Nhu cầu nội khối thúc đẩy đà phục hồi
Trong Dự báo kinh tế mùa thu vừa công bố, Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá rằng tăng trưởng kinh tế EU đã trở lại vào mùa xuân và được duy trì trong suốt mùa hè khi các chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 được thúc đẩy và các biện pháp hạn chế dần được dỡ bỏ.
Mặc dù đang gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế EU được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới và sẽ tăng trưởng khoảng 2,5% vào năm 2023. Khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone) được dự báo sẽ tăng trưởng cùng nhịp với nền kinh tế EU ở mức 5% và 4,3% lần lượt trong các năm 2021 và 2022. Còn trong năm 2023, Eurozone sẽ tăng trưởng khoảng 2,4%.
Triển vọng tăng trưởng trên phụ thuộc nhiều vào hai yếu tố, bao gồm: diễn biến của đại dịch Covid-19 và tốc độ điều chỉnh nguồn cung trước sự thay đổi nhanh chóng của nhu cầu sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
Với mức tăng trưởng gần 14%, GDP của EU trong quý II/2021 đã ghi dấu mức tăng kỷ lục. Nền kinh tế này đã lấy lại mức sản lượng trước đại dịch trong quý III/2021 và chuyển từ phục hồi sang tăng trưởng.
Theo nhận định của Ủy ban châu Âu, nhu cầu nội khối sẽ tiếp tục thúc đẩy đà tăng trưởng của khu vực. Những cải thiện trên thị trường lao động và mức tiết kiệm giảm đi sẽ góp phần duy trì tốc độ chi tiêu của người tiêu dùng châu Âu. Bên cạnh đó, đà phục hồi của kinh tế EU cũng đang được tiếp sức thông qua đẩy mạnh đầu tư công và đầu tư của khu vực tư nhân.
Tuy nhiên, đà tăng trưởng của EU vẫn đang đối mặt với những "cơn gió ngược" mới. Sự tắc nghẽn và gián đoạn nguồn cung toàn cầu đang đè nặng lên hoạt động kinh tế của khu vực này, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất hội nhập sâu rộng với thế giới. Hơn nữa, sau khi lao dốc trong năm 2020, giá năng lượng, đặc biệt là khí đốt tự nhiên, đã tăng với tốc độ hỗn loạn trong tháng 10/2021 và hiện cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch.
Trong khi đó, dù thị trường lao động EU ghi nhận những cải thiện rõ rệt nhờ việc nới lỏng các hạn chế đối với các hoạt động liên quan đến tiêu dùng, tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực này trong tháng 8 đạt mức 6,8%, nhỉnh hơn mức cuối năm 2019.
Dữ liệu được cập nhất mới nhất cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của EU đã giảm thêm một chút trong tháng 9. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát kinh doanh gần đây của Ủy ban châu Âu cho thấy tình trạng thiếu lao động đang trở nên đáng lo ngại, đặc biệt là trong các lĩnh vực đang phục hồi mạnh. Những vấn đề này càng kéo dài, càng dẫn đến nguy cơ kéo giảm hoạt động của các lĩnh vực đang thiếu lao động, đồng thời gia tăng lạm phát do áp lực tiền lương tăng cao.
Tỷ lệ thất nghiệp trong EU được dự báo có chiều hướng giảm, từ mức 7,1% trong năm 2021, xuống lần lượt 6,7% và 6,5% vào năm 2022 và 2023. Riêng ở Eurozone, tỷ lệ thất nghiệp ước đạt lần lượt 7,9%, 7,5% và 7,3% từ năm 2021 đến năm 2023.
"Chưa thể tự mãn"
Thách thức và rủi ro đối với tăng trưởng của nền kinh tế EU vẫn ở mức cao. Đơn cử, sau vài năm lạm phát thấp, hoạt động kinh tế phục hồi mạnh mẽ ở EU, đặc biệt tại một số nền kinh tế phát triển, đã đẩy lạm phát của khu vực này tăng vượt dự đoán. Lạm phát của Eurozone đã tăng từ mức -0,3% trong quý IV/2020, lên 2,8% trong quý III/2021. Còn lạm phát tháng 10/2021 của Eurozone tăng lên mức 4,1%.
Mức tăng lạm phát hiện nay của EU được cho là tạm thời, bởi sở dĩ lạm phát của Eurozone tăng vọt là do giá năng lượng tăng sốc, bên cạnh các tác động từ những điều chỉnh kinh tế thời dịch.
Ủy ban châu Âu dự báo, lạm phát của Eurozone sẽ đạt đỉnh 2,4% trong năm 2021, trước khi giảm xuống 2,2% vào năm 2022 và 1,4% vào năm 2023, do giá năng lượng được điều chỉnh để dần dần ổn định. Đối với nền kinh tế EU, lạm phát ước tính đạt mức 2,6% trong năm 2021, sau đó giảm xuống 2,5% vào năm 2022, và 1,6% vào năm 2023.
Mặc dù tác động của Covid-19 đến các hoạt động kinh tế tại EU đã suy yếu đáng kể, nhưng đại dịch vẫn chưa chấm dứt và sự phục hồi kinh tế phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch bệnh, cả ở trong và ngoài EU. Do số ca nhiễm ở nhiều quốc gia gần đây tăng lên, nên không thể loại trừ khả năng tái áp dụng các biện pháp phòng dịch có ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế.
Tại EU, nguy cơ này đặc biệt hiện hữu ở các quốc gia thành viên có tỷ lệ tiêm chủng còn thấp. EU cũng đang đối mặt rủi ro tăng trưởng do tác động từ việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 kéo dài và tắc nghẽn nguồn cung.
Ông Valdis Dombrovskis, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết: "Nền kinh tế châu Âu đang phục hồi mạnh mẽ sau cuộc suy thoái, với tốc độ tăng trưởng dự kiến 5% trong năm nay. Các biện pháp của chúng tôi nhằm ngăn chặn cơn đại dịch và tăng cường tiêm chủng trên khắp EU rõ ràng đã góp phần vào thành công này".
"Nhưng đây không phải lúc để tự mãn: chúng ta tiếp tục đối mặt với sự bất ổn do loại virus này (Covid-19) và một số rủi ro khác. Điều không kém phần quan trọng là chúng ta cần giải quyết các tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng, cũng như giá năng lượng tăng cao ảnh hưởng đến nhiều hộ gia đình và công ty trên khắp châu Âu", ông Valdis Dombrovskis lưu ý.
Theo dự báo, giá năng lượng tại EU sẽ chững lại vào năm 2022. Tuần này, "sóng gió" lại xuất hiện trên thị trường năng lượng châu Âu sau khi Belarus dọa cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu nếu EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới phía Tây.
Theo đài CNBC, EU đã cáo buộc Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko dùng lá bài nhập cư với hàng nghìn người đang tụ tập trong các trại lạnh giá ở biên giới với Ba Lan như "vũ khí" nhằm phá hoại an ninh của EU và đánh lạc hướng khỏi các áp lực chính trị trong nước, một cáo buộc mà Belarus chối bỏ.
Trước việc EU được cho là đang chuẩn bị một vòng trừng phạt mới, Tổng thống Lukashenko khẳng định tại cuộc họp nội các khẩn cấp hôm 11/11 rằng nước này có thể cắt đứt hoạt động vận chuyển khí đốt từ Nga đến EU trên tuyến đường ống Yamal - châu Âu. Điều này sẽ làm gia tăng áp lực lên các nhà lãnh đạo châu Âu trong bối cảnh châu lục này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng năng lượng.
Sau những cảnh báo từ phía Belarus, giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu tăng vọt gần 7% trong ngày giao dịch 11/11.