Dậy sóng đầu tư
Bối cảnh quốc tế mới cùng sức hấp dẫn đầu tư tại Việt Nam đã khiến bất động sản công nghiệp nổi lên trở thành phân khúc “hot” trên thị trường bất động sản thời gian qua, vốn đầu tư nước ngoài cũng theo đó đổ vào Việt Nam.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, vốn nước ngoài đăng ký đầu tư vào bất động sản trong 11 tháng đầu năm 2020 đạt gần 3,8 tỷ USD. Trong đó, bất động sản công nghiệp và bán lẻ đóng vai trò dẫn dắt. Cụ thể, số tiền nhà đầu tư nước ngoài đổ vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp và bán lẻ chiếm 1/3 trong tổng vốn (trên 400 triệu USD) từ hơn 100 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép mới trong 11 tháng đầu năm 2020, chưa kể 113,5 triệu USD vốn đăng ký tăng thêm cho các dự án đang hoạt động tại Việt Nam.
Báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) cho biết, chỉ số FDI/GDP của Việt Nam ở mức cao nhất trong khối ASEAN (6,2%) cho thấy Việt Nam vẫn là một địa điểm thu hút FDI nổi bật so với các nước cùng khu vực.
Theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, với khoản đầu tư gần 98 triệu USD cho dự án cho thuê văn phòng, nhà xưởng, nhà kho và dịch vụ kho bãi tại huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) trong tháng 10/2020, Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW - liên doanh giữa quỹ đầu tư tư nhân Warburg Pincus (Mỹ) và Tập đoàn Becamex IDC - là một trong những nhà đầu tư ngoại rót vốn nhiều nhất vào ngành bất động sản công nghiệp Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2020. Trước đó, BW đã liên tiếp triển khai các dự án đầu tư mở rộng ra phía Bắc (Hà Nội và Hải Phòng), với tổng vốn đầu tư trên 151 triệu USD, chiếm 37% tổng số vốn ngoại đổ vào bất động sản công nghiệp và bán lẻ cấp phép mới tại Việt Nam.
Cơ hội phát triển của bất động sản công nghiệp tuy lớn, nhưng không phải là không có thách thức, đó chính là làm sao thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư và đáp ứng được khẩu vị của khách hàng.
Ngoài ra, thị trường bất động sản công nghiệp phía Nam còn đón thêm một nhà đầu tư đến từ Hồng Kông (Trung Quốc) là Cainiao Swan Holding với dự án đầu tư xây dựng, phát triển, cho thuê nhà kho xây dựng sẵn, dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa tại Khu công nghiệp Phú An Thạnh (tỉnh Long An) quy mô 235.241 m2, dự kiến đi vào hoạt động từ quý IV/2021.
Nhận thấy tiềm năng tăng trưởng của ngành bất động sản công nghiệp cũng như nhu cầu thuê đất khu công nghiệp ngày một tăng, không chỉ nhà phát triển bất động sản công nghiệp “chính gốc”, mà nhiều doanh nghiệp bất động sản “ngoài ngành” cũng chạy đua phát triển quỹ đất phục vụ nhu cầu này.
Chẳng hạn, tại Long An, Trần Anh Group đã phát đi thông báo sẽ triển khai dự án khu công nghiệp mang tên Trần Anh Tân Phú, trong khi lâu nay doanh nghiệp này được biết đến như là nhà phát triển bất động sản nhà ở.
Cũng tại Long An, CTCP Đầu tư Tân Thành Long An và Công ty TNHH Quản lý Khu công nghiệp Sáng tạo Việt Nam (VNIP) đã chính thức khởi công dự án Khu công nghiệp Việt Phát với diện tích lên đến 1.800 ha.
Ở Đồng Nai, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã đề xuất chuyển mục đích sử dụng tới 18.000 ha đất trồng cây cao su của Công ty TNHH một thành viên Tổng công ty cao su Đồng Nai để phát triển các khu, cụm công nghiệp. Trong cuộc hội nghị giao chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh rằng, Đồng Nai vẫn xác định công nghiệp là ngành chủ đạo trong phát triển kinh tế nên đã đề xuất mở thêm 6 khu công nghiệp mới.
Công ty cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB) vốn có truyền thống ở mảng khai khoáng cũng lấn sân sang bất động sản công nghiệp khi sở hữu Khu công nghiệp Đất Cuốc tổng diện tích 553 ha. Hiện KSB đang tiến hành đền bù để mở rộng thêm 200 ha thuộc giai đoạn 2, sau khi hoàn thành đền bù giải phóng 320 ha mặt bằng giai đoạn 1.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp bất động sản khác như Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt, Công ty cổ phần Xây dựng và phát triển đô thị Hòa Phát, Tổng công ty Viglacera; Công ty cổ phần SAM Holdings; Tập đoàn Vingroup… cũng đã chính thức tham gia vào phân khúc này.
“Cú huých” cho đô thị vệ tinh
Chia sẻ về việc chuyển hướng sang bất động sản công nghiệp, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Phát Đạt cho biết, hướng đi mới này không đơn thuần là chạy theo xu hướng hay phục vụ mục đích ngắn hạn, mà có sự lựa chọn, chuẩn bị và triển khai với nền tảng vững chắc trong dài hạn.
“Để phát triển bất động sản công nghiệp, Công ty phải chuẩn bị nguồn lực mới, có năng lực chuyên môn riêng và hợp tác với những đối tác lớn trong ngành này để từ đó có thêm sức mạnh và sự cộng hưởng, chứ không phân tán. Đây vừa là bước đi chiến lược, tạo đột phá trong giai đoạn 2019-2023, vừa tạo nguồn thu và lợi nhuận bền vững cho Phát Đạt trong nhiều năm tiếp theo”, ông Đạt nói.
Nhận định về cơ hội và xu hướng phát triển của thị trường bất động sản công nghiệp trong thời gian tới, ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị KSB cho rằng, đây là một trong những lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển nên đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc mở rộng quy mô hoạt động.
“Trong kế hoạch sắp tới, KSB sẽ hướng đến xây dựng khu đô thị công nghiệp. Bởi phát triển bất động sản công nghiệp sẽ không chỉ tập trung vào khu công nghiệp, mà còn cần đáp ứng được yêu cầu về nhà ở và các tiện ích xung quanh như giải trí, thương mại…”, Chủ tịch KSB chia sẻ thêm.
Cùng góc nhìn, ông Phạm Ngọc Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư IMG nhìn nhận, việc Việt Nam tiếp tục khống chế tốt dịch bệnh Covid-19 cũng như khả năng phục hồi mạnh của nền kinh tế trong năm 2021 sẽ thúc đẩy mảng bất động sản công nghiệp bứt phá, từ đó dẫn dắt các phân khúc khác tích cực theo, mà sự bùng nổ các khu công nghiệp ở Bình Dương kéo theo sự phát triển của các phân khúc bất động sản khác tại đây như nhà ở... là một minh chứng.
Ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Thắng Lợi Group cũng nhận định, sự phát triển mạnh các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sẽ tạo ra một làn sóng đầu tư lớn cho khu vực. Theo ông Quyền, biên lợi nhuận của bất động sản công nghiệp và đô thị vệ tinh sẽ tăng mạnh hơn trong 2 năm tới, khi các công trình được hoàn thiện. Đặc biệt, những dự án được quy hoạch đồng bộ, bài bản và tích hợp đầy đủ tiện ích sẽ được ưa chuộng hơn so với đất phân lô riêng lẻ, bởi vấn đề an ninh và tính cộng đồng cư dân được đảm bảo.
Bên cạnh đó, những công trình này có thể giúp chủ sở hữu linh hoạt khai thác các công năng đa dạng của bất động sản như an cư lâu dài, kinh doanh, cho thuê nhà dài hạn hoặc cung cấp dịch vụ lưu trú ngắn hạn cho lực lượng chuyên gia và lao động đang công tác tại các khu công nghiệp.
“Những khó khăn, thách thức trong năm 2020 đã giúp sân chơi bất động sản được sàng lọc, mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp trụ vững sau đại dịch theo đúng nghĩa “vàng thật không sợ lửa”. So với năm 2020, thị trường bất động sản 2021 sẽ tích cực hơn, trong đó bất động sản công nghiệp và vùng đô thị vệ tinh sẽ chiếm lĩnh thị trường”, ông Quyền nhấn mạnh.