Bất động sản khu công nghiệp đón tay chơi mới

Đón đầu cơ hội dòng vốn đầu tư nước ngoài, lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp đang xuất hiện nhiều đơn vị mới tham gia. Nhưng để thành công, mỗi doanh nghiệp cần phải có chiến lược thu hút nhà sản xuất.
Đầu tư bất động sản công nghiệp đang thu hút nhiều doanh nghiệp. Trong ảnh: Khu công nghiệp VinFast tại Hải Phòng.
Loạt chủ đầu tư mới xuất hiện

Từng đề cập kế hoạch mở rộng kinh doanh sang mảng bất động sản khu công nghiệp từ năm ngoái, nhưng phải tới kỳ đại hội lần này, Tổng công ty Thiết bị điện (Gelex) mới chính thức công bố về phương án trực tiếp rót vốn đầu tư vào các khu công nghiệp. Bốn dự án khu công nghiệp trong tầm ngắm của Gelex đều có vị trí gần cảng, trong đó, dự án tại Tây Ninh có diện tích 100 ha đang đề xuất mở rộng lên 600 ha.

Thay vì tự phát triển, Gelex lựa chọn “đứng trên vai người khổng lồ” Viglacera - đơn vị đang nắm thị phần lớn tại miền Bắc, đồng thời cũng là công ty liên kết mà Gelex mới đầu tư cách đây một năm.

“Ba giai đoạn chính khi đầu tư vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp là đầu tư quỹ đất, đầu tư hạ tầng và sau đó là khâu bán hàng - marketing. Gelex sẽ đảm nhận khâu phát triển quỹ đất, còn Viglacera với kinh nghiệm 20 năm và đội ngũ nhân sự của mình sẽ ở vai trò nhà phát triển”, bà Đỗ Thị Phương Lan, Phó chủ tịch HĐQT Gelex cho biết.

Gelex không phải là tay chơi mới duy nhất bước chân vào mảng này. Bất động sản khu công nghiệp trở thành lĩnh vực nóng, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Cuối tháng 3/2020, CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes - VinHomes IZ, một công ty con của Vinhomes, đã tăng vốn điều lệ từ 70 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng, nạp sẵn “đạn” cho chiến lược đầu tư công bố cách đó không lâu.

Từ đó đến nay, VinHomes IZ làm việc với các địa phương, đề xuất đầu tư khu công nghiệp quy mô khủng như Khu công nghiệp Thủy Nguyên (Hải Phòng) trên diện tích 319 ha với tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, hay mới nhất là Tổ hợp sản xuất công nghiệp phía Nam sông Lục Lầm (Quảng Ninh) với diện tích 200 ha, tổng vốn đầu tư 3.400 tỷ đồng.

Lợi thế của VinHomes IZ chính là ở hệ sinh thái trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Vingroup. Khu tổ hợp sản xuất VinFast và khu công nghiệp phụ trợ VinFast đã và đang xây dựng ở Hải Phòng trước đó được chuyển giao cho VinHomes IZ.

Tại Tổ hợp sản xuất công nghiệp phía Nam sông Lục Lầm, Công ty sẽ xây dựng dây chuyền sản xuất linh kiện, phụ kiện, phụ tùng ô tô.

CTCP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex), đơn vị sản xuất được biết đến là một trong các đối tác lớn của IKEA, đang có chủ trương đầu tư Dự án Khu công nghiệp Phú Bài 4 (Thừa Thiên - Huế) với quy mô khu đất nghiên cứu đầu tư khoảng 507 ha, trong đó 420 ha thực hiện ngay đợt 1, tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng.

Theo chia sẻ của Tổng giám đốc Lê Hùng, Công ty đang khuyến khích các nhà máy Trung Quốc sản xuất nguyên phụ liệu trọng yếu cho các sản phẩm của Gilimex chuyển sang Việt Nam. Ngoài mong muốn hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), đây cũng còn có thể là các khách hàng tiềm năng khi Gilimex đưa khu công nghiệp vào hoạt động.

Trong 350 khu công nghiệp của Việt Nam hiện nay, khoảng 270 khu đã hoàn tất kết cấu hạ tầng và lấp đầy trên 70% diện tích. Nhiều tỉnh, thành phố đang lập thêm khu công nghiệp mới. Điển hình như Bắc Giang, nơi mới có khoảng 1.500 ha đất khu công nghiệp, đã đề nghị Chính phủ cho lập khu công nghiệp 500 ha sau khi nhận yêu cầu của nhà đầu tư Đài Loan muốn đầu tư với quy mô tới 4,2 tỷ USD.

Cần cách làm mới

Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Covid-19 gây ảnh hưởng tiêu cực khi trực tiếp tác động lượng đơn hàng của các nhà sản xuất, nhưng mặt khác đem đến cơ hội từ chiến lược “Trung Quốc +1”.

Việt Nam có lợi thế ở thời điểm này khi đã đẩy lùi dịch bệnh sớm và hấp dẫn nhà đầu tư từ những hiệp định thương mại mới ký kết. Dù xu hướng này mới chỉ là tiềm năng, nhưng không vì thế mà chậm trễ chuẩn bị để đón dòng vốn.

Được biết, nhiều nhà đầu tư ngoại đã bàn thảo với các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam để chuyển nhà máy từ các nước sang với vốn đầu tư khoảng 22 tỷ USD.

Ở cấp độ vĩ mô, ông Nguyễn Mại cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục cải cách hành chính, ổn định vĩ mô để cạnh tranh với các quốc gia khác, đặc biệt là Ấn Độ và Indonesia. 

Để giải bài toán cạnh tranh, từng doanh nghiệp cần thay đổi cách làm. Đầu tư khu công nghiệp không phải cứ có tiền là làm được. Theo lãnh đạo một doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong lĩnh vực này, các nhà sản xuất nước ngoài đi khắp thế giới tìm đối tác có năng lực, xem xét kỹ thương hiệu và hiệu quả kinh doanh của các đối tác  hoạt động trong các khu công nghiệp để quyết định có chuyển nhà máy đến hay không.

Vinhomes hay Gilimex có thể có những lợi thế ban đầu từ những đối tác, nhưng để đi đường dài, các tay chơi mới cần sự khác biệt.

Với Gelex xác định chiến lược của mình sẽ không chỉ cung cấp bất động sản khu công nghiệp, mà còn đầu tư các dịch vụ kèm theo. Một hệ sinh thái từ nhà kho, nước sạch đến nhà ở xã hội giá rẻ với quy mô lớn là điều mà doanh nghiệp này hướng đến. Hiện, Gelex đã bắt đầu triển khai dự án hệ thống kho tại diện tích đất còn dư của Viglacera.

CTCP Bất động sản Thế kỷ (Cenland), đơn vị môi giới thực hiện hàng ngàn giao dịch bất động sản nhà ở mỗi năm, cũng quyết định đưa vào hoạt động sàn bất động sản công nghiệp, kết nối chủ đầu tư các khu công nghiệp với các nhà sản xuất trên nền tảng số.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trong tình hình khó khăn, bất động sản công nghiệp nổi lên là phân khúc hấp dẫn nhất hiện nay. Song, để có thể phát triển bền vững, thu hút dòng vốn FDI chất lượng trong bối cảnh mới, cần đẩy mạnh tái cấu trúc các khu công nghiệp hiện hữu và phát triển các khu công nghiệp mới gắn với quy hoạch nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động; rà soát quy hoạch, ưu tiên phát triển bất động sản công nghiệp ở các vùng kinh tế trọng điểm có đủ điều kiện.

Thanh Thủy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục