Chị N.M chia sẻ, do có sự nhầm lẫn nên kế toán tại cơ quan chị đã trả nhầm lương cao hơn so với mức ký kết trong hợp đồng làm việc liên tiếp trong vòng 6 tháng. Khi nhân viên kế toán trao đổi với chị về vấn đề này, chị sẵn sàng thanh toán lại khoản tiền dư cho cơ quan.
Trong câu chuyện, chị nửa đùa, nửa thật nói rằng: “Em không có sẵn tiền trong tài khoản để trả ngay một lần đâu nên cơ quan trừ dần lại lương của em trong 6 tháng tới nhé”. Chị đã rất bất ngờ khi nghe nhân viên kế toán này trả lời rằng: “Trong tài khoản của em hiện còn …tiền, thừa sức trả hết một lần cho cơ quan”.
Ngay lập tức, chị kiểm tra tài khoản và thấy số tiền nhân viên này nói chính xác với con số hiện lên trong tài khoản nên đã chất vấn: “Tại sao anh lại được phép tự động kiểm tra thông tin tài khoản của em?”. Nhân viên kế toán này im lặng.
Chia sẻ với ĐTCK, chị N.M nhận định, cơ quan chị mở tài khoản tại Ngân hàng A, tất cả mọi giao dịch liên quan đến tiền đều được thực hiện tại phòng giao dịch gần cơ quan nên có lẽ nhân viên kế toán của cơ quan chị có mối quan hệ thân thiết với nhân viên ngân hàng tại đây, nhờ vậy đã dễ dàng có được thông tin tài khoản của chị.
“Không trao đổi lại vấn đề này với nhân viên tại phòng giao dịch Ngân hàng A gần cơ quan bởi chị biết sẽ không có câu trả lời. Chị đã gặp mặt nói chuyện với lãnh đạo cao cấp phụ trách phòng giao dịch này. Vị lãnh đạo này đã thừa nhận hành vi không đúng của nhân viên và song song với đó là lỗi của Ngân hàng”, chị N.M nói.
Nhận định về vấn đề này, tổng giám đốc một ngân hàng TMCP chia sẻ, trong giao dịch ngân hàng có luật bất thành văn và luật thành văn về việc bảo mật thông tin của khách hàng.
Luật thành văn sẽ quy định rõ trong các điều khoản của hợp đồng, nhưng luật bất thành văn là tất cả các ngân hàng phải tuyệt đối bảo mật thông tin của khách hàng cho dù có ký kết hợp đồng nào hay không. Đây là thông lệ trong ngành ngân hàng.
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO cho biết, giao dịch ngân hàng liên quan đến nhiều thông tin nhạy cảm, đặc biệt trong đó là tiền của khách hàng, nên không phải ngẫu nhiên Chính phủ có một nghị định về việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng bên cạnh quy định của TCTD.
Luật sư Hải dẫn giải, tại Điều 1, Điều 2 Nghị định số 70/2000/NĐ-CP ngày 21/11/2000 về việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng (vẫn có hiệu lực đến thời điểm hiện nay) ghi rõ, các thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng là thông tin “mật”, thuộc danh mục bí mật Nhà nước trong ngành ngân hàng được lưu trữ và bảo vệ theo chế độ mật của Nhà nước.
Các thông tin đó cụ thể như sau: 1. Tiền gửi của khách hàng bao gồm tiền Đồng Việt Nam và các loại ngoại tệ của các tổ chức và cá nhân dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn (kể cả tiền gửi tiết kiệm) và các hình thức tiền gửi khác;
2; Tài sản gửi của khách hàng bao gồm vật có thực, các giấy tờ có giá và các quyền tài sản theo quy định của pháp luật;
3. Các thông tin liên quan đến tiền gửi của khách hàng bao gồm số hiệu tài khoản, mẫu chữ ký của chủ tài khoản hoặc người được chủ tài khoản uỷ quyền, các thông tin về doanh số hoạt động và số dư tài khoản;
4. Các thông tin liên quan đến giao dịch gửi, rút tiền, chuyển tiền và tài sản của khách hàng; nội dung các văn bản, giấy tờ, tài liệu; tên và mẫu chữ ký của người gửi tiền và tài sản.
Cũng tại Điều 3 thể hiện rõ: tổ chức, cán bộ và nhân viên không được cung cấp, tiết lộ thông tin liên quan đến tiền gửi, tài sản gửi của khách hàng, trừ trường hợp quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Nghị định này.
Điều 9 cho biết, các tổ chức, cá nhân phải thực hiện đúng các quy định về giữ bí mật, lưu trữ, cung cấp các thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng được quy định tại Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
“Mặc dù là sai phạm của nhân viên nhưng lại là trách nhiệm của pháp nhân, bởi con người của pháp nhân thực hiện nhiệm vụ của pháp nhân giao mà gây thiệt hại cho khách hàng thì lỗi trước tiên thuộc về pháp nhân. Bởi vậy trong trường hợp này, ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm. Theo Điều 4, khách hàng sẽ: 1. khiếu nại, khởi kiện tổ chức nhận tiền gửi và tài sản nếu tổ chức đó cung cấp các thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi sai quy định hoặc không đúng đối tượng, không chính xác, không trung thực; 2. được tổ chức nhận tiền gửi và tài sản bồi thường thiệt hại do việc cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản sai, không đúng đối tượng, không chính xác, không trung thực gây ra”, luật sư Hải cho biết.
Vị Tổng giám đốc trên thừa nhận: “Đâu đó, vẫn còn những lỗ hổng trong chế độ bảo mật thông tin của khách hàng mà ngân hàng vẫn chưa thể ‘trám’ được”.