"Bão kép" đe dọa thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những lo ngại về sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc và lãi suất cao của Mỹ đã làm xáo trộn tâm lý nhà đầu tư toàn cầu.
"Bão kép" đe dọa thị trường

Chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hồng Kông (Trung Quốc) nói riêng, cổ phiếu trên khắp châu Á - Thái Bình Dương vừa có nhịp giảm mạnh.

“Cho dù đó là cuộc khủng hoảng đang âm ỉ trên thị trường bất động sản Trung Quốc, sự gia tăng lợi suất trái phiếu của Mỹ do lo ngại lãi suất sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn, hay doanh số bán lẻ của Vương quốc Anh sụt giảm nghiêm trọng, mọi thứ đang bắt đầu trở nên tồi tệ”, ông AJ Bell Investment, Giám đốc Russ Mold nhận xét.

Cuộc họp gần nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy, các nhà hoạch định chính sách đã chỉ ra rủi ro tăng giá đối với lạm phát, trong khi Fed vẫn sẵn sàng tăng thêm lãi suất để giảm tốc độ tăng giá một cách bền vững.

Điều này đã thúc đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng đột biến, đưa lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm lên mức cao nhất trong 16 năm, trong khi trái phiếu 10 năm của Đức tăng lên mức cao nhất kể từ sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (Mỹ) vào tháng 3/2023.

Hồ sơ bảo hộ phá sản của Evergrande đã gây ra mối lo ngại lớn hơn về thị trường bất động sản Trung Quốc khi diễn ra cùng quyết định của Country Garden về việc đình chỉ thanh toán một số trái phiếu của họ.

Thị trường đang bị ảnh hưởng bởi cơn bão kép, trong bối cảnh lãi suất tăng cao, dữ liệu kinh tế xấu đi ở Trung Quốc…

“Thị trường đang bị ảnh hưởng bởi cơn bão kép, trong bối cảnh lãi suất tăng cao, dữ liệu kinh tế xấu đi ở Trung Quốc, thanh khoản mùa hè kém và cuộc đình công của người mua”, ông Emmanuel Cau, Trưởng phòng Chiến lược vốn cổ phần châu Âu, Barclays cho biết trong một báo cáo nghiên cứu.

Ông Emmanuel Cau cho rằng, nếu không có kích thích tài chính quy mô lớn, Trung Quốc khó có thể tự đảo ngược một cách bền vững.

Barclays đang khuyến nghị các nhà đầu tư áp dụng chiến lược “barbell” (đa dạng hóa danh mục đầu tư nhằm giảm thiểu rủi ro lãi suất) liên quan đến việc phân bổ cho các cổ phiếu mang tính chu kỳ và phòng thủ, cũng như “độ nghiêng giá trị”.

Độ nghiêng giá trị đề cập đến việc nghiêng danh mục đầu tư sang các cổ phiếu được cho là đang giao dịch ở mức chiết khấu so với các nguyên tắc tài chính cơ bản.

Mặc dù các thị trường dường như đang chấp nhận nhiều rủi ro hơn, song giới chuyên gia dự báo, suy thoái có thể tiếp tục diễn ra nếu rủi ro địa chính trị và kinh tế vĩ mô được định giá.

Nhà đầu tư kỳ cựu David Roche cho rằng, mô hình kinh tế của Trung Quốc đang bị cuốn trôi trên bãi biển và khó có thể cất cánh trở lại, điều này sẽ có tác động lớn đến thị trường toàn cầu.

Bắc Kinh đã thừa nhận những cơn gió ngược về kinh tế và ra tín hiệu hỗ trợ chính sách tài khóa nhiều hơn, trong khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tiếp tục cắt giảm lãi suất.

Trong 2 thập kỷ qua, Trung Quốc đã trải qua giai đoạn tăng trưởng thần tốc, vượt xa các nước phát triển, vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng đóng góp từ bất động sản và sản xuất - những trụ cột truyền thống của sự mở rộng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc đang giảm dần.

Trung Quốc mới đây tạm dừng công bố dữ liệu về tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên, sau khi tăng lên mức cao kỷ lục, trong khi dữ liệu kinh tế tháng 7/2023 cho thấy sự suy giảm trên diện rộng do thị trường bất động sản sụt giảm.

Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã trả lời về những lo ngại suy thoái kinh tế của Trung Quốc có thể gây rủi ro cho tăng trưởng toàn cầu rằng, sự phục hồi của Trung Quốc nhìn chung đang đi đúng hướng và Trung Quốc vẫn là một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế thế giới, với mức tăng GDP nửa đầu năm 2023 đạt 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Uông Văn Bân nhấn mạnh, tỷ trọng nhu cầu nội địa cao hơn là một phần của tăng trưởng kinh tế và báo hiệu rằng, việc tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghiệp, đầu tư vào các ngành công nghệ cao, xuất khẩu ô tô điện, pin lithium, tấm pin mặt trời ngày càng tăng chứng tỏ khả năng phục hồi của ngoại thương Trung Quốc trong bối cảnh suy thoái.

“Trung Quốc đã triển khai một loạt biện pháp thực chất và có mục tiêu nhằm thúc đẩy tiêu dùng, thúc đẩy khu vực tư nhân và thu hút đầu tư nước ngoài”, ông Uông Văn Bân nói.

Linh Hương
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ