Bất chấp trục lợi, bảo hiểm sức khỏe vẫn nở rộ!

(ĐTCK) Là sản phẩm bảo hiểm có nguy cơ bị trục lợi nhiều nhất, nhưng bảo hiểm sức khỏe vẫn là “át chủ bài” trong chiến lược thúc đẩy tăng trưởng doanh thu của hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm.
Sức khỏe là mối quan tâm hàng đầu của người dân.

Nhu cầu bảo vệ sức khỏe tăng cao

Theo khảo sát của McKinsey, 82% người tiêu dùng ở Mỹ, 73% ở Anh và 87% ở Trung Quốc đặt sức khỏe là ưu tiên hàng đầu hoặc rất quan trọng trong cuộc sống của họ. Hơn một nửa số người tiêu dùng tham gia khảo sát cho biết, họ chú trọng về sức khỏe hơn so với năm trước. Kết quả này cho thấy sự gia tăng đáng kể trong mức độ ưu tiên về sức khỏe của người tiêu dùng qua mỗi năm.

Tại Việt Nam, kể từ sau đại dịch Covid-19, vượt qua sự ổn định của công việc, sức khỏe đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của người dân. Sự thay đổi này đã phần nào phản ánh nhận thức của giới trẻ nói riêng và người Việt nói chung về giá trị của sức khỏe để có một cuộc sống chất lượng.

Nhu cầu bảo vệ sức khỏe tăng cao cũng được thể hiện qua các con số thống kê trong 9 tháng qua. Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tính đến cuối tháng 9/2024, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 58.443 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe (bao gồm bảo hiểm tai nạn con người và bảo hiểm chăm sóc sức khỏe) đạt 20.988 tỷ đồng, tăng 23% và chiếm tỷ trọng 36% doanh thu toàn thị trường.

Với bảo hiểm phi nhân thọ, trong nhóm 3 nghiệp vụ có doanh thu cao nhất là bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tài sản và bảo hiểm kỹ thuật, bảo hiểm xe cơ giới, tính đến thời điểm hiện tại, thị phần doanh thu bảo hiểm sức khỏe đã vượt qua 2 nghiệp vụ còn lại với mức đóng góp cao nhất trên tổng doanh thu (bảo hiểm tài sản và bảo hiểm kỹ thuật đạt doanh thu 16.408 tỷ đồng, tăng 10, 6% và chiếm tỷ trọng 28%; bảo hiểm xe cơ giới đạt doanh thu 13.156 tỷ đồng, tăng chưa đến 10% và chiếm tỷ trọng 23%).

Tương tự, với bảo hiểm nhân thọ, các sản phẩm bổ trợ về chăm sóc sức khỏe, nằm viện, bảo hiểm các bệnh hiểm nghèo, bệnh lý nghiêm trọng, thai sản… có sức hấp dẫn đáng kể với khách hàng.

Các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến sức khỏe cũng là phân khúc được các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cạnh tranh gay gắt để tạo ra quyền lợi và dịch vụ tối ưu cho khách hàng.

Mới đây, nhằm tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng trong dịch vụ bảo hiểm sức khỏe, AIA Việt Nam đã chính thức giới thiệu dịch vụ bảo hiểm sức khỏe AIA (AIA Digital Health Services - DHS).

Đây là định hướng chiến lược của AIA Việt Nam nhằm xây dựng năng lực quản lý trải nghiệm giải quyết quyền lợi bảo hiểm và chủ động chăm sóc khách hàng có bảo hiểm sức khỏe.

Hiện tại, AIA Việt Nam đã thiết lập mạng lưới đối tác liên kết với hơn 300 bệnh viện và phòng khám nhằm cung cấp dịch vụ bảo lãnh viện phí cho khách hàng trên toàn quốc dễ dàng và nhanh chóng. Mạng lưới này sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới.

Tương tự, Dai-ichi Life Việt Nam cũng cho ra mắt sản phẩm chăm sóc sức khỏe toàn cầu 24/7, với mức bảo vệ lên đến 2 tỷ đồng cho mỗi bệnh/thương tật (không giới hạn bệnh/thương tật).

Sản phẩm có 5 gói dịch vụ linh hoạt, mức bảo vệ từ 150 triệu đồng đến 2 tỷ đồng dành cho khách hàng tham gia bảo hiểm từ 30 ngày tuổi đến 65 tuổi, được sử dụng điều trị nội trú, cấp cứu, phẫu thuật và liệu pháp điều trị ung thư hiện đại tại các cơ sở y tế trên phạm vi toàn cầu.

Trước đó, FWD Việt Nam đưa ra sản phẩm bổ trợ “FWD Care Bảo hiểm sức khỏe 3.0” với 6 kế hoạch bảo vệ từ cơ bản đến nâng cao, tương ứng với hạn mức bảo vệ từ 50 triệu đồng đến 3 tỷ đồng trên mỗi năm hợp đồng, đáp ứng nhu cầu đa dạng phân khúc khách hàng.

Các doanh nghiệp bảo hiểm đều không có dữ liệu thị trường về tình hình khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe; không có dữ liệu lịch sử khám chữa bệnh của người được bảo hiểm, lịch sử sử dụng bảo hiểm y tế cũng như khám chữa bệnh dịch vụ của các cơ sở y tế trên cả nước; thiếu sự hỗ trợ trong phòng chống gian lận bảo hiểm như tạo cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp bảo hiểm có thể tra cứu thông tin về lịch sử tham gia bảo hiểm, lịch sử khám chữa bệnh; ban hành quy trình, quy định liên quan đến khám chữa bệnh, trong đó có việc nhận dạng bệnh nhân…

Không nằm ngoài cuộc đua này, Manulife Việt Nam đã nâng cấp sản phẩm “Sống khỏe mỗi ngày” lên phiên bản năm 2024 với tính linh hoạt tối đa, chi phí hợp lý và thời hạn bảo vệ lên tới 75 tuổi nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng về bảo hiểm sức khỏe trong bối cảnh lạm phát y tế gia tăng.

Khác với nhiều sản phẩm bảo hiểm sức khỏe hiện nay trên thị trường, “Sống khỏe mỗi ngày” của Manulife Việt Nam cho phép khách hàng dễ dàng lựa chọn tham gia các quyền lợi bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của mình mà không kèm theo các điều kiện ràng buộc phức tạp.

Cụ thể, ngoài quyền lợi điều trị nội trú mặc định, khách hàng có thể tùy chọn tham gia thêm các quyền lợi khác như ngoại trú, thai sản, nha khoa…, giúp tối ưu hóa chi phí và mở rộng phạm vi bảo vệ.

“Trước thực trạng bệnh tật và chi phí y tế gia tăng, bảo hiểm sức khỏe đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của tất cả các gia đình Việt Nam. Chúng tôi đã lắng nghe và nghiên cứu rất kỹ nhu cầu của từng phân khúc khách hàng khi thiết kế phiên bản mới của sản phẩm ‘Sống khỏe mỗi ngày’. Chúng tôi tin rằng những cải tiến và sự khác biệt của sản phẩm lần này sẽ mang lại sự an tâm tối đa cho khách hàng…”, bà Tina Nguyễn - Tổng giám đốc Manulife Việt Nam cho hay.

Nỗi lo trục lợi vẫn hiện hữu

Theo một khảo sát mới đây về xu hướng tiêu dùng hiện đại tại Việt Nam của Cốc Cốc, có 16% người tiêu dùng thường xuyên sử dụng dịch vụ bảo hiểm. Trong đó, hơn 50% người được khảo sát cho biết, họ tham gia bảo hiểm với mục tiêu bảo vệ tài sản, sức khỏe và bảo vệ quyền lợi của bản thân lẫn gia đình.

Qua đó, có thể thấy, việc tìm kiếm các giải pháp bảo hiểm đáp ứng nhu cầu bảo vệ sức khỏe toàn diện đã trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều gia đình Việt.

Để đáp ứng nhu cầu này, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ đều dành nhiều tâm huyết, nghiên cứu từng nhu cầu cụ thể của tất cả các khách hàng.

Bài toán phát triển sản phẩm và dịch vụ tốt nhất cho khách hàng luôn là mục tiêu hướng đến và các nhà bảo hiểm luôn sẵn sàng thay đổi để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng mỗi ngày. Tuy vậy, tình trạng trục lợi là vấn đề khiến các doanh nghiệp bảo hiểm đau đầu.

Hiện tại, chưa có thống kê chính thức về số lượng các vụ trục lợi bảo hiểm ở cả 2 khối bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, nhưng thời gian gần đây, trong các cuộc họp chuyên môn của IAV, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm thành viên phản ánh, ngày càng nhiều vụ việc có dấu hiệu trục lợi.

Đáng chú ý, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 (2020-2022), người dân có ý thức hơn về việc mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, số lượng người tham gia bảo hiểm gia tăng, số lượng người yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm tăng lên, đồng thời hành vi trục lợi bảo hiểm cũng tăng theo.

Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, bên cạnh những trường hợp có bệnh, có nhiều khách hàng lợi dụng kẽ hở trong quy định về việc điều trị Covid-19 để trục lợi.

Trong khi đó, các doanh nghiệp bảo hiểm đều không có dữ liệu thị trường về tình hình khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe; không có dữ liệu lịch sử khám chữa bệnh của người được bảo hiểm, lịch sử sử dụng bảo hiểm y tế cũng như khám chữa bệnh dịch vụ của các cơ sở y tế trên cả nước; thiếu sự hỗ trợ trong phòng chống gian lận bảo hiểm như tạo cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp bảo hiểm có thể tra cứu thông tin về lịch sử tham gia bảo hiểm, lịch sử khám chữa bệnh; ban hành quy trình, quy định liên quan đến khám chữa bệnh, trong đó có việc nhận dạng bệnh nhân…

Cá biệt, tại một số địa phương, tình hình trục lợi bảo hiểm liên tục lặp đi, lặp lại buộc một số doanh nghiệp bảo hiểm phải ngưng bán các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe tại khu vực đó và giải pháp bất đắc dĩ này có thể ảnh hưởng đến nhu cầu chính đáng về bảo hiểm của nhiều đối tượng khách hàng khác.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục