Những tháng qua, người dân các địa phương khu vực phía Đông tỉnh Quảng Nam luôn nhấp nhổm với chuyện giá đất, bởi ngày nào cũng có người tìm về các làng quê để hỏi mua đất.
Nếu như trước đây, đất ở các huyện ven biển phía Đông Quảng Nam không có nhà đầu tư nào nhòm ngó, thì nay đã trở thành địa điểm săn lùng của giới đầu tư thứ cấp.
Trong vai người cần mua đất, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản dạo quanh các vùng quê ở huyện Thăng Bình, Duy Xuyên và các khu vực lân cận TP. Hội An để tìm hiểu về thị trường. Tại xã Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên), dọc các tuyến đường làng, nhiều biển quảng cáo “bán đất ven biển, cạnh Vinpearl Nam Hội An” được treo lên.
Thấy phóng viên hỏi mua đất, bà Bảy (thôn Thuận An, xã Duy Nghĩa) tiếc rẻ cho biết, vừa bán 1000 m2 đất với giá 3,5 tỷ đồng.
“Mấy hôm nay nhiều người cũng tìm mua đất như chú lắm, bây giờ mỗi mét đất ở khu vực gần biển lên đến 5-6 triệu đồng. Nếu biết giá tăng như vậy, tôi đã không vội bán”, bà Bảy nuối tiếc.
Theo tìm hiểu của phóng viên, những lô đất gần biển hay gần các dự án du lịch được giới đầu tư quan tâm nhất. Chính vì vậy, nhiều người nông dân có những mảnh đất nằm trong khu vực này đã trở thành tỷ phú sau 1 đêm.
Tại xã Bình Dương (huyện Thăng Bình), hỏi chuyện mua bán đất, người dân có thể kể tên nhiều gia đình “trúng đất” như ông L. vừa bán đất hơn 3,3 tỷ đồng, bà K. vừa bán cả đất lẫn nhà được gần 2 tỷ đồng...
Theo các chuyên gia, lý do khiến bất động sản khu vực phía Đông tỉnh Quảng Nam dậy sóng trong thời gian qua là do khu vực này có nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng lớn được triển khai như Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An vốn đầu tư 4 tỷ USD của VinaCapital, Dự án Vinpearl Nam Hội An có vốn 213 triệu USD của Vinpearl vừa đưa vào hoạt động một phần... Khi những dự án này đi vào hoạt động đồng loạt, thì vùng Đông Quảng Nam sẽ thành khu đô thị nghỉ dưỡng hàng đầu của Việt Nam.
Ông Đặng Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết, từ ngày Dự án Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An được đầu tư xây dựng tại 2 xã Bình Dương và Bình Minh (huyện Thăng Bình), đất ở, đất lâm nghiệp, đất trồng cây lâu năm chạy dọc ven biển trở thành “đất vàng”. Đất được quy hoạch trong các khu tái định cư cũng tăng lên gấp 7 - 8 lần, 2 năm trước chỉ khoảng 150 triệu đồng/lô, nay đã lên gần 1 tỷ đồng/lô.
Tương tự, anh Bình, một môi giới đất ở khu vực này cho biết, giá đất ở đây tăng rất nhanh, nếu trước đây chỉ khoảng 2 - 3 triệu đồng/m2, thì hiện nay, giá đất ở những khu vực gần biển và các dự án có giá khoảng 10 triệu đồng/m2, còn những khu vực xa hơn thì tầm 5 - 6 triệu đồng/ m2.
“Nhiều người ở các địa phương khác đổ về đây gom đất, nên những lô đất đẹp ngày càng hiếm”, anh Bình nói.
Không chỉ ở huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, giá đất tại những làng quê gần đô thị cổ Hội An cũng không nằm ngoài cơn sốt.
Ông Nguyễn Văn Bằng, Trưởng thôn Triêm Tây (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn) cho biết, trước, đất ở đây cho không ai lấy, nhưng bây giờ ai có đất đều trở thành tỷ phú hết. Các nhà đầu tư gom đất để làm du lịch, nên giá đất tăng chóng mặt. Hiện giá đất ở khu vực Triêm Tây đã lên đến 7 triệu đồng/m2.
Tương tự, anh Chung, người dân xã Cẩm Kim (Hội An) cũng cho biết, đất ở xã Cẩm Kim và Triêm Tây có rất nhiều người từ các địa phương khác đến tìm mua, nên giá bị đẩy lên rất cao.
“Bây giờ giá đất ở xã Cẩm Kim hay tại làng Triêm Tây không có đất dưới 7 triệu đồng/m2. Có một lô diện tích 1.000 m2 của nhà đầu tư Hà Nội lúc trước mua với giá 5,8 triệu đồng/ m2, nhưng bây giờ bán lại với giá 8 triệu đồng/m2”, anh Chung kể.
Không chỉ tăng giá, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, giao dịch tại khu vực này cũng rất sôi động, nhưng phần lớn chỉ thông qua giấy viết tay, chứ không qua chính quyền địa phương, nên rủi ro cũng đang khá lớn.
Ông Nguyễn Công Dũng, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) cho biết, thực tế việc sang tên chuyển nhượng đất qua huyện không nhiều. Huyện đã cảnh báo cho các xã và người dân về tình trạng này. Việc quản lý đất đai phải chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, nếu không sau này tình hình rất phức tạp.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com