Bất an với đà tăng của cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Thăng Long (TLD)

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị giá cổ phiếu TLD của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Thăng Long đã tăng hơn 3 lần trong 4 tháng qua dường như chỉ nhờ thông tin… sẽ tăng vốn.
Bất an với đà tăng của cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Thăng Long (TLD)

E ngại sau kết quả kinh doanh tăng trưởng

Nửa đầu năm 2020, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Thăng Long báo cáo doanh thu hợp nhất 212,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 8,03 tỷ đồng, lần lượt tăng 35,2% và 96,3% so với cùng kỳ 2019.

Chỉ nhìn vào con số doanh thu, lợi nhuận thì đây là kết quả khá tích cực. Tuy nhiên, nhìn sâu vào báo cáo tài chính, có thể thấy nhiều vấn đề đe dọa triển vọng tăng trưởng của Công ty.

Thứ nhất, trong ba mảng kinh doanh, hoạt động thương mại dù là động lực tăng trưởng doanh thu (với mức tăng 37,9% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm nay) và đóng góp 55% vào cấu trúc doanh thu, nhưng chỉ mang về 112 triệu đồng lợi nhuận gộp.

Đóng góp doanh thu lớn nhưng hầu như không đem về lợi nhuận là câu chuyện không mới của mảng kinh doanh này. Trước đó, trong năm 2019, mảng thương mại đóng góp 52,3% doanh thu của Công ty, song lợi nhuận gộp chỉ đạt 18 triệu đồng.

Lợi nhuận nửa đầu năm nay của Công ty được kéo lại chủ yếu nhờ mảng bán thành phẩm sản xuất. Biên lợi nhuận gộp của mảng này đã tăng vọt lên 27% từ mức 5,5% cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy, mảng hoạt động này cũng có vấn đề khi doanh thu giảm 31,5% so với cùng kỳ, chỉ đạt 40,8 tỷ đồng.

Cùng với đó, mảng xây dựng đạt doanh thu 37,7 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 3,9 tỷ đồng, lần lượt tăng 4,9 lần và 3,9 lần so với cùng kỳ.

Những năm qua, dù duy trì biên lợi nhuận ổn định quanh mức 10%, nhưng doanh thu mảng xây dựng của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Thăng Long có sự biến động khá thất thường.

Năm 2018, doanh thu mảng này tăng trưởng 80,8%, nhưng năm 2019 lại suy giảm 57% trước khi tăng trưởng trở lại trong nửa đầu năm nay.

Bên cạnh việc các mảng kinh doanh chính đang cho thấy những khó khăn, cấu trúc tài chính, dòng tiền của Công ty cũng có những điểm đáng e ngại.

Trong nửa đầu năm nay, dòng tiền kinh doanh của Công ty kém khả quan hơn khi âm gần 43,6 tỷ đồng do các khoản phải thu gia tăng, tồn kho ở mức cao, còn khoản mục chiếm dụng vốn thông qua các khoản phải trả lại giảm mạnh. Nợ vay tăng lên 109,1 tỷ đồng, chiếm gần 1/4 nguồn vốn tính đến cuối quý II/2020.

Lịch sử có lặp lại?

Báo lãi tốt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh là yếu tố tích cực tại Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Thăng Long.

Nhưng, với quy mô lợi nhuận khiêm tốn cũng như những vấn đề còn tồn tại quanh bức tranh tài chính, kinh doanh, sự tăng trưởng về kết quả kinh doanh khó có thể là lý do thuyết phục cho đà tăng của giá cổ phiếu.

Việc Công ty được giao làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Song Phượng (có diện tích 5,8 ha) trên địa bàn huyện Đan Phượng, Hà Nội, với tổng mức đầu tư 164,5 tỷ đồng cũng khó có thể là nguyên nhân.

Bởi lẽ, dự án đã được phê duyệt từ tháng 10/2019.

Khi đó, thị giá cổ phiếu TLD hầu như không phản ứng trước thông tin này và đến nay cũng chưa có thêm thông tin gì từ Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Thăng Long về dự án.

Diễn biến đáng chú ý nhất là Công ty tiến hành chào bán 19,36 cổ phiếu, trong đó gần 9,36 triệu cổ phiếu bán cho cổ đông hiện hữu và 10 triệu cổ phiếu bán cho nhà đầu tư bên ngoài, với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nhằm huy động vốn cho dự án Nhà máy ván ép tại Quảng Bình.

Cụ thể, ngày bắt đầu chào bán là 30/6/2020 và ngày kết thúc là 10/9/2020. Đợt chào bán đã hoàn thành với tỷ lệ bán thành công 99,72%.

Tuy vậy, đây không phải là dự án đầu tư mới, mà đã được Đại hội đồng cổ đông bất thường của Công ty thông qua từ cuối tháng 12/2018 cùng với kế hoạch huy động vốn (vừa hoàn thành).

Theo thông tin giới thiệu của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Thăng Long, đây là nhà máy sản xuất ván ép phủ phin và ván ép phủ keo đỏ với công suất 60.000 m3/năm.

Triển vọng kinh doanh nhà máy là dấu hỏi lớn trong bối cảnh tình hình tiêu thụ hàng hóa, thành phẩm thuộc lĩnh vực này của Công ty đang có không ít khó khăn.

Trong khi triển vọng kinh doanh chưa rõ ràng, việc tăng vốn điều lệ lên hơn 2 lần hiện nay chắc chắn sẽ khiến các chỉ số hiệu quả hoạt động bị pha loãng thêm.

Nếu TLD hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm nay thì sau khi tăng vốn thành công, với thị giá như hiện nay, P/E của cổ phiếu lên đến gần 25 lần.

Giả định Công ty sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế 23,5 tỷ đồng trong năm nay thì sau khi tăng vốn thành công, với thị giá như hiện nay, bội số giá trên thu nhập (P/E) của cổ phiếu TLD lên đến gần 25 lần.

Đầu năm 2017, trước khi lên niêm yết, Công ty đã tăng vốn điều lệ từ 95 tỷ đồng lên 180 tỷ đồng. Sau khi tăng vốn, quy mô tài sản, nguồn vốn tăng mạnh, nhưng lợi nhuận năm 2018 tăng chậm, thậm chí suy giảm trong năm 2019.

Diễn biến này đã tạo sức ép đáng kể lên các chỉ số đánh giá hiệu quả kinh doanh, thị giá cổ phiếu TLD đã giảm từ mức đỉnh hơn 20.000 đồng/cổ phiếu sau khi niêm yết về chỉ còn hơn 4.000 đồng/cổ phiếu cho đến đầu năm nay.

Lần này, lịch sử rất có thể sẽ lặp lại.

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục