Bất động sản công nghiệp Đà Nẵng đón “ông lớn”

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường bất động sản công nghiệp tại TP. Đà Nẵng đang đón làn gió mới, khi có thêm doanh nghiệp tham gia sân chơi.
Bất động sản công nghiệp Đà Nẵng đón “ông lớn”

Đầu tư “đi trước một bước”

Cuối tháng 3/2024, Công ty cổ phần Cơ điện lạnh Searee (Searee), thành viên của Searefico Group đã đưa vào vận hành Tổng kho Logistics - Searee tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (TP. Đà Nẵng), chính thức tham gia “sân chơi” bất động sản công nghiệp tại miền Trung.

Ông Nguyễn Khoa Đăng, Tổng giám đốc Searee cho biết, Dự án được đầu tư trên 49 tỷ đồng, diện tích xây dựng hơn 8.000 m2 và 3.000 m2 sân bãi. Ngay sau khi đi vào hoạt động, Tổng kho Logistics - Searee đã có những khách thuê đầu tiên.

Theo đánh giá của ông Đăng, thị trường bất động sản công nghiệp tại Đà Nẵng rất triển vọng, bởi Đà Nẵng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ ra biển của Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma, nằm trên tuyến đường hàng không quốc tế trọng yếu. Ngoài ra, việc cảng Liên Chiểu đang được đầu tư xây dựng cũng là yếu tố quan trọng để Searefico Group quyết định triển khai Dự án.

“Tiềm năng logistics tại Đà Nẵng rất lớn và Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm logistics của miền Trung. Ngoài ra, giá bất động sản công nghiệp tại Đà Nẵng còn thấp so với hai đầu đất nước. Vì vậy, Tập đoàn quyết định đi trước một bước”, ông Đăng chia sẻ.

Giá bất động sản công nghiệp tại Đà Nẵng còn thấp so với hai đầu đất nước. Vì vậy, Tập đoàn quyết định đi trước một bước.

- Ông Nguyễn Khoa Đăng, Tổng giám đốc Searee

Cùng nhận định, ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Công ty cổ phần Long Hậu, Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, Dự án Cảng Liên Chiểu sẽ tạo động lực cho phân khúc bất động sản công nghiệp Đà Nẵng. Vừa qua, Công ty Long Hậu tiếp tục đưa vào sử dụng khu nhà xưởng công nghệ cao Long Hậu - Đà Nẵng, giai đoạn I mở rộng. Dự án này có tổng vốn đầu tư 1.050 tỷ đồng, tổng diện tích 29,6 ha.

Để phát huy hiệu quả của việc đầu tư hạ tầng logistics, theo ông Hiếu, cần thu hút các hãng tàu đến hoạt động và muốn vậy, phải có lượng hàng hóa. “Đà Nẵng cần tập trung song song chuẩn bị hạ tầng khu công nghiệp, cảng biển và có kế hoạch thu hút đầu tư rõ ràng, tập trung vào những ngành mũi nhọn nhằm tăng lượng hàng hóa, vừa thu hút doanh nghiệp đầu ngành, vừa chuẩn bị quỹ đất, để tạo nên chuỗi giá trị sản xuất nổi bật”, ông Hiếu đề xuất.

Nhiều dư địa

Thời gian qua, Đà Nẵng liên tiếp đón dòng vốn FDI. Có thể kể đến Tập đoàn Foxlink International Investment Ltd. (Đài Loan) đầu tư 135 triệu USD vào Khu công nghệ cao; dự án hàng không vũ trụ có vốn đầu tư 20 triệu USD của doanh nghiệp Hàn Quốc cũng chính thức được động thổ…

Theo Cục Thống kê TP. Đà Nẵng, trong quý I/2024, Thành phố đã cấp chứng nhận đầu tư cho 15 dự án với vốn đăng ký cấp mới là 22,148 triệu USD. Vốn thực hiện của khu vực FDI trong quý I/2024 đạt khoảng 929 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023. Một số doanh nghiệp phát sinh giá trị đầu tư lớn trong quý, như Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam, Công ty TNHH Khách sạn và Biệt thự Nam Phát, Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Việt Nam…

Điều đó cho thấy, Đà Nẵng tiếp tục là lựa chọn của nhà đầu tư nước ngoài và việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng, dịch vụ logistics, đặc biệt là cảng Liên Chiểu có ý nghĩa quyết định đến lựa chọn này.

Theo quy hoạch, Đà Nẵng kêu gọi đầu tư 10 trung tâm logistics, gồm 1 trung tâm cấp vùng, 8 trung tâm cấp tỉnh và 1 trung tâm chuyên dụng hàng không.

Cụ thể, trung tâm logistics cảng Liên Chiểu được quy hoạch là trung tâm logistics cấp vùng, với các dịch vụ cảng biển, bãi container, kho ngoại quan, kho CFS… Trung tâm logistics cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng được quy hoạch là trung tâm logistics chuyên dụng hàng không với quy mô đến năm 2030 là 4 - 5 ha, đến năm 2050 sẽ mở rộng, nâng cấp lên 8 - 10 ha. 8 trung tâm logistics cấp tỉnh gồm ga hàng hóa Kim Liên, Khu công nghệ cao Đà Nẵng, trung tâm logistics và kho bãi khác…

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đang đầu tư các khu công nghiệp (KCN) mới, gồm KCN Hòa Cầm - giai đoạn II, KCN Hòa Nhơn, KCN Hòa Ninh, tổng diện tích khoảng 880 ha. Song song đó, Đà Nẵng đang đẩy mạnh xúc tiến đầu tư lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, vi mạch bán dẫn. Vừa qua, Thành phố ký kết hợp tác với các tập đoàn lớn như Synopsys International Limited, Intel để phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn; Tập đoàn Qualcomm cũng đang nghiên cứu đầu tư vào Đà Nẵng…

Có thể thấy, Đà Nẵng đang từng bước đầu tư hoàn thiện hạ tầng và dịch vụ logistics; tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn. Điều này sẽ tạo nên dư địa và động lực mới cho phân khúc bất động sản công nghiệp.

Hoàng Anh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục