Bất động sản nghỉ dưỡng không hề dư cung

(ĐTCK) Những nỗi lo về việc dòng tiền đầu tư tập trung quá nhiều vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng có thể là không hợp lý nếu nhìn vào hạ tầng du lịch thiếu thốn hiện tại và tăng trưởng dòng khách du lịch lên tới khoảng 30% mỗi năm.
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây

Tiềm năng rất lớn…

Chia sẻ thông tin với các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Hội nghị Bất động sản Việt Nam lần thứ 6 tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam nói chung vẫn trên đà phát triển tốt, nhu cầu thị trường lớn, trong khi môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện, thu hút mạnh nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Riêng với thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, theo ông Nam, phân khúc này đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn nhờ vào sự tăng trưởng của ngành du lịch và kinh tế - xã hội. Trong khoảng 4 năm trở lại đây, khách du lịch, nghỉ dưỡng ngày càng tăng cao. Cụ thể, trong năm 2017, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 13 triệu lượt dự kiến trong năm 2018 sẽ đạt 15 triệu lượt và đến năm 2020, con số này sẽ tăng lên 18 triệu lượt khách.

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2018, hầu hết các thị trường khách đều tăng, trong đó Hàn Quốc tăng 48,3%, Phần Lan tăng 33,3%, Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 29,6%, Trung Quốc tăng 28,8%, Đan Mạch tăng 16,4%, Đài Bắc (Trung Hoa) tăng 14,8%, Thụy Điển tăng 13,7%, Italia tăng 13,6%, Philippin tăng 13,4% và Malaisia tăng 12,6%, các nước châu Phi tuy số lượng khách không lớn, nhưng cũng tăng 19,7%.

Không chỉ với du khách quốc tế, mà ngay cả với du khách nội địa cũng ngày càng tăng. Ước tính trong 10 tháng năm 2018, khách du lịch nội địa đạt 67,9 triệu lượt khách, trong đó có 33,1 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch đạt 505.000 tỷ đồng, tăng 20,99% so với cùng kỳ năm 2017.

“Khách du lịch không ngừng tăng cao, thì số phòng nghỉ dưỡng sẽ ngày càng khan hiếm. Mặc dù hình thức căn hộ condotel hay biệt thự nghỉ dưỡng vẫn còn đang tranh cãi về nhiều vấn đề, nhưng các dự án này đã bù đắp phần nào nguồn cung phòng lưu trú đắp ứng cho nhu cầu ngày càng cao”, ông Nam nói và cho biết, trong cả ngắn, trung và dài hạn, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn có nhu cầu lớn, thanh khoản tốt.

Dự báo, đà phát triển này sẽ tiếp tục cho đến 30 - 50 năm nữa, nhưng để đạt được hiệu quả cao, nhà đầu tư phải chọn đúng vị trí, đúng dự án, đúng phân khúc mà thị trường đang cần...

Nha Trang và Đà Năng đang là 2 trong nhiều thủ phủ về bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trọng Thức, Quản lý cấp cao của CBRE Việt Nam cho biết, so với Phuket của Thái Lan, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng.

Trong đó, Đà Nẵng và Nha Trang vẫn là 2 điểm nóng về dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Hai thị trường này chiếm tới 80% lượng sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng tiêu thụ được trên cả nước, tính lũy kế tới thời điểm này. Trong khi đó, doanh số bán ra của loại hình condotel ở Phú Quốc đang chậm hơn, nhưng tình hình này sẽ sớm được cải thiện.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang là nước dẫn đầu về phát triển cơ sở hạ tầng. Việc mở rộng các sân bay quốc tế sẽ tạo cơ hội để đón khách du lịch nhiều hơn nữa và đây là yếu tố đẩy thị trường condotel phát triển.

“Nhiều người đa lo lắng về nguồn cung của thị trường condotel, nhưng tôi khẳng định rằng, vấn đề quan tâm nhất hiện nay là đầu tư sao cho hợp lý”, ông Thức nói.

… Nhưng thách thức không ít

Nhận diện được tiềm năng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, trong vài năm trở lại đây, nhiều chủ đầu tư bất động sản đã đẩy mạnh đầu tư vào dự án condotel ở hầu hết các địa phương có biển. Sự bùng nổ đó gắn với dòng vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD từ những “ông lớn” địa ốc, mà khởi nguồn là Tập đoàn Vingroup với phân khúc biệt thự biển và condotel tại Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Đà Nẵng…

Làn sóng đầu tư sau đó lan rộng với sự tham gia của rất nhiều đại gia bất động sản phía Bắc khác như Sun Group, FLC Group, CEO Group, BIM Group… và khái niệm thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trở nên phổ biến, có tốc độ tăng trưởng ấn tượng.

Tương tại phía Nam, nhiều đại gia địa ốc trước đó chủ yếu đầu tư vào phân khúc bất động sản nhà ở, cũng đã bắt đầu lấn sân vào lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng như Tập đoàn Novaland với các dự án tại Vũng Tàu, Phan Thiết (Bình Thuận), Cần Thơ; Hưng Thịnh rót hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư hàng loạt dự án nghỉ dưỡng tại Cam Ranh (Khánh Hòa) và Bà Rịa - Vũng Tàu; hay như Công ty Bất động sản Danh Khôi với khá nhiều dự án đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang…

Theo phân tích của các chuyên gia bất động sản, Việt Nam với lợi thế có hơn 3.000 km bờ biển đẹp, trải dài, là cơ hội lớn để phát triển ngành bất động sản du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thị trường này vẫn có những khó khăn nhất định.

Theo đại diện Công ty CBRE Việt Nam, ở tầm vĩ mô, việc quy hoạch các vùng phát triển bất động sản du lịch và định hướng thu hút đầu tư tại Việt Nam vần còn nhiều thách thức cần giải quyết. Cụ thể, Nha Trang và Đà Nẵng đang là điểm nóng, nhưng khu vực Ninh Thuận và Phú Yên cũng rất nhiều tiềm năng. Vị trí nằm ở điểm giữa của đất nước, nhưng do hạ tầng giao thông chưa phát triển, nên chưa được quan tâm thực sự... Chưa kể, thị trường tại Việt Nam vẫn còn thiếu các sản phẩm du lịch.

“Tại Thái Lan, họ có rất nhiều sản phẩm và dịch vụ rất tốt, nhưng tại Phú Quốc thì chỉ có thể tắm biển và lặn... Do vậy, để thu hút, níu chân và kéo du khách quay trở lại, cần thêm nhiều hoạt động về du lịch hơn nữa”, đại diện CBRE nói.

Cũng theo đại diện CBRE, một thách thức nữa với thị trường thị trường du lịch Việt Nam, qua đó ảnh hưởng tới thị trường bất động sản nghỉ dưỡng là về nguồn nhân lực. Mặc dù sở hữu đội ngũ lao động và dân số trẻ, nhưng nhân sự ngành dịch vụ khách sạn du lịch tại Việt Nam không được đào tạo chuyên nghiệp.

Ông Brian Quân Phạm, thành viên HĐQT các dự án liên kết của Quỹ Đầu tư Indochina Capital cũng cho rằng, về vấn đề nhận lực ngành du lịch, Việt Nam hiện đang thiếu. Mặc dù đã có trường đại học và các tổ chức để đào tạo tại khu học thuật, nhưng nguồn nhân lực cho ngành du lịch vẫn thiếu kỹ năng.

“Chúng tôi thích những người có kinh nghiệm rồi, bởi với những dự án ở khu vực ít người, thì một nguồn nhân lực có kinh nghiệm sẽ đảm bảo tỷ lệ khách hàng quay trở lại cao hơn. Tâm lý của khách hàng là sẽ quay trở lại vì dịch vụ ở nơi đó tốt, chứ không phải ở đó có đẹp hay không”, ông Brian Quân Phạm nói.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, chính sách pháp luật của Việt Nam hiện nay cũng đang là một rào cản rất lớn đối với thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Đơn cử, tính pháp lý chính thức của loại hình condotel đến nay vẫn chưa được giải quyết. Điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại.

“Vấn đề nữa là đảm bảo việc sử dụng trong đầu tư và cho thuê. Nhiều dự án cam kết lợi nhuận từ 8 - 12%/năm, nhưng trong bao lâu hay trong tương lai thì có đảm bảo được hay không? Điều này cần thiết phải luật định rõ ràng, có thể có một số quy định như bắt buộc phải có ngân hàng bảo lãnh nếu nhà phát triển dự án không làm được, thì sẽ có một bên đứng ra trả cho khách hàng”, ông Thức nói.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Triển Dũng
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục