Trầm lắng, giá cao
Hội tụ những giá trị vàng nhờ sở hữu cả núi, cả biển, cùng với rất nhiều danh thắng nổi tiếng và được đánh giá là thành phố đáng sống, thị trường bất động sản Đà Nẵng trở thành tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư đến từ Hà Nội. Thị trường bất động sản Đà Nẵng còn trở nên sôi động hơn khi thành phố này được chọn làm nơi tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
Sau sức hút từ APEC, thị trường bất động sản thành phố biển này kéo dài dư âm sôi đông thêm đến đầu quý I/2018, rồi sau đó hạ nhiệt dần và trở nên trầm lắng từ quý II/2018.
Số liệu thống kê từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, sau giai đoạn phát triển nóng với ào ạt dòng tiền từ giới đầu tư đổ vào các dự án nghỉ dưỡng, đất nền tại Đà Nẵng, từ giữa quý I/2018, thị trường gần như chững lại, nhưng giá vẫn không giảm.
Cụ thể, theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, giá đất ven biển đường Võ Nguyên Giáp vẫn ở mức kỷ lục 300 - 350 triệu đồng/m2. Các lô đất từ 125 - 500 m2 trên trục đường Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt (quận Sơn Trà) có mức giá trung bình từ 200 - 320 triệu đồng/m2. Đất nền cạnh khu vực sân bay Nước Mặn, Trung tâm thương mại Quốc tế (quận Ngũ Hành Sơn) vẫn rao bán tầm 130 - 150 triệu đồng/m2.
Khu vực mặt tiền đường Ngô Thì Sĩ, đường Võ Văn Kiệt, một lô đất góc diện tích 1.000 m2 vẫn chào giá tầm 200 - 250 triệu đồng/m2, tương đương mức giá bán thời điểm sốt đất. Còn đất ven biển đoạn thuộc quận Hải Châu duy trì mức giá từ 80 - 120 triệu đồng/m2. Ngoài ra, giá đất đường Hồ Nghinh từ 250 - 270 triệu đồng/m2, đường Hà Bổng giá từ 145 - 160 triệu đồng/m2, đường Dương Đình Nghệ hiện có mức giao dịch 140 - 190 triệu đồng/m2…
Chính mức giá bị đẩy lên quá cao khiến nhiều người có nhu cầu ở thực không thể mua, trong khi giới đầu tư cũng không dám xuống tiền. Do đó, thanh khoản thị trường càng bị tắc.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, nhiều nhân viên kinh doanh bất động sản tại các sàn giao dịch lớn ở Đà Nẵng cho biết, số lượng khách tìm mua đất tại trung tâm giảm mạnh. Mỗi tháng chỉ có lác đác một vài khách đến đây xem qua. Kể từ khi một số dự án lớn tại khu vực này bị cơ quan chức năng thanh tra và phát triển ra các sai phạm; đồng thời, một số dự án liên tục xảy ra khiếu kiện kéo dài do chủ đầu tư không bàn giao sổ đỏ cho khách hàng theo đúng cam kết, khiến nhà đầu tư mất lòng tin và không còn "mặn mà" đối với các dự án tại đây.
Hiện đã xuất hiện làn sóng nhà đầu tư muốn thoát hàng tại các lô đất lớn dọc tuyến đường ven biển nhưng không ra được hàng do giá bán quá cao, người mua thận trọng hơn. Lượng hàng ký gửi bán ra khá nhiều, nhưng giao dịch thấp.
Sẽ sớm trở lại
Mặc dù thị trường bất động sản Đà Nẵng đang trầm lắng, nhưng theo ý kiến của các chuyên gia, lo ngại về việc thị trường sẽ đóng băng lâu dài, hay kịch bản về một sự đổ vỡ của thị trường trọng điểm miền Trung này sẽ khó xảy ra, mà thị trường này sẽ sớm trở lại.
Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Cấp cao CBRE Việt Nam, về cơ bản, sự trầm lắng của thị trường bất động sản Đà Nẵng trong thời gian vừa qua là tất yếu, sau giai đoạn phát triển quá "nóng" trước đó. Nhờ vào giai đoạn trầm lắng này, hình thức đầu tư "lướt sóng" hầu như không xuất hiện ào ạt như trước đây, mà thay vào đó là nhu cầu mua thực.
“Chắc chắn sẽ có người thua, người thắng, nhưng điều đó không quan trọng bằng sự phát triển thực chất và bền vững của thị trường”, bà Dung đánh giá.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, cũng như thị trường bất động sản chung của cả nước, thị trường bất động sản Đà Nẵng thời gian qua cũng bị ảnh hưởng do chính sách siết tín dụng bất động sản của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, bất động sản Đà Nẵng vẫn có được những tiềm năng và lợi thế vô cùng to lớn và đây là những cú huých để phát triển trở lại.
Đà Nẵng có rất nhiều tiềm năng về du lịch, nên sự trầm lắng của thị trường bất động sản thời gian qua chỉ là điểm dừng tạm thời
Trong đó, một trong những cú huých là lượng dân nhập cư đang có xu hướng tăng cao. Trong khi nguồn cung dự án đất nền, nhà phố trên thị trường không có dấu hiệu gia tăng trong năm 2018. Ngoài ra, nhóm nhà đầu tư Hà Nội và TP.HCM chỉ tạm chuyển hướng để tìm tới các điểm nóng mới, chứ chưa hoàn toàn rút ra khỏi thị trường Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng có tiềm năng du lịch lớn với những bãi biển đẹp và Bà Nà Hill với cây cầu vàng nổi tiếng, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch. Đặc biệt, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm như Dự án nâng cấp cảng Tiên Sa giai đoạn 2, Dự án cảng Liên Chiểu, Dự án công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn, dự án nối thông đường Võ Chí Công liên kết khu vực biển Tân Trà... đang và sẽ được triển khai. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đang triển khai các hợp đồng hợp tác chiến lược với các nhà đầu tư nước ngoài như Singapore, Mỹ trong việc hỗ trợ Thành phố điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố. Đây chính là những cú huých giúp thị trường bất động sản sớm trở lại.
Đồng quan điểm, theo ông Vũ Quốc Anh, Giám đốc Kinh doanh Dana Homeland, do giá bất động sản Đà Nẵng tăng mạnh trước đó, đã tạo tâm lý lo ngại cho những khách hàng có nhu cầu thực. Hầu hết, các khách hàng này đều mong muốn chờ đến khi thị trường bình ổn mới thực hiện giao dịch.
Việc rút lui của các nhóm môi giới, đầu tư lướt sóng không tác động nhiều đến giá bất động sản. Do vậy, dù thị trường đang trầm lắng, nhưng đây là điểm dừng, sự điều chỉnh cần thiết để thị trường phát triển bền vững hơn, sẵn sàng cho quá trình phát triển thời gian tới.
Bên cạnh đó, với việc lãi suất tiền gửi giảm, giá vàng, đô la ổn định, nhiều khả năng nhà đầu tư sẽ vẫn hướng tới bất động sản và Đà Nẵng là thị trường được chú ý. Những cơn sốt cục bộ trong thời gian qua, trong đó có cả một số cơn sốt ảo diễn ra chóng vánh cho thấy, nhà đầu tư vẫn đang chực chờ để rót tiền vào thị trường Đà Nẵng.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com