Bấp bênh đời môi giới

(ĐTCK-online) Môi giới chứng khoán: công việc lý tưởng một thời bây giờ lại trở thành thứ nhiều người chối bỏ. Nhưng không ít người đang phải ở lại một cách bất đắc dĩ do dính dáng nợ nần.
Bấp bênh đời môi giới

Mấy ngày gần đây, V, một môi giới chuyên nghiệp tại CTCK tên tuổi trên thị trường đôn đáo hỏi thăm người quen xem có biết một doanh nghiệp tư nhân nào để có thể nhờ đóng bảo hiểm xã hội. Vẫn có chỗ đi làm nhưng công ty lại từ chối đóng bảo hiểm do V không đạt doanh thu phí môi giới tối thiểu 5 tỷ đồng/tháng. Khoản hoa hồng gắn với doanh thu từng là động lực chính thúc đẩy các môi giới tìm kiếm khách hàng ngày nào bây giờ lại trở thành gánh nặng. Khi thị trường giao dịch từ 2.500 - 3.000 tỷ đồng/phiên thì đó không phải là vấn đề quá lớn. Nhưng từ đầu năm tới nay, cả hai sàn giao dịch tròm trèm 1.000 tỷ đồng/phiên khiến các môi giới không đạt chỉ tiêu.

"Mặc dù là môi giới chuyên nghiệp có thâm niên, nhưng chỉ 2 tháng không hoàn thành chỉ tiêu sẽ bị công ty đẩy từ vị trí chính thức xuống cộng tác viên và không được đóng bảo hiểm", V nói với Đầu tư Chứng khoán. Nhưng môi giới này vẫn là người may mắn khi cô không dính dáng đến nợ nần.

Qua những giai đoạn chìm nổi trong năm 2010, những điểm đáy khó khăn trên TTCK đã qua đi. Nhưng đợt sụt giảm ròng rã từ tháng 4 sang tháng 5/2011 mới thực sự là cú nốc ao đối với nhiều môi giới chứng khoán. M, nguyên Trưởng phòng đầu tư CTCK V đã phải bán căn hộ chung cư tại Mỹ Đình để xử lý khoản nợ ngót nghét 10 tỷ đồng với chính CTCK anh đang làm. Là lãnh đạo phụ trách mảng đầu tư, anh được CTCK ưu ái cho vay với tỷ lệ margin cao. Vốn đi lên từ chứng khoán, nhiều người thân, bạn bè tin tưởng gửi tiền vào tài khoản của M nhờ đầu tư giúp. Qua tài khoản của M, số tiền margin được cho vay với tỷ lệ cao hơn. Tuy nhiên, diễn biến thị trường không thuận lợi khiến những người nhanh nhạy thông tin như anh cũng không xử lý kịp. Giải trình với công ty rằng khoản âm trên tài khoản của mình bao gồm cả tài sản của các NĐT khác nhưng M không được chấp nhận. Trước khi ra đi, anh phải chạy đôn, chạy đáo để nộp lại khoản nợ quá lớn mà không biết khi nào mới khắc phục được hậu quả.

Cộng đồng môi giới đang truyền tai nhau câu chuyện tại CTCK P. Một số môi giới tại đây bị buộc phải ký hợp đồng với CTCK làm việc không xác định thời hạn. Tuy nhiên, toàn bộ khoản tiền lương không được nhận mà phải dành để trả nợ khoản vay đầu tư chứng khoán bị thua lỗ của chính CTCK. Một trường hợp khác không dính đến nợ nần, nhưng CTCK cũng không dễ dàng để cho nhân viên ra đi. Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán thì các môi giới được CTCK ủy quyền quyết định tỷ lệ margin. Tùy từng đối tượng khách hàng mà mức cho vay cao hay thấp. Khi khách hàng phá sản, mặc dù không trực tiếp vay nhưng nhân viên tại CTCK cũng phải ở lại theo dõi, giám sát các khoản nợ xấu để tìm cách thu hồi.

Từ chỗ thu nhập vài chục triệu đồng một tháng đến lúc ngồi chơi là điều khó chấp nhận với các môi giới vốn được xem là những người nhạy bén, năng động. TTCK thoái trào, H rời bỏ nghề môi giới chứng khoán nhưng vẫn giữ mối liên hệ với các NĐT. Nắm bắt nhu cầu tìm kênh đầu tư của các NĐT, H tiếp cận một sàn giao dịch vàng quốc tế làm đại lý. Mặc dù sàn vàng trong nước bị cấm nhưng sàn giao dịch vàng chui "đánh" ra quốc tế vẫn mọc lên như nấm sau mưa. Thủ tục trở thành đại lý thật đơn giản, vấn đề của H là lôi kéo NĐT đến giao dịch. Lệnh nhỏ, tỷ lệ chiết khấu lớn (50% tiền phí), đại lý của H trở thành nơi hút nhiều NĐT. Do may mắt bắt đúng sóng, các NĐT mở tài khoản thông qua đại lý của H thắng khá lớn. Thật trớ trêu khi mọi công việc đang suôn sẻ, H bị chủ sàn vàng ép sử dụng một phần mềm giao dịch khác không thuận lợi cho việc mua bán. Khách hàng sử dụng phần mềm này liên tiếp thua lỗ nên bỏ dần. Tìm hiểu, H mới biết chủ sàn vàng không chuyển lệnh ra thế giới mà ôm lại. Do đó, nếu khách hàng thắng thì chủ sàn sẽ thua thiệt. Vì thế, nhóm NĐT của H đã bị ép cho nghỉ chơi vì liên tục thắng. Bây giờ thì H thực sự thất nghiệp và đợi chờ thời hoàng kim của chứng khoán trở lại.

Có thể nói, nghề môi giới đang ở thời điểm nghiệt ngã và sàng lọc rất ghê gớm. Khó khăn chung của thị trường tác động đến nhiều thành phần tham gia, do đó cần sự cảm thông, chia sẻ từ CTCK đối với các môi giới để đội ngũ này có thể bước qua giai đoạn khó khăn. 

Trần Trung
Trần Trung

Tin cùng chuyên mục