Bất chấp tin tốt dồn dập, giới đầu tư vẫn lo âu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall quay đầu giảm điểm trong phiên ngày thứ Ba (6/4).
Bất chấp tin tốt dồn dập, giới đầu tư vẫn lo âu

Đầu ngày, thị trường giao dịch kém tích cực bất chấp việc tiếp tục chào đón báo cáo việc làm đầy tích cực từ Bộ Lao động Mỹ. Theo đó, số vị trí cần tuyển dụng vào cuối tháng 2 vừa qua đã tăng 268.000 lên 7,4 triệu vị trí, cho thấy cơ hội việc làm tại Mỹ đang ở mức cao nhất trong vòng hai năm gần đây. Trước đó, các nhà kinh tế chỉ kỳ vọng con số này đạt mốc 7 triệu.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu lên 6% trong năm nay từ mức 5,5% trước đó, một tỷ lệ chưa từng thấy kể từ những năm 1970.

Còn theo ước tính của Refintiv, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I sắp tới có thể chứng kiến lợi nhuận của các công ty S&P 500 tăng trưởng 24,2% so với một năm trước đó. Refintiv lưu ý, các nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào một kết quả thực sự mạnh mẽ. Các ngân hàng lớn bao gồm JPMorgan và Goldman Sachs sẽ khởi động mùa báo cáo quý I vào tuần tới.

Các biện pháp kích thích tài chính khổng lồ cùng với việc triển khai nhanh chóng chương trình tiêm chủng vắc-xin đang thúc đẩy nền kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, một bộ phận các nhà đầu tư vẫn lo lắng về khả năng lạm phát gia tăng và đề xuất áp thuế cao hơn trong tương lai.

Ngoài ra, các quốc gia trên thế giới khác tiếp tục gặp khó khăn trong cuộc chiến chống Covid-19. Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm thứ Ba cho biết, nước này đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ ba rất nghiêm trọng.

Kết thúc phiên 6/4, chỉ số Dow Jones giảm 96,95 điểm, (-0,29%), xuống 33.430,24 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,97 điểm, (-0,10%), xuống 4.073,94 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 7,21 điểm, (-0,05%), xuống 13.698,38 điểm.

Ngược dòng chứng khoán Mỹ, trở lại sau kỳ nghỉ lễ, chứng khoán Châu Âu tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba khi các nhà đầu tư đặt cược vào sự phục hồi kinh tế toàn cầu, được thúc đẩy bởi các khoản chi tiêu khổng lồ nhằm kích thích kinh tế và chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19.

Kết thúc phiên 6/4, chỉ số FTSE 100 tăng 86,25 điểm (+1,28%), lên 6.823,55 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 105,21 điểm (+0,70%), lên 15.212,68 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 28,38 điểm (+0,47%), lên 6.131,34 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm khi giới đầu tư ồ ạt chốt lời sau đợt tăng mạnh gần đây của thị trường.

Chứng khoán Trung Quốc gần như không đổi, khi thị trường ít phản hứng với dữ liệu kinh tế lạc quan.

Chứng khoán Hồng Kông vẫn đang trong dịp nghỉ Tết Thanh Minh còn chứng khoán Hàn Quốc nhích nhẹ nhờ lực mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài.

Kết thúc phiên 6/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 392,62 điểm (-1,30%), xuống 29.696,63 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 1,43 điểm (-0,04%), xuống 3.482,97 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 6,25 điểm (+0,20%), lên 3.127,08 điểm.

Giá vàng bật tăng trong phiên đêm qua trong bối cảnh USD suy yếu và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm mất 7 điểm cơ sở còn 1,65% vào ngày thứ Ba.

Kết thúc phiên 6/4, giá vàng giao ngay tăng 15,10 USD (+0,87%), lên 1.743,60 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 14,20 USD (+0,82%), lên 1.743,00 USD/ounce.

Theo kết quả cuộc khảo sát tư nhân gần đây, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Caixin/Markit trong lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc tăng lên mức 54,3 điểm tháng 3, so với mức 51,5 ghi nhận trong tháng 2.

Tại Mỹ, sản lượng dầu dự kiến ​​sẽ giảm 270.000 thùng ngày vào năm 2021 xuống 11,04 triệu thùng/ngày, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết. Mức giảm này mạnh hơn so với dự báo là 160.000 thùng/ngày được đưa ra trước đó.

Kết thúc phiên 6/4, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,68 USD (+1,2%), lên 59,33 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,59 USD (+1%), lên 62,74 USD/thùng

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục