Quan điểm trên đã được các chuyên gia đưa ra tại Tọa đàm "Kiểm soát nguồn vốn vào bất động sản - Chính sách và tác động” do Báo Xây dựng tổ chức ngày 11/5, trong bối cảnh nguồn vốn vào lĩnh vực bất động sản đang bị siết chặt suốt thời gian dài.
Ngay từ đầu Tọa đàm, ông Nguyễn Anh Dũng - Tổng biên tập Báo Xây dựng nhấn mạnh tâm thái lo lắng khi có quá nhiều chuyên gia và thành viên thị trường liên tục gửi tới Bộ xây dựng những kiến nghị đề xuất việc thực thi chính sách không quá mức và “Đừng để ‘đánh chuột lại làm vỡ bình’ có thể xảy ra như cách đây hơn chục năm.
"Dự báo, sẽ có hàng loạt doanh nghiệp tiếp tục lâm vào tình trạng khó khăn nếu không tiếp cận được nguồn vốn để hoạt động. Giá nhà đất có thể leo thang và cơ hội tiếp cận với nhà ở của người dân sẽ giảm, trái ngược với mục tiêu mà chúng ta đang theo đuổi. Thậm chí, những tác động tiêu cực có thể ở mức độ cao hơn ảnh hưởng dây chuyền đến cả hệ thống nền kinh tế nói chung, gây khó khăn cho quá trình phục hồi kinh tế hậu Covid-19", ông Dũng cho biết.
Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Bùi Xuân Dũng cho biết, bất động sản đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Trong những năm qua, sự phát triển của thị trường bất động sản đang góp phần thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản có định hướng cho nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của nhân dân. Tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời đóng góp quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đô thị, du lịch.
Có thể thấy, thị trường bất động sản có những đóng góp hết sức quan trọng trong nền kinh tế, liên quan mật thiết đến các ngành nghề kinh tế lớn như du lịch, tài chính, xây dựng… và có sức lan tỏa đến trên 30 ngành nghề.
Tuy nhiên, trong năm 2021 và đầu năm 2022, nguồn cung bất động sản tại các địa phương trên cả nước đều hạn chế và có xu hướng giảm rõ rệt, đặc biệt thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp. Trong khi đó, giá nhà ở bất động sản tăng cao so với nguồn thu nhập của người dân.
Thị trường bất động sản liên quan mật thiết và có ảnh hưởng qua lại đến các thị trường vốn như thị trường tín dụng, chứng khoán, trái phiếu, thu hồi vốn đầu tư nước ngoài… Sự phát triển của thị trường vốn sẽ góp phần phát triển thị trường bất động sản; và ngược lại, thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh sẽ đảm bảo sự ổn định, an toàn cho thị trường vốn.
Do đó, việc kiểm soát nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản là giải pháp vô cùng quan trọng để giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững. Tuy nhiên, việc tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cũng là giải pháp thúc đẩy, tăng cường nguồn cung cho thị trường và giảm giá bất động sản cũng quan trọng không kém.
TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, thị trường bất động sản là cầu nối các ngành, thị trường trong chuỗi giá trị với hệ số lan tỏa từ 0,5 - 1,7 lần. Riêng năm 2021, 4 ngành lớn có liên quan nhiều là xây dựng (5,95% GDP), du lịch (1,97% GDP), lưu trú (1,71% GDP), tài chính - ngân hàng (4,62% GDP). Cũng trong năm này, kinh doanh bất động sản đóng góp 3,58% tổng GDP.
Cũng theo ông Lực, thị trường bất động sản xếp thứ hai về thu hút vốn nước ngoài, chiếm khoảng 10% FDI đăng ký mới hàng năm. Lũy kế đến hết tháng 4 vừa qua, vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản đạt gần 65 tỷ USD, chiếm 15,3% tổng vốn FDI đăng ký. Thị trường bất động sản là một trong 20 ngành kinh tế cấp 1, xếp thứ 9 về quy mô giá trị.
TS Lực cho rằng, thị trường vốn đang có sự tồn tại của tứ giác liên thông: bảo hiểm - ngân hàng - chứng khoán - bất động sản quan hệ chặt chẽ với nhau. Vì lẽ đó, đẩy mạnh phát triển thị trường vốn tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản huy động nguồn vốn dài hạn là rất cần thiết.
Ông Lê Hoàng Hoán - Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Tập đoàn Đất Việt, các doanh nghiệp bất động hiện nay phụ thuộc trước hết và chủ yếu vào vốn tín dụng ngân hàng. Do đó, để thị trường bất động sản sớm phục hồi sau đại dịch Covid - 19, một mặt góp phần vào sự phục hồi chung của nền kinh tế, mặt khác tạo tiền đề cho những ngành kinh tế liên quan tăng trưởng thì cần tập trung đảm bảo nguồn vốn, ưu đãi tín dụng cho vay bất động sản.
Nguồn vốn tín dụng là một trong những nhân tố thúc đẩy sự tăng trưởng thị trường bất động sản, do vậy, những động thái thắt chặt hay nới lỏng của chính sách tín dụng đều ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản. Do đó, việc hoàn thiện chính sách tín dụng đối với thị trường bất động sản là nội dung quan trọng nhằm khơi thông dòng vốn, đảm bảo sự phát triển của thị trường theo hướng minh bạch, ổn định.
“Không nên thực thi chính sách siết chặt nguồn vốn vào bất động sản theo kiểu cào bằng, chung chung cho tất cả các dự án, mà cần phân loại dự án để có hướng quản lý phù hợp mà không gây tác động xấu tới thị trường. Tình trạng thiếu nguồn cung của thị trường bất động sản đã được phát hiện và cảnh báo liên tục từ năm 2020 đến nay. Hàng loạt dự án không thể nhúc nhích vì vướng cơ chế, chính sách, không ai dám phê duyệt. Nay nếu doanh nghiệp bị cắt tín dụng thì các dự án dù có được phê duyệt cũng sẽ không thể triển khai” ông Hoán chia sẻ.
Thực tế, nhu cầu đầu tư vào bất động sản đang tăng mạnh, không chỉ tiêu dùng mà cả kinh doanh, giao dịch. Do đó, giải pháp để cân bằng thị trường lúc này là phải điều tra, đánh giá để phân loại các dự án.
Cụ thể, những dự án có thể tạo nguồn cung, có tính thanh khoản cao thì cần tiếp tục đảm bảo cấp tín dụng. Những dự án không có khả năng thanh khoản, đặc biệt là những dự án hình thành trong tương lai, không có khả năng tạo nguồn cung thì phải siết, chờ thị trường ổn định rồi mới xem xét tiếp.