“Bắt bệnh” ngập nước ở các đô thị lớn - Bài 2: Ngập nặng từ phố biển đến phố núi, vì sao?

0:00 / 0:00
0:00
Tình trạng ngập nước diễn ra tại các đô thị ven biển và cả ở các thành phố trên cao như Tây Nguyên.
Trận ngập lụt kinh hoàng ở Đà Nẵng vào đêm 14/10/2022. Ảnh: Nhiệt Băng. Trận ngập lụt kinh hoàng ở Đà Nẵng vào đêm 14/10/2022. Ảnh: Nhiệt Băng.

Càng đô thị hóa, càng ngập nặng. Càng chống ngập càng ngập. Đó là thực trạng đáng lo ngại của việc quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị thiếu tầm nhìn, chạy theo những cái lợi trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài, bền vững tại không ít thành phố lớn ở Việt Nam hiện nay.

Bài 2: Ngập nặng từ phố biển đến phố núi, vì sao?

Tình trạng ngập nước diễn ra tại các đô thị ven biển và cả ở các thành phố trên cao như Tây Nguyên. Thủ phạm là các khối bê tông ồ ạt mọc lên trong quá trình đô thị hóa, vừa gây áp lực lên hạ tầng xã hội, vừa chặn đường thoát nước, thoát lũ.

Những bức tường bê tông chặn đường thoát nước

Đêm 14, rạng sáng 15/10/2022, người dân Đà Nẵng mất ngủ. Nhiều khu vực nằm giữa nội thành chìm trong biển nước. Đường sá thành sông, nước chảy cuộn siết, cuốn trôi nhiều vật dụng, hàng hóa của người dân.

Trong đêm tối như mực vì cúp điện, nhiều người cuống cuồng chạy lụt. Hàng loạt ô tô, xe máy ngập nước, không nổ được máy, vứt bỏ đầy đường. Tiếng kêu cứu diễn ra khắp nơi. Kêu cứu xung quanh không được, nhiều người lên mạng xã hội cầu cứu. Người bu leo lên cây, kẻ bám nóc nhà… Hầm chui Điện Biên Phủ chìm trong biển nước và sáng hôm sau, đơn vị có trách nhiệm phải dùng máy bơm để hút nước.

Sống ở Đà Nẵng đã hơn chục năm qua, đây là lần đầu tiên, anh Trần Thành Nhân (quận Thanh Khê) chứng kiến ngôi nhà của mình ngập sâu đến thế, không chạy kịp có khi chết đuối. “Sáng ra, nước vẫn chưa rút, thật khủng khiếp”, anh Nhân thất thần.

Còn chị Ngô Thị Nhung (quận Liên Chiểu) cho biết, từ lúc cha sinh mẹ đẻ đến giờ, chị mới thấy nước ngập sâu đến thế. “Toàn bộ bàn ghế mà tôi buôn bán hàng ngày ở phường Hòa Minh đã bị cuốn phăng theo dòng nước”, chị Nhung cho hay.

Tại Đà Nẵng, có một công trình thường xuyên bị ngập sau mỗi trận mưa lớn. Đó là hầm chui Điện Biên Phủ. Hầm chui này đặt tại nút giao thông khác mức Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, có tổng mức đầu tư 118 tỷ đồng, là công trình giao thông chào mừng sự kiện APEC 2017 tại Đà Nẵng. Thế nhưng, vừa đưa vào vận hành, hầm chui này đã ngập nặng.

Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng (chủ đầu tư) phải trang bị thêm hệ thống máy bơm trị giá 7 tỷ đồng để chống ngập. Nhưng có thời điểm xảy ra ngập nước, người và phương tiện đang bì bõm trong hầm thì hệ thống bơm tự động lại không chạy.

Đau lòng hơn, trận ngập lụt lịch sử này đã cướp đi 7 mạng người, 1 người mất tích. Nhiều người thoát chết nhờ được các lực lượng cứu hộ dầm mình trong biển nước để trợ giúp.

Ông Nguyễn Cửu Loan, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP. Đà Nẵng cho biết, việc đô thị hóa ngay ở trung tâm thành phố, mà nền tảng lại là đô thị cũ, dẫn đến hệ thống tiêu thoát nước bị tắc nghẽn, gây ngập úng.

Mặc dù thành phố có đầu tư nạo vét, nhưng việc này không được làm một cách đồng bộ, bài bản, khoa học. Mặt khác, trong quá trình xây dựng đô thị, thì rác, xà bần… cũng là tác nhân gây ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước. Một vấn đề đặt ra nữa là nước sinh hoạt sau khi xả vào hệ thống mương, được thu gom lại ở hồ chứa ngầm. Trong khi đó, mạch nước ngầm ngày càng bị biến đổi. Lý do là nhiều nhà ở cao tầng theo thời gian sụt lún, tạo thành những cái “võng nước”, gây ngập úng.

Theo ông Loan, có nhiều tác nhân dẫn đến ngập nước tại Đà Nẵng và các thành phố ven biển. Ngoài nguyên nhân do biến đổi khí hậu, các nhà máy thủy điện xả nước ở đầu nguồn, lượng mưa lớn kéo dài, triều cường… thì có nguyên nhân tốc độ “bê tông hóa” diễn ra quá nhanh.

KTS. Nguyễn Thị Hồng Diệp, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia cho rằng, Việt Nam đang thiếu cơ sở khoa học để xây dựng mô hình và các giải pháp cấu trúc đô thị, trong đó có đô thị sinh thái du lịch ven biển.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị ven biển còn nhiều lúng túng, nhất là việc cấp phép xây dựng các tổ hợp công trình cao tầng quy mô lớn.

“Việc quản lý đô thị du lịch ven biển hiện nay chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các loại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển du lịch, quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch môi trường với quy hoạch đô thị đối với các tuyến đường ven biển nói chung và các đô thị ven biển nói chung. Đất xây dựng đô thị du lịch ven biển đang có xu thế phát triển lan rộng khó kiểm soát, thôn tính hầu hết các vùng cảnh quan có giá trị ở ven biển.

Khu vực trung tâm có giá trị đất cao nên ngày càng tập trung nhiều công trình cao tầng, trong khi chính quyền chưa kịp chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như giao thông, cấp thoát nước. Nhiều khu vực đô thị ven biển từng ngập nặng do rừng bê tông chắn kín đường thoát nước ra biển”, bà Hồng Diệp phân tích.

Đường phố biến thành sông, xe chết máy bỏ giữa đường. Ảnh: Nhiệt Băng.
Đường phố biến thành sông, xe chết máy bỏ giữa đường. Ảnh: Nhiệt Băng.

Phố núi cũng “bơi” trong nước lũ

Ngập úng khi có mưa lớn không chỉ xảy ra ở các đô thị ven biển, mà còn xuất hiện ở những thành phố trên cao như Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum).

Thời gian qua, tại phường 9 (TP. Đà Lạt), người dân liên tục ca thán về tình trạng ngập úng khi có mưa lớn. UBND TP. Đà Lạt mới đây đã yêu cầu Công ty cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt khẩn trương khảo sát ngay những vị trí có nguy cơ cao gây cản trở dòng chảy dọc suối Cam Ly để ưu tiên nạo vét trước, hạn chế thấp nhất việc ngập úng.

Theo UBND TP. Đà Lạt, một số vị trí ngập cục bộ khi xảy ra mưa lớn đã làm ảnh hưởng đến tài sản, đời sống của nhân dân, tạo ra dư luận không tốt trong xã hội, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của thành phố. Điển hình là cơn mưa vào chiều 1/9/2022 làm ngập úng cục bộ khu vực đường Phan Đình Phùng.

Ông Tôn Thiện San, Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt thừa nhận, tình trạng lấn chiếm, xây dựng công trình, nhà kính vi phạm hành lang chỉ giới suối, làm thu hẹp dòng chảy, gây ra ngập úng cục bộ. Bên cạnh đó, tình trạng vứt rác, đổ rác xuống suối vẫn xảy ra (rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp, vật liệu xây dựng…). Mương, suối chưa được phát quang, cống thoát nước chưa được nạo vét. Nhiều hộ dân lấp các hố thu nước mưa, làm hạn chế việc thoát nước.

Cũng theo ông San, một số công trình chậm tiến độ, không đồng bộ, chưa có giải pháp thi công phù hợp, gây ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước và việc xử lý vi phạm hành lang chỉ giới suối tại một số địa phương chưa nghiêm…

Thực tế, nhiều năm nay, vấn nạn ô nhiễm nguồn nước, rác thải ở suối Cam Ly diễn ra rất nghiêm trọng, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp căn cơ để xử lý triệt để. Ngoài những họng cống xả thẳng ra suối, Cam Ly còn phải “ăn” đầy rác thải sinh hoạt, không ai vớt dọn, đọng lại thành những mảng lớn, gây ô nhiễm khủng khiếp.

Điều lạ là, tình trạng ngập úng không phải bây giờ mới diễn ra, nhưng ngày 5/9/2022 vừa qua, UBND TP. Đà Lạt mới giao Phòng Quản lý đô thị khảo sát, tham mưu thành phố triển khai quy hoạch, đầu tư hạ tầng liên quan đến hệ thống thoát nước, hệ thống mương, suối trên địa bàn.

Theo KTS. Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners, hơn 10 năm nay, Đà Lạt có xu hướng phát triển ít bền vững khi đô thị hóa quá nhanh, ảnh hưởng thoát nước.

“Đà Lạt có địa hình cao, cộng với việc phá rừng, giảm mạnh không gian xanh và diện tích bê tông hóa tăng, khi mưa lớn cùng độ dốc khiến nước thoát xuống một chỗ quá nhanh sẽ không có cống nào thoát kịp, dẫn đến ngập úng”, ông Sơn nói.

Tương tự, tại phố núi Kon Tum, chỉ sau hơn 1 giờ mưa lớn vào chiều ngày 2/10, hàng loạt tuyến đường và khu dân cư ở thành phố này cũng ngập nặng.

Người dân phường Thống Nhất, một địa điểm bị ngập tại TP. Kon Tum cho rằng, mật độ đô thị tăng nhanh, trong khi hệ thống thoát nước cũ kỹ, quá tải, là nguyên nhân dẫn đến ngập cục bộ.

Tình trạng hễ mưa là ngập ở các đô thị từ biển đến núi cho thấy hậu quả của phát triển đô thị nóng, thiếu tầm nhìn, mạnh ai nấy làm. Nhà thì xây rõ cao, nhưng hạ tầng vẫn thế. Nếu các đô thị vẫn phát triển thiếu bài bản thì còn xảy ra nhiều hệ lụy khác nữa.

(Còn tiếp)

Nhiệt Băng - Thanh Chung
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục