Theo Quyết định của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), thành phần Đoàn thanh tra gồm Thanh tra Bộ, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Vụ Khoa học - Công nghệ, Vụ Kế hoạch - Đầu tư và Công ty cổ phần Tư vấn công trình giao thông 2.
Nhiệm vụ chính của đoàn là thanh tra đột xuất công tác tổ chức quản lý, thực hiện Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) và một số dự án của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư có Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) thực hiện; thanh tra công tác tổ chức quản lý thực hiện các tiểu dự án xây dựng đường sắt đoạn Hạ Long - Cái Lân, Lim - Phả Lại và Phả Lại - Hạ Long do Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh thanh tra Bộ GTVT cho biết thêm, cũng đã có quyết định thành lập Tổ kiểm tra xác minh độc lập vụ nghi vấn nhận hối lộ 16 tỷ đồng của một số quan chức ngành đường sắt.
“Trường hợp khi có danh sách và có chứng cớ, chắc chắn sẽ phải chuyển hồ sơ cho bên Công an. Vì vậy, tổ này sẽ độc lập với đoàn thanh tra của Bộ, tập hợp đầy đủ thông tin để chuyển hồ sơ cho phía công an, khi cần thiết”, ông Huyện nói. Đoàn Thanh tra sẽ thanh tra tổng thể công tác chuẩn bị đầu tư, khảo sát lập thiết kế kỹ thuật, lập dự toán, tổng dự toán, công tác đấu thầu, chỉ định thầu, quản lý vốn, chất lượng công trình cũng như công tác đảm bảo giao thông, tiến độ dự án.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã chính thức phát văn bản yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tạm dừng ngay việc giải ngân Hợp đồng dịch vụ tư vấn HURC1 - 001 thuộc Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1), giai đoạn I; tạm dừng thương thảo đề xuất tài chính gói thầu dịch vụ tư vấn kỹ thuật HURC1 – 008.
Tại Gói thầu HURC1, Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) tham gia với tư cách là nhà thầu chính trong liên danh các công ty tư vấn Việt Nam - Nhật Bản, gồm JARTS, JRC, JEC, KOKEN và các công ty tư vấn của Việt Nam, gồm Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng GTVT (TRICCO), TEDI và TEDI-South, viết tắt là liên danh JKT sau khi vượt qua cuộc đấu thầu cạnh tranh được tổ chức vào tháng 4/2008, với giá trúng thầu là 2,9 tỷ yên và 320,58 tỷ đồng.
Một hạng mục khác tại Dự án - gói thầu HURC1 - 101 “Chuẩn bị mặt bằng và xử lý nền đất yếu tổ hợp Ngọc Hồi” cũng được yêu cầu hoãn phát hành hồ sơ mời thầu.
“Việc thực hiện các nội dung nêu trên chỉ được tiếp tục triển khai khi có ý kiến của Bộ GTVT”, ông Đông yêu cầu.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư sáng 27/3, một lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT đã cho biết, sau khi rà soát sơ bộ quá trình đấu thầu gói thầu HURC1, cơ quan này chưa phát hiện những dấu hiệu bất thường trong việc thực hiện quy trình tuyển chọn nhà thầu theo quy định của Việt Nam cũng như hướng dẫn của nhà tài trợ là Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Được biết, tại cuộc đấu thầu này (đấu thầu 2 bước), tại vòng sơ tuyển, có 4 liên danh nhà thầu Việt Nam - Nhật Bản mua hồ sơ dự thầu. Sau khi đánh giá kết quả sơ tuyển, còn lại 3 nhà thầu, trong đó liên danh có JTC là nhà thầu chính là đơn vị duy nhất nộp hồ sơ dự thầu. “Hiện tượng chỉ có 1 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu khi mở thầu là bình thường tại các gói thầu sử dụng vốn vay có điều kiện đặc biệt của Nhật Bản - vốn STEP”, vị lãnh đạo này cho biết.
Theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, vào cuối ngày 26/3, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lần đầu tiên đã có báo cáo Bộ GTVT về việc rà soát quá trình đấu thầu các gói thầu thuộc Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) giai đoạn I.
Cũng trong ngày 26/3, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu một số cán bộ, công chức thuộc diện Bộ quản lý, làm báo cáo việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong quá trình thực hiện Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) giai đoạn 1.
Đến thời điểm này, phía Nhật Bản chưa công bố danh tính những người nhận tiền của Công ty JTC. Tờ báo Yomiuri Shimbun cũng chỉ đưa thông tin Công ty JTC được cho là đã trả tiền lại quả cho 5 nhân viên Chính phủ, trong đó có một quan chức cấp cao của một văn phòng chịu trách nhiệm quản lý dự án tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và một quan chức ở một vị trí trách nhiệm ở Tổng cục Đường sắt tại Bộ GTVT Indonesia.
Sau khi có thông tin này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, các bộ liên quan sớm làm rõ vụ việc, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì khởi tố vụ án.