, ông Quyết dự báo.
Nằm ở vị trí trung tâm vùng Nam Đồng bằng sông Hồng, nhưng thời gian đây Nam Định mới được nhắc tới nhiều sau khi địa phương này công bố danh mục hàng loạt dự án có quy mô cả tỷ USD cùng nhiều chính sách ưu đãi nhằm kêu gọi các nhà đầu tư. Nổi bật trong đó có thể kể tới dự án Khu công nghiệp Ninh Cơ tại huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng (quy mô hơn 13.900 ha), Khu công nghiệp Mỹ Trung tại TP. Nam Định (150 ha, hình thức đầu tư liên doanh, 100% vốn nước ngoài hoặc trong nước), Khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy, Giao Thủy (2.000 ha), Khu du lịch Rạng Đông huyện Nghĩa Hưng (800 ha), trung tâm logistics tại các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng (50 ha)…
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Địa ốc Cát Tường, nhà đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, Nam Định hiện đã thay đổi tư duy trong thu hút đầu tư, thay vì chờ đợi doanh nghiệp tìm về như trước đây, thì nay chủ động chuẩn bị sẵn mặt bằng sạch, hạ tầng đồng bộ, đạt quy chuẩn để cung ứng cho các nhà đầu tư.
Đặt mục tiêu phát triển mạnh hạ tầng đô thị, từ năm 2019 trở lại đây, Thừa Thiên Huế cũng tích cực “lôi kéo” nhiều đại bàng về xây tổ như Vingroup, Sun Group, Sovico, Tập đoàn FLC, Văn Phú - Invest, Tập đoàn Hoàng Gia Hội An, Vietravel...
Mới nhất, UBND Thừa Thiên - Huế đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Trung tâm thương mại dịch vụ tại khu A - Đô thị mới An Vân Dương quy mô 8,6 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 3.916 tỷ đồng… Nhiều ý kiến cho rằng, việc sắp trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã tạo động lực phát triển cho tỉnh, giúp thị trường bất động sản Thừa Thiên - Huế được hưởng lợi và trở nên nóng bỏng không kém Khánh Hòa hay Đà Nẵng.
Chia sẻ với phóng viên, đại diện Văn Phú - Invest cho biết, tăng quỹ đất là một trong những mục tiêu hàng đầu của doanh nghiệp này và việc các địa phương như Thừa Thiên - Huế tích cực kêu gọi đầu tư, mở rộng các cơ chế, chính sách ưu đãi sẽ mở ra cơ hội cho các nhà phát triển bất động sản như Văn Phú - Invest tìm được quỹ đất phù hợp.
Với Hà Nam, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này đang công bố tìm nhà đầu tư cho dự án khu đô thị mới thuộc địa bàn phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên với tổng diện tích đất 48,3 ha, ước tổng chi phí thực hiện vào khoảng 1.985 tỷ đồng.
Một địa phương khác là Thái Bình đang được nhiều nhà đầu tư “nhòm ngó” vì sở hữu nhiều lợi thế, trong khi giá đất còn khá rẻ vì theo đánh giá của dân trong nghề là “đa số các dự án đều chưa có một chiến lược marketing bài bản đến các nhà đầu tư ngoài địa phương”.
Thái Bình sở hữu lợi thế kép khi vừa nằm trong vùng kinh tế ven biển kết nối 6 tỉnh duyên hải Bắc Bộ từ Quảng Ninh - Hải Phòng đi qua Thái Bình đến Thanh Hóa, vừa được quy hoạch Khu kinh tế Thái Bình phát triển đa ngành, đặc biệt là công nghiệp.
Ngày 8/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 180/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp – đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái (Green IP-1) phân khu Bắc. Đây được coi là công trình trọng điểm cấp nhà nước để tỉnh Thái Bình tăng trưởng và thu hút đầu tư. Dự án có quy mô 588,84 ha, tổng vốn đầu tư 3.885 tỷ đồng, nằm tại xã Thụy Liên và thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).
Trước đó, Khu công nghiệp Tiền Hải (huyện Tiền Hải, Thái Bình) cũng là công trình trọng điểm được Nhà nước chú trọng đầu tư và giao cho Tổng công ty Viglacera là nhà đầu tư. Đây là dự án có ý nghĩa kinh tế rất quan trọng nằm trong Khu kinh tế ven biển Thái Bình và ngay trên tuyến giao thông đường bộ ven biển. Dự án này được đầu tư mở rộng từ 250ha lên 466ha, với tổng mức đầu 2.025 tỷ đồng.
Nhiều nhà đầu tư tin rằng, lúc này là thời điểm vàng để đầu tư vào khu vực này khi giá trị bất động sản tại đây đang khá thấp so với tiềm năng phát triển của địa phương và so với giá trị bất động sản các địa phương có nền công nghiệp phát triển như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng…
Nắm quỹ đất là nắm lợi thế
Theo đánh giá của bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, không chỉ Hà Nội hay TP.HCM, có thể thấy rõ xu hướng mở rộng địa bàn ở cả các tỉnh vùng ven, nhất là nơi có tốc độ phát triển kinh tế và hạ tầng đô thị ở mức cao. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt nguồn cung quỹ đất tại các thị trường chính cũng buộc các doanh nghiệp phải chủ động trong việc mở rộng phạm vi hoạt động ra khu vực lân cận để tránh tình trạng “dẫm chân nhau” nếu tiếp tục săn tìm quỹ đất tại khu vực trung tâm. Ngoài ra, những năm gần đây, việc hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng liên tục được mở rộng và hoàn thiện cũng giúp các nhà phát triển bất động sản tự tin hơn khi triển khai dự án ở vùng ven.
Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, ngoại trừ Khang Điền có 100% quỹ đất tại thành phố lớn, Vinhomes duy trì chiến lược đô thị cao cấp nên vẫn sở hữu 51% quỹ đất tại TP.HCM và Hà Nội, hầu hết các chủ đầu tư khác đều có tỷ lệ quỹ đất ở các đô thị vệ tinh ở mức trên 80% cho thấy rõ định hướng chiến lược phát triển dự án ra vùng ven. Xu hướng này ngày càng nở rộ thời gian gần đây khi nhiều địa phương có sự chuyển biến rõ rệt trong tư duy thu hút đầu tư.
Là một trong những doanh nghiệp tiên phong khai phá nhiều vùng đất mới, lãnh đạo Tập đoàn FLC cho rằng, có sự thay đổi lớn ở nhiều địa phương thời gian gần đây, nhất là cách tiếp cận và kiến tạo môi trường đầu tư. Theo vị này, khi đầu tư vào một địa phương, điều doanh nghiệp quan tâm nhất là tư duy của bộ máy chính quyền địa phương đó, thể hiện ở tầm nhìn, định hướng và mục tiêu rõ ràng của lãnh đạo địa phương, đồng thời phải có sự gắn kết lâu dài và quyết tâm thực hiện rất cao cùng doanh nghiệp.
“Đầu tư vào khu vực tỉnh lẻ giống như mang nước đến một nơi khô cằn, không biết đổ bao nhiêu cho đầy, cho nên quyết tâm đồng hành của địa phương với doanh nghiệp là vô cùng quan trọng”, vị lãnh đạo FLC ví von.
Ghi nhận thực tế cho thấy, điểm chung của những khu vực được doanh nghiệp địa ốc săn lùng là có quy hoạch tốt về hạ tầng giao thông. Nói như nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, ngoài sự thay đổi về chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, hạ tầng giao thông là nền tảng, là cú huých không chỉ với bất động sản, mà ở nhiều lĩnh vực khác.
Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng, cư dân ở những đô thị xung quanh Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng hay thậm chí xa hơn vẫn có sự kết nối rất tốt về về thông tin, dịch vụ, hàng hóa. Điều kiện sống dần tốt lên đồng nghĩa với nhu cầu về các không gian sống “xứng tầm” cũng dần nhiều hơn.
“Các chủ đầu tư hiểu rất rõ nhu cầu này và họ nhanh chóng tìm cách đáp ứng, triển khai nhiều dự án đa công năng, đưa ra cho khách hàng rất nhiều lựa chọn”, ông David Jackson nói.
Dù vậy, theo chuyên gia này, khi chuyển địa bàn hoạt động, các chủ đầu tư cũng sẽ gặp không ít thách thức, chẳng hạn phải nghiên cứu thị trường để tìm ra đúng tệp khách hàng tiềm năng và phù hợp với thế mạnh của doanh nghiệp, hoặc có thể phải góp phần phát triển cơ sở hạ tầng tại nơi triển khai dự án để giúp việc kết nối thuận tiện hơn.