Bất động sản miền Trung: Gu mua nhà mới sau lũ

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Sau những đợt lũ lụt, sạt lở nghiêm trọng tại một số tỉnh miền Trung vừa qua, nhu cầu tìm kiếm một sản phẩm bất động sản đảm bảo các yếu tố an toàn của người dân khu vực này càng trở nên bức thiết.

Nhiều tiêu chí mua nhà mới được nhà đầu tư quan tâm kể từ sau đợt lũ lụt lịch sử vừa qua tại miền Trung Nhiều tiêu chí mua nhà mới được nhà đầu tư quan tâm kể từ sau đợt lũ lụt lịch sử vừa qua tại miền Trung

Lời “cảnh tỉnh” cho người mua đất

Có một lời khuyên được nhiều người mua nhà có kinh nghiệm rỉ tai nhau là khi đi xem nhà nên chọn thời điểm sau mưa lớn, cứ nhìn ngấn nước trên đường, trên tường để biết có phải “sống chung với lụt hay” không.

Thực tế, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp môi giới bất động sản cho biết, không cần phải tới khi xảy ra ngập lụt thì mới nhận thấy sự quan trọng của các yếu tố vị trí, hệ thống hạ tầng, cao độ… đối với một dự án bất động sản, nhưng vì nhiều lý do mà khách hàng chưa quan tâm đúng mức tới vấn đề này. Tuy nhiên, đợt mưa lũ lịch sử vừa qua tại một số tỉnh miền Trung như là lời “cảnh tỉnh” cho các khách hàng, nhà đầu tư khi nói đến vấn đề này.

Ông Phan Thế Đức, Giám đốc Chiến lược phát triển dự án Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Đông Phong phân tích, trước đây, khi hạ tầng giao thông các địa phương còn chưa đồng bộ, đi lại khó khăn, người có nhu cầu mua nhà đất thường dựa vào yếu tố cộng đồng để đưa ra quyết định, đó là những nơi có dân cư tập trung để tạo nên một quần thể sầm uất. Nhưng theo thời gian, tâm lý mua đất, mua nhà của người dân cũng dần thay đổi khi họ xem đây không chỉ là mua “chỗ để ở”, mà còn là mua một “không gian sống” - nơi có đầy đủ hạ tầng xã hội.

“Mỗi thời điểm khác nhau, nhu cầu này cũng sẽ khác đi dựa trên sự thay đổi về lối sống, nhân khẩu học, hạ tầng, phương tiện đi lại, hay các yếu tố ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... Nhưng dù có thay đổi như thế nào thì sự an toàn luôn được khách mua nhà đưa lên hàng đầu bởi yếu tố này trực tiếp gắn liền với sinh mệnh của họ”, ông Đức chia sẻ thêm.

Các dự án khu đô thị, khu dân cư cần đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng về hạ tầng, hệ thống thoát nước… để tránh tình trạng ngập lụt

Các dự án khu đô thị, khu dân cư cần đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng về hạ tầng, hệ thống thoát nước… để tránh tình trạng ngập lụt

Bà Đặng Thanh Thiện, trưởng phòng kinh doanh của một doanh nghiệp bất động sản tại Đà Nẵng cũng cho hay, nếu như trước đây khi xem xét đầu tư bất động sản trên địa bàn Đà Nẵng - Quảng Nam, đại đa số khách hàng quan tâm tới vị trí, khả năng kinh doanh, tính pháp lý… của lô đất hay dự án để đảm bảo việc giao dịch được thuận lợi, thì nay người mua đã chú trọng hơn đến việc đảm bảo an toàn khi xây dựng công trình nhà ở sau này, đặc biệt là yếu tố cao độ của nền (cos nền).

“Trời càng mưa to thì khách hàng càng muốn đi thực tế dự án, nhất là các dự án có vị trí sát bờ sông để xem tình trạng ngập lụt ra sao. Dường như bão lụt, thiên tai… đã cảnh tỉnh người mua bất động sản”, bà Thiện nói và trao đổi thêm rằng, trong xu thế biến đổi khí hậu ngày một rõ nét trên thế giới cũng như tại Việt Nam, miền Trung được xem là nơi chịu tác động mạnh từ các biến động thất thường của thời tiết, dự án nào đảm bảo được các yếu tố an toàn trong dài hạn thì sẽ được nhà đầu tư đón nhận.

Bài toán về kỹ thuật

Theo các chuyên gia, bên cạnh việc rừng đầu nguồn ngày càng bị thu hẹp, một nguyên nhân quan trọng khác khiến tình trạng ngập lụt trở nên nghiêm trọng hơn là công tác quy hoạch xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi tại các địa phương còn thiếu đồng bộ, chưa hợp lý, thiếu sự tính toán trong dài hạn… Điều này ảnh hưởng tới khả năng thoát lũ khi lũ lụt xảy ra, gây thiệt hại nghiêm trọng cả về người và tài sản, điển hình như đợt bão lũ tại khu vực miền Trung mới đây. Tại khu vực bị ngập lụt, bên cạnh các khu dân cư hiện hữu, nhiều dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại mới cũng rơi vào cảnh ngập cục bộ.

Để hạn chế tình trạng này, theo kỹ sư Lê Văn Quân, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng T&Q, khi cấp phép đầu tư, cơ quan chức năng cần đặt ra các yêu cầu về sự đồng bộ trong việc xây dựng hệ thống thoát nước thải, nước mưa của các dự án. Trong đó, hệ thống thoát nước phải đảm bảo nguyên tắc hiện đại, phù hợp với quy hoạch cấp thoát nước cũng như quy hoạch chung của cả khu vực nơi dự án được cấp phép.

“Các thiết kế kiến trúc cảnh quan của dự án cũng cần phải đảm bảo bám sát địa hình, địa vật tự nhiên, hạn chế thấp nhất sự thay đổi… để tránh ảnh hướng đến việc thoát nước của các khu vực dân cư lân cận”, ông Quân nói.

Một yếu tố quan trọng nữa cần được lưu ý, đó là công tác lập quy hoạch, xem xét sự phù hợp với quy hoạch trước khi cấp phép đầu tư dự án. Kỹ sư Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng An Vạn Thắng nhấn mạnh, trước khi cấp phép dự án, các địa phương cần xây dựng một quy hoạch tổng thể chung trên nguyên tắc “quy hoạch chung phải đi trước, dự án theo sau”.

Theo ông Thắng, trước làn sóng thu hút đầu tư diễn ra sôi động tại nhiều địa phương, ngày càng có nhiều hơn các dự án khu đô thị, nhà ở thương mại, khu dân cư được cấp chủ trương đầu tư. Do vậy, việc cần thiết đầu tiên ở các địa phương là thuê đơn vị tư vấn có năng lực tiến hành lập một bản quy hoạch tổng thể chung với tầm nhìn dài hạn từ 20-50 năm, đồng bộ cả về cảnh quan, an toàn trong mưa lũ, đảm bảo tính kết nối giao thông gắn với tình hình biến đổi khí hậu của địa phương.

“Tiếp đó, việc cấp phép các dự án cần bám sát theo quy hoạch, không nên thu hút nhà đầu tư bằng mọi giá để rồi phải điều chỉnh quy hoạch cục bộ. Có như vậy thì các dự án sau này mới có thể giảm thiểu các tác động do thiên tai, bão lũ, ngập lụt…”, ông Thắng góp ý.

Ngọc Tân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục