Bắt đầu “tiếp máu” cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế vừa gửi công văn đến các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh và cục thuế các địa phương đề nghị triển khai ngay Nghị định 92/NĐ-CP về một số giải pháp hỗ trợ....
Bắt đầu “tiếp máu” cho doanh nghiệp

Nỗ lực lớn của Nhà nước

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thu ngân sách nhà nước (NSNN) kể từ tháng 5/2021 trở lại đây rất khó khăn, tháng sau giảm so với tháng trước, không gian tài khóa rất hạn hẹp, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn ra Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 (Nghị quyết 406) giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và bị giảm so với năm 2019; miễn các loại thuế phát sinh 6 tháng cuối năm cho hộ gia đình, cá nhân kinh doanh; giảm 30% thuế giá trị gia tăng tháng 11 và 12/2021 cho nhiều ngành hàng, lĩnh vực và miễn tiền chậm nộp năm 2020 và 2021 cho người nộp thuế. Đây là nỗ lực vô cùng lớn của Nhà nước.

“Theo điều tra 2.800 doanh nghiệp vừa được VCCI thực hiện cho thấy, bức tranh rất đáng lo ngại khi có tới 94% số doanh nghiệp bị tác động tiêu cực rất nặng nề trong quý III, nên gói hỗ trợ miễn, giảm thuế, tiền chậm nộp rất quan trọng trong lúc này vì cả doanh nghiệp nội địa lẫn đầu tư trực tiếp nước ngoài, cả doanh nghiệp lớn lẫn nhỏ đều bị tác động tiêu cực.

Nghị quyết 406 đã được cụ thể hóa bằng Nghị định 92/2021/NĐ-CP (Nghị định 92), không chỉ tác động ngay tới cộng đồng doanh nghiệp, mà còn tác động ngay đến rất nhiều lĩnh vực xã hội khác như giải quyết bài toán thất nghiệp, thiếu việc làm do doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng; xóa đói giảm nghèo; bảo đảm chính sách an sinh xã hội”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tuấn, trong rất nhiều lĩnh vực như xóa đói, giảm nghèo; thực hiện chính sách an sinh xã hội, Việt Nam rất thành công, trong một thời gian dài đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, ngợi khen, nhưng nếu không có các giải pháp kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thì những thành quả đã đạt được sẽ bị hao hụt.

Gói hỗ trợ miễn giảm thuế và tiền chậm nộp theo tinh thần Nghị quyết 406 và Nghị định 92 như một đơn vị máu được tiếp cho doanh nghiệp trong lúc doanh nghiệp vô cùng khó khăn, phải vật lộn để tồn tại.

“Vì vậy, bên cạnh việc phải triển khai ngay Nghị quyết 406 và Nghị định 92, thì cần phải triển khai đồng bộ tất cả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động đã được ban hành từ đầu năm đến nay, như việc gia hạn nợ, giảm lãi suất vay vốn ngân hàng, gia hạn nợ thuế, tiền thuê đất… cho doanh nghiệp vì những gói tài khóa, tín dụng này vẫn còn nhiều dư địa”, ông Tuấn nói.

Trong khi đó, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Tiến Lộc nhận định, gói hỗ trợ miễn giảm thuế và tiền chậm nộp theo tinh thần Nghị quyết 406 và Nghị định 92 như một đơn vị máu được tiếp cho doanh nghiệp trong lúc doanh nghiệp vô cùng khó khăn, phải vật lộn để tồn tại.

Theo ông Lộc, trong thời gian giãn cách và cả hậu giãn cách, doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì sản xuất ở mức có thể, khiến chi phí bị đội lên rất nhiều, do phải chi phí cho phòng chống dịch, chi phí “3 tại chỗ” nên hiệu quả giảm sút nghiêm trọng và đã có rất nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu khả năng thanh khoản, thậm chí mất khả năng thanh toán.

Trong 10 tháng của năm, chỉ có 93.700 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 15,7% về số doanh nghiệp, giảm hơn 18% về vốn đăng ký cũng như giảm gần 17% về số lao động so với cùng kỳ năm trước (năm mà hoạt động của doanh nghiệp cũng vô cùng khó khăn). Trong khi đó, có tới 48.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 16%; 35.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 15,7%; 13.600 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể đã cho thấy bức tranh của doanh nghiệp khó khăn đến nhường nào.

“Hy vọng, “đơn vị máu” ước tính 21.500 tỷ đồng theo Nghị quyết 406 sẽ hỗ trợ được doanh nghiệp phần nào”, ông Lộc phát biểu.

Không được giảm thuế thì được chuyển lỗ

Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, nếu không có gói hỗ trợ miễn, giảm thuế và tiền chậm nộp thì rất nhiều doanh nghiệp chỉ có khả năng cầm cự được 3-6 tháng nữa.

“Tuy nhiên, bên cạnh việc hỗ trợ bằng tiền, bằng hỗ trợ lãi suất, thì cần phải đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính. Dịch bệnh là “hàn thử biểu” cho thấy vẫn còn rất nhiều thủ tục hành chính phiền hà, nhiêu khê. Đây là lúc phải đẩy mạnh cải cách thể chế hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp”, ông Lộc đề xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), không phải chỉ khi xảy ra dịch bệnh, NSNN mới chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, mà từ nhiều năm nay, các chính sách thuế đều hướng đến mục tiêu khoan thư sức dân, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.

“Bình thường, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ doanh nghiệp bằng việc cho chậm nộp tiền thuế, khi dịch bệnh xảy ra, tiếp tục hỗ trợ nhiều hơn nữa thông qua miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền thuê đất, với tổng trị giá gói hỗ trợ năm 2020 là 129.000 tỷ đồng, trong đó gia hạn 97.500 tỷ đồng và giảm 31.500 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn 118.000 tỷ đồng”, ông Phụng cho biết.

Với gói hỗ trợ mới sẽ có rất nhiều doanh nghiệp không được hưởng do không có lợi nhuận nên không được giảm thuế. Ông Phụng cho rằng, nếu nhìn qua có vẻ như rất nhiều doanh nghiệp không được hưởng lợi ích từ gói này, nhưng thực ra vẫn được hưởng.

“Doanh nghiệp bị thua lỗ, chi phí quá lớn cho công tác phòng chống dịch bệnh, bị giãn cách xã hội, bị đứt gãy đầu vào, hàng hóa sản xuất ra không bán được, hay vì bất cứ lý do nào đó mà bị lỗ thì số lỗ năm nay được chuyển sang năm sau, năm sau nữa, tối đa là 5 năm. Như vậy, dù không trực tiếp được hưởng ngay chính sách miễn, giảm thuế, nhưng thực ra doanh nghiệp được hưởng trọn vẹn chính sách miễn, giảm thuế nếu hoạt động kinh doanh bị thua lỗ. Còn với những doanh nghiệp lớn, sự hỗ trợ của Chính phủ chính là đang cố gắng thúc đẩy đầu tư công, khi nguồn vốn đầu tư công được giải ngân sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp lớn đầu tư, mở rộng hoạt động ”, ông Phụng phân tích.

Hàn Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục