Thị trường trẻ, nhiều tiềm năng
Trong cuộc bình chọn dự án bất động sản được yêu thích do Báo Đầu tư vừa tổ chức, đã có 76 dự án thuộc đầy đủ các phân khúc khu đô thị, khu chung cư, dự án đất nền - biệt thự, văn phòng, nghỉ dưỡng, khu công nghiệp… trên cả nước tham gia bình chọn.
Đáng chú ý, có một tỷ lệ đáng kể, với khoảng 10 dự án tại Hải Phòng, của các chủ đầu tư khác nhau tham gia bình chọn.
Nhắc tới các nhà đầu tư đang đổ vốn mạnh vào thị trường bất động sản Hải Phòng, trước tiên phải kể tới Tập đoàn Vingroup (VIC) và CTCP Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy (TCH), với hàng loạt dự án. Hai công ty này đều đang niêm yết trên sàn HOSE.
CTCP Đầu tư Nam Long (NLG), nhà phát triển bất động sản phía Nam khi thực hiện chiến lược Bắc tiến đã chọn Hải Phòng là điểm đến đầu tiên.
Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc bán hàng NLG chia sẻ: “Giá đất Hải Phòng dù đã tăng nhưng sức mua tiếp tục tăng cao và khan hiếm sản phẩm vừa túi tiền chất lượng tốt như các sản phẩm của Nam Long”.
Có thể thấy, lợi thế của Nam Long ở Hải Phòng là trong phân khúc dự án nhà ở chưa có quá nhiều chủ đầu tư lớn chuyên nghiệp như ở TP.HCM.
Hải Phòng hiện là thành phố lớn thứ 3 cả nước, với GDP tăng “thần kỳ” hơn 16,2% năm 2018 và trong 10 tháng năm 2019 tăng trên 16,3%.
Hải Phòng là đô thị loại 1, xếp thứ 3 cả nước (trên cả Cần Thơ và Đà Nẵng) về dân số, thu nhập bình quân đầu người, và nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng khác.
Quy mô dân số Hải Phòng xấp xỉ 2 triệu người, đứng sau TP.HCM, Hà Nội, tuy nhiên GDP bình quân đầu người (ước đạt 4.300 USD năm 2018) lại đứng thứ 2, chỉ sau TP.HCM.
Tốc độ đô thị hoá của Hải Phòng đứng thứ 6 cả nước, với tỷ lệ 46,3%.
Số người trong độ tuổi lao động chiếm trên 65% dân số, do đó, nhu cầu chia tách hộ cao kèm theo tỷ lệ dân nhập cư làm việc tại các khu công nghiệp, các khu cảng… dẫn đến nhu cầu nhà ở rất lớn, tốc độ đô thị hóa nhanh.
Kinh tế tăng trưởng mạnh và ổn định nhiều năm qua, nhưng thị trường bất động sản Hải Phòng có phần lặng lẽ so với các tỉnh, thành phố khác.
Tuy nhiên, kể từ khi các dự án cơ sở hạ tầng lớn như tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, cầu Hoàng Văn Thụ khánh thành năm 2019 và trước đó là tuyến cầu vượt biển Đình Vũ - Lạch Huyện... gia tăng kết nối với các địa phương lân cận, Hải Phòng trở thành thị trường bất động sản rất tiềm năng.
Hấp dẫn dòng vốn đầu tư
Nếu như những vùng trọng điểm kinh tế khác như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng… đã trải qua nhiều đợt sốt giá đất từ lâu, thì bất động sản Hải Phòng mới nổi lên khi cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ.
Giá bất động sản, chung cư, nhà đất dự án Hải Phòng còn rất hấp dẫn khi so với mặt bằng giá bất động sản ở các tỉnh phát triển kinh tế năng động khác, chưa nói đến các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Nhiều nhà đầu tư bất động sản đang hướng về thành phố này sau khi giá đất ở Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM đã tăng rất mạnh trong năm qua.
Không ít nhà đầu tư thứ cấp ở Hải Phòng mang vốn vào TP.HCM đầu tư đã đưa vốn quay trở lại.
Ông Nguyễn Huy Dương, Giám đốc Tài chính TCH cho biết, một số sản phẩm như Dự án Pruksa Town (An Đồng, An Dương) có giá dưới 2 tỷ đồng hay Hoàng Huy Mall (đường Võ Nguyên Giáp, Cầu Rào 2) có giá dưới 3 tỷ đồng tại Thành phố Cảng do TCH đầu tư mở bán luôn trong tình trạng cháy hàng.
Vị trí địa lý cộng với sự thay đổi liên tục về giao thông hạ tầng khiến Hải Phòng khẳng định vị thế là địa phương có tiềm năng đặc biệt, không chỉ thu hút đầu tư vào lĩnh vực cảng biển, công nghiệp, mà còn có tiềm năng phát triển du lịch mạnh mẽ.
Các dự án công nghiệp lớn đầu tư vào Hải Phòng thời gian qua có thể kể tới như dự án 1,6 tỷ USD của LG, nhà máy Vinfast của Vingroup...
Trong lĩnh vực nghỉ dưỡng, Hải Phòng đã thu hút các chủ đầu tư lớn như Sun Group, Geleximco với các dự án quy mô hàng nghìn tỷ đồng.
Hiện Tập đoàn FLC đang nghiên cứu đầu tư Dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê tại đường Trần Phú, quận Ngô Quyền.
Đây sẽ là một trong ba tòa nhà cao nhất Việt Nam hiện nay.