Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã bổ sung quy định người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Tiếp tục phiên họp thứ 20, sáng 15/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo và cho ý kiến về một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và Môi trường của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) Lê Quang Huy cho biết, sau khi Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư, một số vấn đề đã được thống nhất tiếp thu, chỉnh lý, trong đó có quy định về trách nhiệm của người tiêu dùng.
Thảo luận tại kỳ họp thứ tư, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung một khoản quy định về nghĩa vụ theo hướng người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình đưa ra, có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.
Cho rằng ý kiến đại biểu là xác đáng, Thường trực cơ quan thẩm tra nêu, trên thực tế, một số trường hợp người tiêu dùng lạm dụng quyền của mình trong việc phản hồi, đánh giá và đưa thông tin sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, gây ảnh hưởng đến uy tín, lợi ích hợp pháp của cá nhân, của tổ chức kinh doanh. Do đó, việc bổ sung quy định này sẽ là cơ sở để phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và giúp người tiêu dùng thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với hoạt động mua, bán và sử dụng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung khoản 3 Điều 5 về trách nhiệm của người tiêu dùng, cụ thể: “Bảo đảm cung cấp chính xác, đầy đủ về các nội dung thông tin liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ theo quy định của pháp luật”.Trường hợp người tiêu dùng đưa thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến uy tín, lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật về dân sự hoặc pháp luật có liên quan.
Ông Huy cũng báo cáo đề cần xin ý kiến, đó là về khái niệm người tiêu dùng, có 2 loại ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức trong dự thảo Luật, vì trên thực tế, việc mua hoặc sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không chỉ là hoạt động của cá nhân, mà còn bao gồm cả tổ chức cho mục đích tiêu dùng, không vì mục đích thương mại.
Loại ý kiến thứ hai (cũng là quan điểm của Chính phủ) cho rằng, không cần thiết đưa “tổ chức” vào khái niệm “người tiêu dùng, vì theo báo cáo tổng kết thi hành Luật hiện hành của Bộ Công thương, trong suốt quá trình 10 năm tổ chức, thực hiện số lượng các tổ chức có khiếu nại, khiếu kiện đến các cơ quan nhà nước là rất ít.
Tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và nhiều ý kiến tham gia đều nghiêng về phương án 1.
Theo Chủ tịch Quốc hội, cần đánh giá thực tiễn thực thi pháp luật tại Việt Nam để có quy định vấn đề này phù hợp.
Luật hiện hành quy định bảo vệ cả cá nhân, tổ chức mà quyền lợi người tiêu dùng còn bị xâm phạm như vậy. Bây giờ bỏ tổ chức mà tổ chức lại là người tiêu dùng khá phổ biến tại Việt Nam thì có nên không?, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề và đề nghị phải “lý sự”, “đánh giá kỹ” hơn căn cứ lựa chọn để bảo vệ tốt nhất người tiêu dùng.
Vấn đề nữa được ông Vương Đình Huệ lưu ý là nội dung về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quy định khá kỹ lưỡng nghĩa vụ chưa được quy định đầy đủ.
Nhấn mạnh sự ngang bằng trách nhiệm trước pháp luật của các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các quy định của luật không được làm phương hại đến lợi ích của tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm, dịch vụ, nhất là chi phí tuân thủ pháp luật.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội bấm nút thông qua tại kỳ họp 5 (tháng 5/2023).