Làn sóng “di cư” của các ông lớn
Từ năm 2018, khi TP.HCM siết cấp phép dự án mới, các doanh nghiệp bất động sản TP.HCM đã chuyển hướng ra các tỉnh lân cận để săn đất phát triển dự án.
Một trong những đại gia bất động sản TP.HCM phải chuyển hướng về thị trường tỉnh là Novaland với các dự án tại Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai. Một “ông lớn” khác của thị trường địa ốc TP.HCM là Hưng Thịnh Corp, cũng tiến quân về thị trường tỉnh với việc mở bán dự án tại tỉnh Vĩnh Long, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hay An Gia Investment mở bán dự án tại TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); Asian Holding mở bán dự án tại tỉnh Bình Phước; Cát Tường Group mở bán dự án tại tỉnh Bình Phước, An Giang; Nam Long mở bán dự án tại Long An…
Việc chuyển hướng này đã giúp các doanh nghiệp có sản phẩm để bán, duy trì hoạt động kinh doanh, người có nhu cầu thực cả đầu tư và để ở có hàng để mua, còn địa phương có nguồn thu ngân sách.
Bất động sản các tỉnh vùng ven TP.HCM một thời từng có sức hút rất lớn. Ảnh: Gia Huy
Sự xuất hiện của các chủ đầu tư lớn, uy tín cũng đã đánh thức tiềm năng của thị trường bất động sản tỉnh, giúp thị trường phát triển mạnh cả thanh khoản và giá.
Về thanh khoản, theo báo cáo từ các doanh nghiệp như Đất Xanh, Phú Đông Group, Hưng Thịnh Corp…, lượng hàng bán ra ở mỗi dự án chỉ trong vòng 2 - 3 tháng đã hết. Sự sôi động của thị trường cũng kéo giá tăng theo.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, nếu đầu năm 2018, giá bất động sản tại Long An chỉ từ 6 - 12 triệu đồng/m2, thì tới quý II/2019, đã tăng lên từ 12 - 19 triệu đồng/m2.
Tại Đồng Nai, nếu giá quý I/2018 là 9 - 15 triệu đồng/m2, thì quý II/2019 đã tăng lên hơn 20 triệu đồng/m2. Tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, giá bất động sản cũng tăng từ 23 triệu đồng/m2 đầu năm 2018, lên 30 triệu đồng/m2 vào quý I/2019…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, thời gian qua, TP.HCM tiến hành rà soát, thanh tra hàng loạt dự án kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp, vì chi phí vốn, lãi vay ngân hàng tăng và mất cơ hội kinh doanh. Minh chứng cụ thể là nguồn cung nhà ở bị sụt giảm, gây bất lợi cho cả người mua nhà và thị trường bất động sản.
Đứng giữa "tâm bão" khủng hoảng của thị trường, các doanh nghiệp phải tìm đường "cứu lấy mình" bằng cách chuyển hướng về các vùng ven để mở rộng thị trường. Bởi đã thành quy luật tất yếu, nếu như tất cả các doanh nghiệp chỉ tập trung đầu tư vào một địa bàn, thì nguồn lực tại địa bàn đó cũng đến lúc cạn kiệt.
Việc chuyển hướng ra các tỉnh vùng ven là điều mà các doanh nghiệp địa ốc TP.HCM không muốn cũng phải làm. Bởi để duy trì hoạt động, doanh nghiệp buộc phải có dự án mới để đưa hàng ra thị trường. Trong khi tại thị trường TP.HCM, đã gần 2 năm qua, nhiều doanh nghiệp không thể triển khai được dự án mới nào.
Sóng bắt đầu tan dần
Sau thời gian phát triển mạnh, thị trường bất động sản các tỉnh vùng ven TP.HCM bắt đầu đã có dấu hiệu chững lại.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty Bất động sản Thăng Long cho biết, hiện các dự án bán rất chậm. Thậm chí, có dự án ở Bình Phước chỉ hơn 200 căn nhà phố, nhưng bán từ tháng 3 tới nay vẫn chưa thể bán hết hàng.
Nhiều dự án tại Bình Dương cũng trong cảnh tương tự. Đơn cử, dự án Phú An Garden tại huyện Bầu Bàng, tỉnh Bình Dương, bán từ tháng 5/2019, nhưng ghi nhận từ các sàn giao dịch cho thấy, mỗi tháng họ chỉ bán được vài nền đất, nhà phố.
Trước bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp lớn như Him Lam, Hưng Thịnh đã bắt đầu tính toán và nghiên cứu lại thị trường vùng ven để đưa ra sản phẩm phù hợp hơn.
Một điểm nữa cho thấy thị trường vùng ven đang chững lại là giao dịch trên thị trường thứ cấp cũng đang gặp khó khăn, nhiều nhà đầu tư không thoát được hàng.
Ông Nguyễn Văn Long, ngụ quận 9, TP.HCM cho biết, cuối năm 2018, ông mua 2 lô đất nền tại dự án ở TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai với giá 1,5 tỷ đồng. Từ tháng 6/2019, sau khi đã có sổ đỏ, ông bắt đầu chào bán lại, nhưng tới nay vẫn chưa thể bán được, vì khách hàng chê giá cao. Sau đó, ông hạ giá, chấp nhận bán giá gốc của chủ đầu tư, nhưng vẫn không ai mua.
Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Đại Phúc Land cho rằng, việc thị trường bất động sản vùng ven trầm lắng sau thời gian sôi động vừa qua vì nhiều lý do.
Thứ nhất, thị trường tỉnh lẻ vẫn chưa sẵn sàng đón nhận các dự án bất động sản lớn. Để thị trường bất động sản tỉnh phát triển ổn định, bền vững, cần có nhiều yếu tố, như hạ tầng kết nối với TP.HCM, các tiện ích như khu vui chơi, giải trí, mua sắm, bệnh viện, trường học… Tuy nhiên, đa số các địa phương đang thiếu một hoặc nhiều yếu tố này.
Thứ hai, nhu cầu mua nhà ở thực của người dân các tỉnh không lớn, khách mua chủ yếu là các nhà đầu tư thứ cấp. Mức giá bán ở các dự án bất động sản cũng tăng mạnh, trong khi thu nhập của người dân tỉnh lẻ không lớn. Với giá mỗi mét vuông đất ở dự án cao gấp đôi, gấp ba giá đất thổ cư, trong khi quỹ đất thổ cư còn lớn, nên người có nhu cầu mua nhà để ở thật lựa chọn mua đất thổ cư hơn là đất dự án.
Một điểm nữa là thời gian qua, cùng với sự sôi động của thị trường, nhiều địa phương như Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai… xuất hiện dự án ma, khiến nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn khi rót tiền vào các dự án ở tỉnh vùng ven. Đơn cử, tại tỉnh Long An, lãnh đạo địa phương đã điểm danh hàng loạt dự án chưa đủ hồ sơ pháp lý được mở bán từ đầu năm tới nay như Hưng Thịnh Cát Tường, Đất Xanh Long An, Bella Vista… Các dự án này chưa được cấp phép từ cơ quan chức năng, đất chưa đền bù giải tỏa xong, nhưng chủ đầu tư đã tự ý phân lô, làm hạ tầng bán cho khách hàng.
Bên cạnh đó, nhiều dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến đường, hoặc dự án hạ tầng mới kết nối TP.HCM về các tỉnh lân cận bị chậm tiến độ, cũng khiến thị trường bất động sản tỉnh dần mất điểm trong mắt người mua.
Một điểm nữa, đó là trong quý III/2019, tại thị trường TP.HCM có một siêu dự án ở quận 9 mở bán đã hút nhiều nhà đầu tư trở lại với thị trường Thành phố.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com