Bất động sản khu công nghiệp, nhiều địa phương dễ “dẫm chân nhau“

(ĐTCK) Phát triển bất động sản khu công nghiệp thành các khu “chuyên ngành” đang là bước đi đúng hướng, giúp thu hút các nhà sản xuất, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc nhiều địa phương, doanh nghiệp cùng phát triển khu công nghiệp chung nhóm ngành sẽ dẫn đến tình trạng "dẫm chân lên nhau".
ảnh: Lê Toàn ảnh: Lê Toàn

Nhà đầu tư nước ngoài rục rịch đến Việt Nam

Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Việt Nam (VID Group), chủ đầu tư Khu công nghiệp Đồng Văn II (Hà Nam) cho biết, Tập đoàn CJ đến từ Hàn Quốc đã quyết định thuê 7,5 ha đất tại Khu công nghiệp Đồng Văn II để triển khai dự án đầu tư sản xuất thức ăn gia súc, tổng vốn đầu tư 31,4 triệu USD. Ngoài ra, 2 nhà đầu tư Nhật Bản cũng đã lựa chọn Đồng Văn II để triển đặt nhà máy là Gunze Limited và T.D.S Limited, với tổng vốn đầu tư của hai dự án là 12 triệu USD.

Trong khi đó, LG Innotek, một công ty con của Tập đoàn LG cũng sẽ đầu tư một dự án chuyên sản xuất camera tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng) với vốn đầu tư dự kiến khoảng 200 triệu USD. Đây là dự án đầu tư thứ 3 của Tập đoàn LG tại Việt Nam, sau Dự án khu tổ hợp sản xuất thiết bị điện tử gia dụng 1 tỷ USD và Dự án LG Display, vốn đầu tư 1,5 tỷ USD.

Còn theo thông tin mới đây trên tờ Nikkei (Nhật Bản), nhà sản xuất máy điều hòa không khí lớn nhất của Nhật Bản là Daikin Industries đang lên kế hoạch xây dựng cơ sở sản xuất mới tại Việt Nam, tổng vốn đầu tư khoảng 93,6 triệu USD. Nhà máy dự kiến được khởi công vào năm 2018, dự tính sản xuất một nửa triệu máy điều hòa mỗi năm. Nếu tình hình kinh tế thuận lợi, tới năm 2020, sẽ mở rộng năng lực sản xuất lên gấp đôi.

Không chỉ Hàn Quốc, Nhật Bản, các doanh nghiệp đến từ Đài Loan, Singapore và cả các nhà đầu tư từ Mỹ cũng đang xúc tiến triển khai đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, với đích nhắm đến là đất trong các công nghiệp để mở các nhà máy sản xuất.

Nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Standard Chartered cho thấy, có khoảng 44% đơn vị được khảo sát chọn Việt Nam là điểm đến để đầu tư do có thị trường nội địa rất lớn, 29% nêu lý do là chi phí hoạt động thấp và 18% là nhân công dồi dào. 

Cạnh tranh nhau

Các dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gia tăng không chỉ giúp bất động sản khu công nghiệp khởi sắc, mà còn kéo các dịch vụ bất động sản khác tăng theo, như phân khúc nhà ở cho chuyên gia, công nhân trong các khu công nghiệp…

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho biết, sự bùng nổ dự án khu công nghiệp là một xu hướng tất yếu để đón đầu làn sóng nhà đầu tư nước ngoài sau khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTAs), đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tuy nhiên, không phải khu công nghiệp nào cũng nhận được sự quan tâm đông đảo của các nhà sản xuất. Thực tế, hầu hết các khu công nghiệp thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đều là các khu công nghiệp “chuyên ngành”, đã được đầu tư đồng bộ về hạ tầng.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển công nghiệp Bảo Thư, đơn vị đang triển khai một số dự án khu công nghiệp tại Bình Thuận và Quảng Trị cho biết, khi quyết định đặt nhà máy sản xuất tại một khu công nghiệp nào đó, nhà đầu tư nước ngoài thường quan tâm tới mạng lưới các nhà cung cấp nguyên liệu, vật tư phụ trợ có sẵn sàng cho hoạt động của nhà máy tại khu công nghiệp hay không…

Còn theo đánh giá của CBRE Việt Nam, việc phát triển mô hình khu công nghiệp tại Việt Nam chưa có sự quy hoạch chi tiết để đảm bảo tính liên kết giữa các khu công nghiệp trong vùng hoặc thậm chí bên ngoài. Trong một thời gian dài, các khu công nghiệp phát triển rất tự do, sau đó mới có định hướng hơn về sự phân biệt rõ vào ngành nào cụ thể như công nghiệp sạch, công nghệ cao, may mặc….

Tuy nhiên, thực tế, việc này cũng chưa rõ ràng và do không có định hướng cụ thể, nên rất dễ dẫn đến dẫm chân nhau nhiều hơn là có thể bổ sung nhau. Chẳng hạn, Long An, Đồng Nai, Bình Dương và TP. HCM đều tập trung phát triển khu công nghiệp cho một lĩnh vực như may mặc, dệt với mong muốn đón đầu TPP. Việc có quá nhiều đơn vị cùng cạnh tranh chung một nhóm ngành sẽ khiến các địa phương, chủ đầu tư không những không bổ sung được cho nhau, thậm chí còn chồng chéo, kém hiệu quả. Vì vậy, cần có quy hoạch ở cấp vùng, quốc gia để phát triển các khu công nghiệp chuyên ngành hỗ trợ, bổ sung cho nhau, khi đó mới tạo ra sức mạnh tổng hợp, tăng sức cạnh tranh và thu hút các các nhà sản xuất.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Trang Ninh
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục