Bấp bênh doanh nghiệp du lịch ngày trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau một năm gần như tê liệt vì dịch bệnh, các doanh nghiệp lữ hành, hàng không đã kiệt sức, trong khi con đường trở lại vẫn bấp bênh.
Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không vẫn thấp. Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không vẫn thấp.

Rục rịch trở lại

Ngành du lịch đang bước vào mùa cao điểm, nhu cầu đi lại của hành khách tăng lên trong giai đoạn cuối năm 2021 và lễ, Tết 2022. Các hãng hàng không, lữ hành đã triển khai các chương trình khuyến mại mua tour giá rẻ, săn vé 0 đồng, vé máy bay từ 8.000 đồng… để kích cầu, khai thác cơ hội từ thị trường.

Nhiều tour du lịch nội địa tới những “vùng xanh” đang thu hút khách như tour Cần Giờ - Củ Chi (TP.HCM), Đồng Tháp, Đà Lạt, Tây Nguyên, Tây Bắc. Các chặng bay đi Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng… dần đông khách hơn.

Hãng hàng không Vietravel Airlines đã chính thức trở lại bầu trời, mở bán vé từ ngày 6/12/2021. Ông Nguyễn Vũ Hoàng, Giám đốc Ban Tiếp thị và truyền thông Vietravel Airlines cho biết, trước mắt, hãng sẽ tập trung vào hai chặng bay có lưu lượng khách hàng tốt và tỷ lệ lấp đầy cao là TP.HCM - Hà Nội và TP.HCM - Phú Quốc.

Hãng cũng đẩy mạnh khai thác các chuyến bay kết nối điểm đến du lịch lớn như Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hoà), Phú Quốc (Kiên Giang), Quy Nhơn (Bình Định) trong dịp Tết, khi nhu cầu của người dân tăng cao.

Tại TP.HCM, khu vực kinh tế sôi động nhất cả nước, du lịch đang hồi phục mạnh mẽ. Ngày hội Du lịch TP.HCM diễn ra từ 4/12 và kéo dài trong 20 ngày với chủ đề “Điểm đến xanh, hành trình sôi động” đã thu hút 120 đơn vị tham gia, trong đó có 40 tỉnh, thành phố và 80 doanh nghiệp du lịch, khách sạn, điểm tham quan vui chơi giải trí. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng nhấn mạnh, thị trường nội địa giữ vai trò chủ lực của giai đoạn phục hồi ngành du lịch trong năm 2022.

Du lịch quốc tế dự báo sẽ được khôi phục dần khi Chính phủ đồng ý với kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế với các khu vực có hệ số an toàn cao từ đầu năm 2022. Các chặng bay trước mắt có thể khôi phục là Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Hoa Kỳ), trên cơ sở có hướng dẫn của Bộ Y tế.

Hoạt động này vừa để Việt Nam không tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực, vừa tạo điều kiện cho người Việt hồi hương trong bối cảnh Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp đến.

Khó khăn, thách thức chất chồng

Sau một thời gian ngủ đông, doanh nghiệp lữ hành, hàng không rục rịch phục hồi hoạt động. Tuy nhiên, con đường trở lại của các doanh nghiệp ngành này vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Trong đó, thách thức lớn nhất là tỷ lệ hấp thụ của thị trường còn yếu. Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho hay, nhu cầu thị trường hàng không nội địa vẫn ở mức yếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Sau những đợt bùng phát dịch bệnh trước đây, hệ số sử dụng ghế các tàu bay của Vietnam Airlines nhanh chóng đạt mức 95 - 96%, nhưng hiện nay, hệ số sử dụng ghế của đường bay Hà Nội - TP.HCM, đường bay nội địa quan trọng nhất chỉ đạt 62 - 65%.

Lãnh đạo Vietnam Airlines thông tin, nhu cầu yếu của hàng không nội địa còn thể hiện ở mức giá vé trung bình giảm 15% so với năm 2020 và giảm 35% so với năm 2019.

Tại Đại hội cổ đông bất thường của Vietnam Airlines, diễn ra vào ngày 14/12 vừa qua, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Tổng công ty đã thẳng thắn nhìn nhận, năm 2021, ngành hàng không gặp khó khăn hơn rất nhiều so với năm 2020, năm đầu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Doanh nghiệp hàng không, du lịch đang trở lại thị trường với một sức khỏe tài chính kém. Nhiều doanh nghiệp đã kiệt sức sau thời gian dài căng mình chống chịu với ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tại Công ty cổ phần Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải (Vietravel, mã chứng khoán VRT) báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2021 cho thấy, trong quý II/2021, dù doanh thu tăng 62% nhờ cải thiện doanh thu khác và bán vé máy bay, nhưng do kinh doanh dưới giá vốn nên Công ty lỗ gộp 95 tỷ đồng, lỗ sau thuế 217 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu của Vietravel là 609 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái và thua lỗ 289,5 tỷ đồng.

Tính đến 30/6/2021, Vietravel lỗ lũy kế 324,5 tỷ đồng, vượt vốn góp của chủ sở hữu (vốn góp chủ sở hữu 172 tỷ đồng). Nợ phải trả là hơn 2.067 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 116 tỷ đồng.

Vietravel đã chịu khó khăn kép khi cả hai mảng kinh doanh chính là lữ hành và hàng không đều tê liệt trong một thời gian dài.

Quý III/2021, Vietnam Airlines lỗ 3.369 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm lỗ 11.827 tỷ đồng.

Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng có sức khỏe tài chính đang xấu đi. Trong quý III/2021, Vietnam Airlines lỗ 3.369 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm lỗ 11.827 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 30/9/2021, lỗ lũy kế của Công ty là 21.199 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu là 1.457 tỷ đồng, giảm 311% so với đầu năm.

Vietnam Airlines đã tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng vào quý III/2021 nên vốn chủ sở hữu đã chuyển từ âm sang dương. Nợ phải trả của Tổng công ty đang là 65.600 tỷ đồng, chiếm đến 97,8% tổng tài sản.

Nỗ lực tái cấu trúc

Vietnam Airlines hiện đang tiến hành tái cơ cấu trên nhiều phương diện để có “sức khỏe” tốt đón đầu cơ hội hồi phục của thị trường. Hãng đã tái cơ cấu đội bay, đàm phán với các bên cho thuê tàu bay để giãn, hoãn tối đa thời hạn thanh toán tiền thuê, giảm tiền thuê gắn liền với gia hạn thời gian thuê, đàm phán đẩy lùi lịch nhận các tàu bay mới, huỷ một số hợp đồng các tàu bay chưa nhận.

Công ty lên kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, đồng thời huy động nguồn vốn từ bên ngoài thông qua các kênh phát hành trái phiếu, vay thương mại từ các tổ chức tín dụng trong nước.

Khi trở lại với hoạt động kinh doanh lữ hành và hàng không, Vietravel đang nỗ lực tối ưu hóa chi phí và đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân. Mới đây, Công ty đã triển khai các sản phẩm tour tuyến mới.

Vietravel tham gia cùng chương trình khảo sát du lịch Tây Bắc diễn ra từ ngày 6 - 12/12/2021 do UBND TP.HCM, Sở Du lịch TP.HCM tổ chức.

Tiềm năng du lịch Tây Bắc còn lớn và là địa chỉ an toàn cho du khách, phát triển du lịch Tây Bắc trong giai đoạn hiện nay được xem là rất phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, du khách có xu hướng chọn điểm đến gần gũi với thiên nhiên, đi theo nhóm với số lượng từ 6 - 8 khách với những người thân quen để đảm bảo an toàn.

Các hãng hàng không, lữ hành đang tận dụng mùa cao điểm cuối năm để vớt vát lại doanh thu, lợi nhuận bù đắp cho một năm kinh doanh buồn tẻ.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông và Marketing Công ty cổ phần Du lịch và thương mại TST (TST Tourist)

Sau khi khoảng thời gian kết nối hoạt động du lịch của TP.HCM với các địa phương lân cận như Tây Nam Bộ, miền Trung và gần đây là Tây Bắc, chúng tôi gặp nhiều khó khăn do sự không đồng bộ giữa các địa phương trong quản lý giám sát đi lại, hướng dẫn với F1, F0 khác nhau. Các công ty du lịch đang phối hợp với địa phương hướng đến tạo sự thuận tiện nhất cho du khách.

Hiện nay, lượng khách đang tăng lên, đặc biệt thị trường gần TP.HCM như Long An, Tây Nam Bộ, xa hơn là Điện Biên.

Tại TST Tourist hiện có 40% nhân sự trở lại làm việc. Nếu tình hình kinh doanh từ nay đến giữa năm 2022 khởi sắc, nối lại tour du lịch nước ngoài thì khả năng 80% nhân sự trở lại.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục