"Bão truyền thông" và chuyện bảo vệ cổ đông

(ĐTCK) Khi doanh nghiệp niêm yết gặp khủng hoảng truyền thông, hệ lụy đầu tiên là thị giá cổ phiếu sụt giảm, thậm chí giảm sàn liên tục.
Tâm lý đầu tư của các cá nhân thường bị ảnh hưởng bởi những tin đồn.

Việc đầu tiên là lên tiếng trấn an nhà đầu tư

Nhà đầu tư rất nhạy cảm với những thông tin có thể gây bất lợi cho doanh nghiệp, nhất là khi thông tin đó có tốc độ lan truyền chóng mặt nhờ sự phát triển của mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube… Doanh nghiệp bị khủng hoảng truyền thông, tức bị ảnh hưởng tiêu cực, bởi thông tin thất thiệt và cả thông tin chính xác.

Ngày 25/11/2021, ông Nguyễn Bảo Hoàng, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thủ Đức House, mã chứng khoán TDH) cùng một số lãnh đạo khác tại doanh nghiệp bị bắt vì có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu TDH ngày hôm đó giảm gần 3% và phiên sau đó giảm thêm 2,5%.

Sau khi có thông tin bất lợi, Thủ Đức House đã chủ động lên tiếng trấn an cổ đông, nhà đầu tư, khẳng định mọi hoạt động kinh doanh của Công ty vẫn diễn ra bình thường. Đồng thời, Thủ Đức House đang gấp rút thực hiện các thủ tục có liên quan theo quy định của pháp luật để tránh gây ảnh hưởng đến các hoạt động của Công ty trong thời gian tới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp gửi thư mời họp Đại hội đồng cổ đông nhằm kiện toàn nhân sự và Ban điều hành.

Giá cổ phiếu TDH đã kìm lại đà giảm và ngày 29/11/2021 bật tăng trần (tăng 6,9%), rồi tiếp tục tăng trong một số phiên tiếp theo.

Một doanh nghiệp bất động sản khác lên tiếng trấn an nhà đầu tư trước tin đồn thất thiệt là Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (Đất Xanh, mã chứng khoán DXG). Trong tháng 5/2022, trên mạng xã hội lan truyền thông tin ông Lương Trí Thìn từ nhiệm vị trí thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ bất động sản Đất Xanh (mã chứng khoán DXS) - một công ty thành viên của Đất Xanh. Thông tin này gây bất lợi cho cổ phiếu DXG khi giá giảm sàn ba phiên liên tiếp (ngày 12/5, 13/5 và 16/5/2022, mỗi phiên giảm 5 - 6%, từ 31.000 đồng/cổ phiếu xuống 25.000 đồng/cổ phiếu).

Xử lý khủng hoảng thông tin, ngày 16/5/2022, Tổng giám đốc Đất Xanh Bùi Ngọc Đức khẳng định, các tin lan truyền nhắm đến lãnh đạo cấp cao của Công ty là thất thiệt. Doanh nghiệp sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ các nguồn tin lan truyền này.

Đất Xanh cho rằng, các thông tin không chính xác trên thị trường đã gây hiểu nhầm cho một số nhà đầu tư và cổ đông. Đất Xanh đơn thuần cơ cấu lại thành viên Hội đồng quản trị DXS trước thềm cuộc họp đại hội cổ đông.

Sau khi Đất Xanh lên tiếng, cổ phiếu của Công ty đã bật xanh trở lại. Phiên giao dịch ngày 17/5/2022, mã DXG tăng 4,8%, lên 26.200 đồng/cổ phiếu và các phiên sau đó tiếp tục tăng, đến ngày 30/5 đạt 28.200 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, bao gồm thị trường chung giảm điểm, mã này có diễn biến giảm giá từ đó đến nay, ngày 17/6 còn 19.500 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC), khi một số lãnh đạo doanh nghiệp bị xử lý vì vi phạm pháp luật, Công ty đã ra thông cáo báo chí ngay trong đêm để trấn an nhà đầu tư, nhấn mạnh rằng, việc vụ việc vi phạm là câu chuyện của cá nhân, còn doanh nghiệp vẫn vận hành bám sát mục tiêu kinh doanh đề ra.

“Vụ việc hoàn toàn không tác động hoặc làm thay đổi các định hướng quan trọng của FLC trong hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh cũng như phát triển bền vững trong thời gian tới. Đồng thời, không ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, cổ đông cũng như các đối tác đang có giao dịch, hợp tác với Tập đoàn”, FLC cho biết.

Nhờ đó, tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn và giá cổ phiếu FLC có những phiên hồi phục. Cụ thể, sau 4 phiên giảm sàn (từ ngày 28 - 31/3/2022) thì phiên 4/4/2022, giá cổ phiếu này bật tăng trần (tăng 6,42%). Tuy nhiên, về diễn biến tiếp theo của cổ phiếu này, sau những thông tin ban đầu không được tích cực, thị giá có thêm chuỗi lao dốc, ngày 17/6 chỉ còn 3.920 đồng/cổ phiếu (giảm 73% so với mức giá 14.600 đồng/cổ phiếu ngày 25/3/2022), do các thông tin về tái cấu trúc Tập đoàn đến nay vẫn chưa rõ ràng.

Các doanh nghiệp khác rơi vào tình cảnh tương tự cũng ngay lập tức công bố thông tin để bảo vệ lợi ích cổ đông.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen, mã chứng khoán HSG) ra văn bản làm rõ các thông tin thất thiệt liên quan đến phát hành trái phiếu lan truyền trên mạng khiến nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu HSG, dẫn tới giá giảm sàn (ngày 8/4/2022). Hoa Sen khẳng định, đến thời điểm hiện tại, Công ty không thực hiện phát hành bất kỳ trái phiếu doanh nghiệp nào. Doanh nghiệp luôn tuân thủ các quy định pháp luật trong hoạt động về kế toán, thuế, chứng khoán.

Trong bối cảnh thị trường chung giảm giá, cổ phiếu HSG không tránh khỏi sụt giảm, nhưng với tốc độ cao hơn, đến ngày 17/6/2022 còn 15.850 đồng/cổ phiếu, mất một nửa giá trị sau hơn 2 tháng (VN-Index trong cùng khoảng thời gian giảm khoảng 19%).

Để bảo vệ lợi ích cổ đông, doanh nghiệp cần sớm lên tiếng, hạn chế sức ảnh hưởng của những thông tin bất lợi có tốc độ lan truyền chóng mặt như hiện nay.

Với trường hợp của Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex (Gelex, mã chứng khoán GEX), Ban lãnh đạo Gelex cho biết, một số cá nhân đã lợi dụng việc một số lãnh đạo doanh nghiệp lớn bị bắt để đăng tải thông tin thất thiệt về Công ty, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và giá cổ phiếu. Gelex vẫn đang hoạt động bình thường và mong nhà đầu tư thận trọng, sáng suốt trước những tin đồn. Đồng thời, doanh nghiệp cập nhật tình hình hoạt động trên các kênh thông tin chính thống để thị trường có những đánh giá đầy đủ, khách quan, chính xác.

Chủ động lên tiếng khi gặp khủng hoảng truyền thông, các doanh nghiệp như TDH, DXG… cho thấy cách xử lý đúng, giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư, tránh cổ phiếu giảm giá sâu cũng như ảnh hưởng đến thương hiệu doanh nghiệp.

Nhà đầu tư cần chắt lọc thông tin

Số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục tăng mạnh trong 2 năm qua, hầu hết là cá nhân trong nước. Trong khi đó, tâm lý đầu tư của cá nhân thường bị ảnh hưởng bởi những tin đồn.

Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, tính đến hết 31/5/2022, số lượng nhà đầu tư cá nhân là 5.639.902 người, chiếm 99% tổng số tài khoản toàn thị trường (5.694.813). Nhà đầu tư tổ chức trong nước có 13.793 tài khoản và nhà đầu tư nước ngoài có 41.118 tài khoản.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, thông tin bất lợi về doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán ảnh hưởng chủ yếu ở hai nhóm cổ đông là cổ đông chiến lược và cổ đông lớn (sở hữu từ 5% trở lên). Đây là những nhà đầu tư xác định lâu dài nên tin đồn ảnh hưởng đến vị thế đầu tư của họ. Với nhà đầu ngắn hạn, tin đồn khiến giá cổ phiếu giảm. Để hạn chế nguy cơ thua lỗ thêm, họ thường bán ra cổ phiếu. Đó là cách giảm thiểu rủi ro.

Hiện nay, nhiều người thường dựa vào thông tin từ mạng xã hội để đầu tư, khiến những tin đồn không đúng về doanh nghiệp lan truyền dễ tác động đến tâm lý nhà đầu tư và tạo ra hiệu ứng tiêu cực trên thị trường.

“Nhà đầu tư cần bình tĩnh, cẩn trọng trước các thông tin chưa được kiểm chứng. Chúng ta cần phải nhìn lại và đánh giá vì khi đầu tư vào doanh nghiệp là dựa vào bản chất nội tại sức khoẻ của doanh nghiệp đó. Nhà đầu tư nên tập trung vào nền tảng của doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Minh nhấn mạnh.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt đánh giá, rủi ro giảm giá từ nhóm cổ phiếu nhỏ gia tăng khi cơ quan chức năng mạnh tay trong việc xử lý các trường hợp thao túng giá cổ phiếu. Thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng bởi sự biến động mạnh của thị trường thế giới. Tuy nhiên, các thông tin tích cực được đưa ra trong mùa đại hội cổ đông vừa qua sẽ là yếu tố hỗ trợ thị trường thời gian tới. Dòng tiền sẽ luân chuyển đến cổ phiếu của doanh nghiệp có nền tảng tốt và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận trong năm nay.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục