Bất động sản công nghiệp nổi sóng

(ĐTCK) Gió đã thổi, buồm đã căng, một hải trình đầy hứa hẹn đang chờ đợi các thành viên thị trường ở phân khúc bất động sản công nghiệp cả hai miền Nam - Bắc.

Phía Nam hái quả ngọt

Không giấu được sự hào hứng khi trò chuyện cùng phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao Thị trường vốn Việt Nam tại JLL chia sẻ: “Dịch bệnh Covid-19 có thể tạm thời làm gián đoạn đầu tư tại Việt Nam, nhưng sự quan tâm từ các nhà đầu tư vẫn mạnh mẽ do Việt Nam được xem là cường quốc công nghiệp mới ở khu vực. Điều này sẽ hỗ trợ cả cung và cầu đối với bất động sản công nghiệp ở Việt Nam”.

Báo cáo của Bộ Xây dựng về nhà ở và thị trường bất động sản mới đây cũng cho thấy giá đất phân khúc bất động sản công nghiệp vẫn tăng trung bình 6,2%, trong khi phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đều ngừng hoạt động, không có nguồn thu; phân khúc căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền bị sụt giảm lượng sản phẩm giao dịch…

Thời điểm hiện tại với nhiều doanh nghiệp là thời điểm chín muồi cho làn sóng đầu tư vào bất động sản công nghiệp. Minh chứng rõ nét nhất là chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, cả nước có tới 6 khu công nghiệp mới được thành lập, cao hơn con số 4 khu công nghiệp được thành lập mới trên toàn quốc trong cả năm 2019.

Báo cáo thị trường từ Colliers Việt Nam cho thấy, tính đến tháng 9/2020, giá thuê đất khu công nghiệp tại TP.HCM đạt bình quân 150 USD/m2/kỳ hạn - mức cao nhất cả nước. Tỷ lệ lấp đầy hiện tại thường duy trì ở mức 90% do nhu cầu bất động sản công nghiệp đã tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh quỹ đất cho thuê còn lại không nhiều.

Ba thị trường trọng điểm khác ở phân khúc này (tại phía Nam) là Đồng Nai, Bình Dương, Long An cũng có diễn biến khả quan, với tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 80%. Còn nếu tính gộp cả TP.HCM, các khu công nghiệp của 4 tỉnh và thành phố công nghiệp trọng điểm miền Nam thì tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt tới 84,5%.

Ảnh: Lê Toàn

Trong bối cảnh các doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn từ dịch Covid-19, bức tranh thị trường khu công nghiệp tại phía Nam là một điểm sáng. Nói cách khác, với tỷ lệ lấp đầy và giá thuê cao, các chủ đầu tư khu công nghiệp phía Nam đang được hái quả ngọt từ sự chuẩn bị chu đáo ở giai đoạn trước đó.

Phía Bắc chờ sóng đầu tư

Diễn biến hiện tại khiến nhiều chuyên gia tin rằng, bất động sản công nghiệp với các tỉnh, thành phố phía Bắc cũng đang “sáng giá”, thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Bởi trên thực tế, quỹ đất cho thuê hiện hữu các khu công nghiệp phía Nam không còn nhiều, chỉ khoảng 3.000 ha.

Trao đổi với phóng viên, ông Chí Vũ, Trưởng phòng Kinh doanh, bộ phận Khu công nghiệp của Colliers Việt Nam cho rằng, thị trường miền Bắc đang thu hút nhiều tập đoàn lớn muốn đa dạng hóa danh mục sản xuất, bên cạnh cơ sở tại Trung Quốc.

Theo ông Vũ, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung "thúc ép" doanh nghiệp phải đa dạng hóa thị trường sản xuất. Ðặc biệt, dịch Covid-19 bùng phát từ Trung Quốc làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu toàn cầu đã tiếp thêm động lực để nhiều doanh nghiệp chọn đẩy nhanh tiến độ dịch chuyển sản xuất.

Động thái khá rõ rệt cho xu hướng dịch chuyển này là mới đây, Chính phủ Nhật Bản đã dành 2,2 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp nước này rút khỏi Trung Quốc khi dịch Covid-19 phá vỡ chuỗi cung ứng giữa 2 nước. Ðây có thể là một tín hiệu tốt để Việt Nam đón nhận thêm nhiều dòng vốn Nhật Bản cho thời kỳ "hậu Covid-19", nhất là trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam không ngừng được mở rộng thời gian qua.

Cũng đưa ra đánh giá đầy tiềm năng cho thị trường bất động sản công nghiệp phía Bắc, ông C.K Tong, Tổng giám đốc BW Industrial cho rằng, khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh đã đặt Việt Nam vào vị thế nổi bật hơn trên toàn cầu, trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư quốc tế.

Theo ông C.K Tong, các nhà đầu tư hiện để ý nhiều hơn đến công tác phòng chống rủi ro, không bỏ tất cả trứng vào một rổ, nên đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ. Đặc biệt, nhiều công ty khởi nghiệp coi Việt Nam như một điếm đến quan trọng. Trong đó, Hà Nội nói riêng, khu vực phía Bắc nói chung, sẽ được thụ hưởng nhiều.

Đồng quan điểm, ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch TBS Group nhìn nhận, riêng với lĩnh vực thời trang, Đồng bằng sông Hồng đang là vùng sản xuất lớn nhất. Với đặc thù của lĩnh vực này là đòi hỏi diện tích nhà xưởng và nguồn nhân lực lớn nên sẽ có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ về bất động sản công nghiệp để phục vụ nhu cầu đầu tư.

Tuy nhiên, ông Kiệt cũng cho rằng, thời gian tới, vùng Đồng bằng sông Hồng cần được nâng cấp lên thành vùng thượng nguồn cho lĩnh vực thời trang (hình thành nên các khu vực nghiên cứu sản phẩm, phát triển sản xuất), chứ không chỉ là vùng sản xuất đơn thuần như hiện nay.

“Tỉnh lẻ” hút vốn

Trong quý III/2020, hơn 50% các khu công nghiệp Hà Nội được ghi nhận có tỷ lệ lấp đầy 100% do quỹ đất của Hà Nội có hạn và đây được xem là cơ hội tốt cho các tỉnh thành lân cận. Nhiều dự án khu công nghiệp ở các tỉnh phía Bắc như Hưng Yên, Quảng Ninh, Hà Nam, Thanh Hoá… đã được phê duyệt để tiến hành xây dựng. Mặt khác, cơ sở hạ tầng và khả năng kết nối của các tỉnh lân cận Hà Nội đã được cải thiện đáng kể, đáp ứng được sự phát triển về bất động sản cũng như gia tăng dân số.

Theo ông Chí Vũ, trong nhiều tỉnh, thành phố ở phía Bắc, Bắc Ninh được xem là “con rồng” mới nổi của thị trường bất động sản công nghiệp. Ông Vũ cho rằng, với nhiều lợi thế về vị trí, khả năng kết nối, thị trường bất động sản công nghiệp Bắc Ninh đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá với mục tiêu hơn 2 năm nữa, Bắc Ninh sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngoài việc đã trở thành cứ điểm của nhiều doanh nghiệp lớn như Samsung, Orion, Intop, Mobase…, thu hút khoảng 11 tỷ USD vốn đầu tư, giải quyết việc làm cho gần 100.000 lao động, thì vào tháng 10 vừa qua, Bắc Ninh đã thu hút LOGOS - một nhà phát triển logistics có trụ sở chính tại Sydney (Úc) với việc hoàn tất mua lại khu đất 13 ha đầu tiên tại Việt Nam trị giá 350 triệu USD.

“Thị trường Bắc Ninh đang ngày một nóng sốt khi trên thực tế, giá báo thuê bất động sản công nghiệp tại đây phải cập nhật chậm nhất lại trong mỗi 3 tuần do mức tăng giá diễn ra quá nhanh, thậm chí là theo ngày”, ông Vũ nhấn mạnh.

Tương tự Bắc Ninh, Hải Phòng cũng được dự báo sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng ấn tượng ở phân khúc này. Là đầu mối giao thông quan trọng của phía Bắc, Hải Phòng đang sở hữu đủ cả 5 loại hình giao thông, bao gồm đường biển, đường bộ, đường hàng không, đường sắt và đường thủy nội địa.

Hải Phòng cũng là địa phương có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kho bãi, cảng vụ, vận tải, xuất nhập khẩu… Chỉ tính riêng logistic, Hải Phòng hiện có hơn 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này với nhiều tên tuổi như Tân Cảng Sài Gòn, GSL, DH, Yusen, Hải An…

Trước làn sóng dịch chuyển và nhiều yếu tố chín muồi trong đầu tư, có thể nói, ở cả hai miền Nam - Bắc, bất động sản công nghiệp đang đứng trước những cơ hội thuận lợi để phát triển đột phá. Sóng đã nổi, gió đã lên, giờ là lúc nhà đầu tư cần nhanh chóng hoàn thiện sản phẩm, quản trị dự án để sớm đón các cuộc dịch chuyển lớn trong thời gian tới.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục