Bất động sản bật tăng mạnh ngay khi có dấu hiệu đại dịch được kiểm soát

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường địa ốc sụt giảm giao dịch do ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 lần thứ tư. 6 tháng cuối năm được dự báo còn nhiều khó khăn, song các chuyên gia tin tưởng thị trường sẽ bật tăng...
Thị trường địa ốc đang trầm lắng, nhưng các chuyên gia dự đoán sẽ tăng trở lại khi kiểm soát được Covid-19. Thị trường địa ốc đang trầm lắng, nhưng các chuyên gia dự đoán sẽ tăng trở lại khi kiểm soát được Covid-19.

Trầm lắng

Trong khi quý đầu tiên của năm 2021 ghi nhận một số tín hiệu tích cực về sự phục hồi thị trường bất động sản, thì việc quay trở lại của đại dịch Covid-19 trong tháng 5 đã ảnh hưởng nặng đến nền kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng.

Giãn cách xã hội và nhiều biện pháp khác đang được sử dụng để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, do đó các nhà đầu tư, nhà phát triển và người mua rất thận trọng trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào.

Bên cạnh đó, nguồn thu nhập hạn chế của đa số người dân vào thời điểm này đã khiến sức mua giảm sút. Hầu hết giao dịch hiện nay chủ yếu là từ những nhà đầu tư dài hạn, trong khi các nhà đầu cơ ngắn hạn đã tạm thời rút khỏi thị trường.

Khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường sẽ phục hồi ở tất cả phân khúc. Cơ hội đầu tư đang rất lớn tại các khu vực mở rộng của TP.HCM và Hà Nội.

Mặc dù các doanh nghiệp đang cố gắng thực hiện các kênh bán hàng trực tuyến để tiếp cận người mua, thị trường vẫn chứng kiến ​​sự sụt giảm thanh khoản nghiêm trọng. Tình hình này được dự báo còn tiếp tục trong các tháng còn lại của năm nay.

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, lượng giao dịch chào bán trên toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 83,1%, giao dịch chỉ đạt 87,7% so với 6 tháng cuối năm 2020.

Tuy nhiên, trong “nguy” luôn có “cơ”. Những đợt bùng phát mới của dịch bệnh vẫn có thể tạo cơ hội cho các nhà phát triển bất động sản, nhất là những người đã chứng tỏ được giá trị và sức mạnh của mình bằng các sản phẩm chất lượng, nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng.

Khi thị trường hồi phục, phân khúc nhà ở trung cấp và bình dân vẫn là phân khúc sôi động nhất do nhu cầu nhà ở thực rất cao. Song, tỷ lệ hấp thụ của thị trường sẽ không cao như những năm trước do nguồn tiền trong dân đã giảm sút.

Lĩnh vực du lịch và khách sạn trong 6 tháng cuối năm vẫn bị ảnh hưởng nặng nề, ngay cả khi đại dịch đã được kiểm soát hiệu quả. Thị trường bán lẻ, trung tâm thương mại, siêu thị truyền thống cũng gặp khó khăn không nhỏ khi phải cạnh tranh với phương thức bán hàng trực tuyến và các nền tảng công nghệ tiên tiến.

Phân khúc văn phòng cho thuê được các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm nhiều nhất trong thời gian trước đây. Khi thị trường hồi phục, với nguồn cung phân khúc hạng A và hạng B tại TP.HCM và Hà Nội hạn chế, thị trường có thể không còn nhiều tòa nhà sẵn sàng được giao dịch dưới hình thức mua bán - sáp nhập (M&A) cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đối với bất động sản công nghiệp, sự quan tâm từ các nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài vẫn tăng cao. Tuy nhiên, do dịch bệnh, các nhà đầu tư chưa thể vào Việt Nam để hiện thực hóa các giao dịch. Chỉ khi dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả thì thị trường mới khởi sắc trở lại.

Nhà đầu tư ngoại tin tưởng

Theo ông Lim Hua Tiong, CEO Frasers Property Vietnam, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi, GDP của Việt Nam đã đạt 5,64% trong nửa đầu năm 2021. Kết quả tăng trưởng này được hỗ trợ bởi các yếu tố xuất khẩu, công nghiệp chế tạo và sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu tiêu dùng trong nước. Thị trường bất động sản sẽ phục hồi ở tất cả các phân khúc, trong đó nhà ở và khu công nghiệp là 2 phân khúc phục hồi mạnh mẽ nhất.

“Việt Nam đã đạt được tốc độ phát triển kinh tế vượt trội trong 5 năm qua, điều này đã thúc đẩy quá trình đô thị hóa, đặc biệt ở các thành phố lớn. Chúng tôi nhận thấy cơ hội đầu tư đang rất lớn tại các khu vực mở rộng của TP.HCM và Hà Nội, với chủ yếu là các dự án phát triển khu dân cư và khu công nghiệp”, ông Lim Hua Tiong nói.

Cũng theo ông Lim Hua Tiong, đối với phát triển khu dân cư, nhà đầu tư sẽ tiếp tục quan tâm tìm kiếm dự án trong trung tâm thành phố và các dự án đại đô thị nằm ở ngoại ô. Đối với phân khúc bất động sản công nghiệp, các khu công nghệ cao và trung tâm hậu cần vẫn thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Đối với phân khúc văn phòng cho thuê, nhà đầu tư sẽ dịch chuyển về phía rìa khu trung tâm như quận 2 và quận 7, TP.HCM.

Tương tự, ông Angus Liew, Tổng giám đốc Gamuda Land cũng cho rằng: “Từ những đợt bùng phát dịch bệnh trước đây, tôi nhận thấy, mức độ tin cậy sẽ tăng mạnh khi đại dịch được kiểm soát, do nhu cầu đã bị dồn nén trong một thời gian và sẽ bật tăng nhanh trở lại”.

Với dân số gần 100 triệu người, nhu cầu về nhà ở tại Việt Nam luôn ở mức cao. Tại TP.HCM, tình trạng khan hiếm nguồn cung là vấn đề nhức nhối từ nhiều năm trở lại đây. Nhu cầu sẽ tăng mạnh trở lại ngay khi có dấu hiệu cho thấy đại dịch được kiểm soát. Một trở ngại là các đợt bùng phát dịch bệnh hiện nay đang góp phần vào việc làm chậm quá trình phê duyệt dự án mới, vì ngay cả các cơ quan chức năng cũng đang phải làm việc từ xa.

Ông Angus Liew cũng lưu ý về sự tăng giá phi mã nguyên vật liệu xây dựng. Điều này trực tiếp làm tăng chi phí xây dựng của các dự án và do đó giá bất động sản cũng sẽ được điều chỉnh tăng, khiến cơ hội có được chốn an cư của những người thu nhập trung bình và thấp càng trở nên xa vời.

“Để duy trì sự tăng trưởng của thị trường nói chung và hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản nói riêng, các cơ quan chức năng phải tiếp tục đầu tư vào giải pháp công nghệ và điều chỉnh khung pháp lý, nhằm tiến tới số hóa các thủ tục hành chính. Ngân hàng nên cơ cấu lại khoản vay thế chấp đối với những người mua nhà/tài sản bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hoặc chính sách giãn nợ trong thời gian ngắn hạn và cho phép trả góp tài sản. Song song với đó, các ưu đãi như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế trước bạ để hỗ trợ ngành bất động sản cũng cần được xem xét”, ông Angus Liew khuyến nghị.

Bích Ngọc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục