Trong bài Bất động sản khu công nghiệp Thái Nguyên: Nhiều nhà đầu tư lặng lẽ rút lui, Bất động sản đã có bài phản ánh tình trạng một số doanh nghiệp đầu tư vào dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp tại Thái Nguyên lặng lẽ rút lui, dù tiềm năng của lĩnh vực này khá lớn.
Theo tìm hiểu của phóng viên Đầu tư Bất động sản, nguyên nhân khiến các doanh nghiệp rút lui là bởi họ phải cạnh tranh với một đối thủ không cân sức - Ban quản lý Các khu công nghiệp Thái Nguyên.
Không chỉ giữ vai trò là đơn vị cấp phép đầu tư cho nhà đầu tư thứ cấp vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đơn vị này còn là chủ đầu tư một số khu công nghiệp tại địa phương. Cụ thể, hiện Ban quản lý Các khu công nghiệp Thái Nguyên đang thực hiện chức năng đầu tư đối với Khu công nghiệp Điềm Thụy (khu A) có tổng diện tích 180 ha và mới đây tiếp tục được giao làm chủ đầu tư Khu công nghiệp Sông Công II, diện tích 250 ha.
Việc này đã khiến nhiều nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp khác ái ngại, bởi với vai trò là cơ quan thẩm định cấp phép cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất - kinh doanh vào khu công nghiệp, Ban quản lý Các khu công nghiệp Thái Nguyên có thể dễ dàng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp hơn các doanh nghiệp đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp khác.
Vì sao một ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh lại kiêm luôn vai trò chủ đầu tư các khu công nghiệp? Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, theo Quyết định số 130/2000/QĐ-TTg ngày 20/11/2000 của Chính phủ, Ban quản lý Các khu công nghiệp Thái Nguyên là đơn vị trực thuộc UBND tỉnh Thái Nguyên để quản lý các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nghị định 164/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định, ban quản lý là cơ quan trực thuộc UBND cấp tỉnh, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất - kinh doanh cho nhà đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế…
Tuy nhiên, ngày 30/5/2014, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 1078/QĐ-UBND về việc thành lập Ban quản lý Các dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp trực thuộc Ban quản lý Các khu công nghiệp Thái Nguyên.
Theo quyết định trên, đơn vị này là đơn vị công lập có thu, tự đảm bảo một phần kinh phí hoạt động thường xuyên, có chức năng giúp Ban quản lý Các khu công nghiệp Thái Nguyên (chủ đầu tư) thực hiện nhiệm vụ do chủ đầu tư giao và quyền hạn do chủ đầu tư ủy quyền theo quy định của pháp luật. Ban quản lý Các dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng để hoạt động. Giám đốc ban này do Trưởng ban quản lý Các khu công nghiệp Thái Nguyên kiêm nhiệm. Bộ phận giúp việc cũng do đơn vị này quyết định theo thẩm quyền.
Với các quyết định trên, nhiều người cho rằng, UBND tỉnh đang giao Ban quản lý Các khu công nghiệp chức năng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” - vừa cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, vừa làm chủ đầu tư các khu công nghiệp. Việc này không chỉ giúp Ban quản lý có lợi thế hơn các chủ đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh về thu hút nhà đầu tư thức cấp, mà còn có thể xảy ra bất cập, bởi khó có chuyện đơn vị này ra quyết định thanh tra, xử phạt vi phạm… chính mình (?!)
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, luật sư Trương Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Luật Hồng Phú (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Điều 149, Luật Đất đai 2013 và Nghị định 43/2014/NĐ-CP, thì “đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ xây dựng kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nếu được Nhà nước cho thuê đất để đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp thì được cho thuê lại đất sau khi đã đầu tư kết cấu hạ tầng”. Tuy nhiên, ban quản lý các khu công nghiệp không phải là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính (theo Khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BKHĐT-BNV), nên Nhà nước không cho thuê đất để làm chủ đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.
“Trường hợp có ban quản lý các khu công nghiệp làm chủ đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, thì các cơ quan chức năng cần kiểm tra, thanh tra và tịch thu Giấy chứng nhận đầu tư theo Điều 48 Luật Đầu tư 2014”, ông Hùng chia sẻ.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com