Nhiều dự án ra mắt
Theo số liệu từ Savills hay CBRE, trong giai đoạn 2015 - 2016, tại thị trường Hà Nội, có thời điểm, phân khúc căn hộ cao cấp chiếm tới 50% tổng nguồn cung, cũng như lượng thanh khoản của thị trường. Tuy nhiên, từ năm 2017 và đấu năm 2018, phân khúc này có phần chững lại do tín dụng vào bất động sản, nhất là với các phân khúc cao cấp bị siết lại.
Đến quý II/2018, phân khúc căn hộ cao cấp tại thị trường Hà Nội bắt đầu rục rịch trở lại với một số dự án của các chủ đầu tư lớn được mở bán như D'Eldorado 2 của Tân Hoàng Minh, Starlake của Daewoo E&C, hay Vinhomes West Point của Vingroup. Trong quý này, các sản phẩm chung cư cao cấp chiếm 37% tổng nguồn mở bán mới, tăng mạnh 15% so với cùng kỳ năm 2017.
Năm 2018, thị trường bất động sản Hà Nội ghi nhận nhiều dự án cao cấp, trong đó có Dự án King Palace ra mắt thị trường
Các quý tiếp theo của năm 2018, nguồn cung phân khúc cao cấp tiếp tục được cải thiện khi một loạt dự án ra mắt. Bên cạnh đó, nhiều thương vụ mua bán, chuyển nhượng (M&A) các khu đất vàng với dự kiến phát triển các dự án cao cấp tại các khu đất này của chủ mới cũng diễn ra sôi động. Có thể kể đến Dự án Sky Park Residences của Tổng công ty Thanh Hóa, một dự án chung cao cấp do Capital Land phát triển tại quận Tây Hồ, dự án chung cư cao cấp King Palace do Công ty Hoa Anh Đào làm chủ đầu tư, hay Sunshine Garden của Sunshine Group.
Bước sang năm 2019, phân khúc cao cấp tiếp tục ghi nhận thêm nguồn cung mới từ các dự án như 6th Element ở Tây Hồ, Dự án The Legacy (quận Thanh Xuân), Dự án Hinode City giai đoạn 2 (quận Hai Bà Trưng), Dự án The Zei (Mon City giai đoạn 2, quận Nam Từ Liêm) và một số dự án khác ở khu vực Láng Hạ, Nguyễn Chí Thanh.
Sẽ sôi động trong năm 2019
Theo đánh giá của bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc phụ trách Bộ phận Phân tích CBRE Việt Nam, sau gần 2 năm không có nguồn cung mới, phân khúc chung cư cao cấp đã có sự trở lại và điều này không có gì quá bất ngờ. Bởi vì, thu nhập của người dân ngày một nâng cao, tầng lớp người giàu và siêu giàu gia tăng nhanh, thì nhu cầu về một nơi ở có chất lượng dịch vụ, chất lượng sống tốt sẽ ngày một cao và đó chính là dư địa cho các dự án cao cấp.
Tuy nhiên, để tiếp cận người dùng, các chủ đầu tư dự án cao cấp phải tạo nên những sản phẩm chuyên biệt, phục vụ cho từng nhu cầu cụ thể của từng phân khúc khách hàng. Chẳng hạn, phải cung cấp toàn diện các giải pháp chăm sóc sắc đẹp, bảo vệ sức khoẻ và phục hồi năng lượng, hay thậm chí, căn hộ âm nhạc dành cho giới trẻ ưa thích sự sôi động.
"Những tiện ích đó có thể khiến giá thành các căn hộ tăng lên, nhưng để những khách hàng cao cấp mà công ty hướng tới hài lòng, thì tiền không phải là vấn đề quá lớn", bà An nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho rằng, có thể nhận thấy rõ xu hướng đầu tư mạnh vào căn hộ cao cấp, đặc biệt là từ các nhà đầu tư ngoại thông qua việc thâu tóm hoặc hợp tác phát triển với các nhà đầu tư nội.
“Việt Nam là một thị trường mới nổi có mức tăng trưởng vượt bậc so với các nơi khác trong khu vực. Hàng trăm triệu USD đang chờ đợi để đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam ở hầu hết các phân khúc, bao gồm nhà ở, văn phòng, bán lẻ, khách sạn và khu công nghiệp”, ông Neil MacGregor nhấn mạnh và cho biết thêm, ghi nhận của Savills cho thấy, nhu cầu đầu tư bất động sản tại Việt Nam của người nước ngoài đã tăng đáng kể từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực từ 1/7/2015.
Theo ông Neil MacGregor, tại nhiều dự án, số lượng người nước ngoài mua nhà chạm trần 30% chỉ trong thời gian ngắn mở bán. Vị chuyên gia cũng cho rằng, giá căn hộ tại Hà Nội nhìn chung vẫn thấp hơn so với các thị trường tương đương trong khu vực như Kuala Lumpur (Malaysia) và Bangkok (Thái Lan), mặc dù tốc độ tăng trưởng cao hơn khi so sánh với các thị trường này.
Đồng quan điểm, ông Chen Lian Pang, Tổng giám đốc Công ty CapitaLand Việt Nam cho rằng, thị trường nhà ở cao cấp tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng còn rất nhiều cơ hội để phát triển, nhất là các dự án cao cấp có vị trí đẹp.
Theo ông Chen, bất động sản cao cấp sẽ không gặp khó khăn trong tìm kiếm đầu ra nếu đó thật sự là một sản phẩm cao cấp, giá trị.
"Theo tôi, 2 năm tới đây, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ hoạt động rất tích cực và phân khúc bất động sản cao cấp sẽ vẫn là sản phẩm có thanh khoản tốt. Nhu cầu tư vào loại hình này đang gia tăng, nhất là ở nhóm khách đầu tư nước ngoài nhờ chính sách mở cửa của Chính phủ. Vấn đề đặt ra cho các chủ đầu tư là làm sao để cho ra các sản phẩm chất lượng tốt, có được quỹ đất đẹp và mang lại nhiều hơn tiện ích sống", ông Chen nhấn mạnh.
Theo nghiên cứu gần đây của Đại Việt Group, lượng khách hàng tìm kiếm các sản phẩm chung cư cao cấp vẫn tăng. Trong đó, những sản phẩm có vị trí nằm gần khu trung tâm, diện tích lớn, view đẹp thường được người có tiền ưa chuộng.
Theo một số chuyên gia trong ngành, bất động sản cao cấp không hẳn là sản phẩm mang lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư lướt sóng, nhưng là sản phẩm rất hút nhà đầu tư cho thuê. Những lợi thế của bất động sản cao cấp bên cạnh vị trí đẹp, chất lượng xây dựng tốt, thì các tiện ích sống cao cấp cũng phù hợp với đối tượng thuê là người nước ngoài.
Theo báo cáo World Ultra Wealth Report của Wealth-X, Việt Nam nằm trong nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh nhất thế giới giai đoạn 2012-2017. Cụ thể, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về tốc độ tăng trưởng người siêu giàu giai đoạn 2012 - 2017, ở mức 12,7% mỗi năm, xếp sau Bangladesh (17,3%) và Trung Quốc (13,4%).
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com