Báo Nhật nêu vấn đề trọng tâm trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Suga

0:00 / 0:00
0:00
Mở rộng hợp tác kinh tế là nội dung then chốt trong chương trình nghị sự chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản, đây cũng là lĩnh vực hợp tác đưa hai nước xích lại gần nhau hơn.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà ông Suga Yoshihide (bìa trái) lựa chọn thăm chính thức sau khi nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản vào tháng 9/2020. Ảnh: Đức Thanh Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà ông Suga Yoshihide (bìa trái) lựa chọn thăm chính thức sau khi nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản vào tháng 9/2020. Ảnh: Đức Thanh

Theo tờ Nikkei Asian Review, Nhật Bản và Việt Nam đã nhất trí thúc đẩy tái khởi động các hoạt động kinh doanh và đẩy mạnh đầu tư trong chuyến thăm Việt Nam của tân Thủ tướng Suga Yoshihide. Thủ tướng Suga đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 19/10 và hai bên đã nhất trí tái khởi động các hoạt động đi lại giao thương khi hai nước đẩy lùi dịch Covid-19.

Hồi tháng 7/2020, Việt Nam và Nhật Bản đã đạt thảo thuận nối lại hoạt động giao thương cho kiều bào và công dân cư trú dài hạn ở hai nước. Hai Thủ tướng hôm 19/10 đã thống nhất sớm nối lại đường bay thương mại giữa hai nước.

Tờ Nikkei Asian Review nêu rõ, hai nhà lãnh đạo đã thống nhất hợp tác thúc đẩy sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở; đồng thời xem xét kỹ lưỡng sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Tờ báo này đánh giá, nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Suga là nhằm đảm bảo mở rộng hợp tác kinh tế với Việt Nam. Chọn thăm Việt Nam trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Suga có thể thúc đẩy vai trò của các nền kinh tế lớn trong việc triển khai mở rộng kế hoạch hợp tác kinh doanh lớn tại Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA) và đang hoàn tất đàm phán hiệp định thương mại song phương với Vương quốc Anh.

Việt Nam đã ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 tốt hơn các quốc gia khác ở Đông Nam Á và nền kinh tế Việt Nam đến thời điểm này không phải hứng chịu tăng trưởng âm như nhiều nền kinh tế khác trong khu vực. Nikkei Asian Review dẫn dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết, GDP thực tế của Việt Nam trong năm 2020 sẽ đạt mức tăng 1,6%, so với mức tăng hơn 7% trong hai năm trước đó.

Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau Hàn Quốc, về vốn FDI lũy kế trong năm 2019. Về đối tác thương mại, Nhật Bản đứng thứ tư, sau Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam và Nhật Bản có lợi thế khi cùng tham gia Hiệp định CPTPP và hai quốc gia có mối quan hệ ngày càng sâu sắc khi có hơn 400.000 người Việt Nam đang sinh sống làm việc tại Nhật Bản.

Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn chế tạo Nhật Bản nhờ chi phí lao động thấp hơn so với các nước trong khu vực. Thực tế cho thấy đầu tư vào công nghiệp chế tạo luôn dẫn đầu dòng vốn FDI Nhật Bản vào Việt Nam những năm qua.

Ngoài ra, thu nhập của người dân Việt Nam được cải thiện trong những năm qua đã mở ra cơ hội lớn cho nhà đầu tư dịch vụ/bán lẻ của Nhật Bản do họ nắm bắt tốt nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ - những khách hàng tiềm năng cho tăng trưởng dài hạn tại Việt Nam.

Cụ thể, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã đạt ngưỡng 3.000 USD và đây là lý do nhiều nhà bán lẻ Nhật Bản mạnh tay đầu tư vào Việt Nam. Trong số đó, phải kể đến chuỗi cửa hàng thời trang Uniqlo khi doanh nghiệp này kích hoạt địa điểm kinh doanh đầu tiên tại TP. HCM vào tháng 12/2019 và đang mở rộng địa bàn phủ sóng khác. Hay mới đây nhất, chuỗi dược phẩm hàng đầu Nhật Bản Matsumotokiyoshi Holdings đã ra mắt tại thị trường TP. Hồ Chí Minh cuối tuần trước.

Đưa tin về chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Suga, tờ Japan Times cho biết, Nhật Bản đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhằm giảm thiểu rủi ro do đại dịch Covid-19, trong đó có nỗ lực giảm phụ thuộc vào nguồn khẩu trang nhập khẩu từ Trung Quốc.

Chính phủ Nhật Bản đang trợ cấp cho doanh nghiệp nước này dịch chuyển sản xuất sang Đông Nam Á, khu vực được đánh giá có vị trí địa thuận lợi và nguồn lao động giá rẻ. Có đến 30 doanh nghiệp Nhật Bản đang nhận trợ cấp chính phủ; họ hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất đồ bảo hộ y tế, nước tẩy rửa, đến chế tạo phụ tùng động cơ ô tô. Đáng kể, một nửa trong số đó đang lên kế hoạch thiết lập sản xuất tại Việt Nam.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà ông Suga Yoshihide lựa chọn thăm chính thức kể từ khi nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản vào tháng 9/2020. Đây cũng là lần thứ hai liên tiếp một tân Thủ tướng Nhật Bản chọn thăm Việt Nam đầu tiên sau khi nhậm chức.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục