Tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm tại Việt Nam không cao

(ĐTCK) Dù tỷ lệ hủy hợp đồng của từng doanh nghiệp hay cả thị trường luôn là con số “bí ẩn” bởi con số này không được thống kê đầy đủ và nếu có cũng không được công bố công khai, nhưng tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đều hiểu rằng, cùng với nỗ lực khai thác khách hàng mới, thì việc giữ chân khách hàng cũ cũng là một trong những mục tiêu quan trọng.
Mô hình bảo hiểm/tư vấn đại lý toàn thời gian đang dần hình thành ở một số công ty bảo hiểm Mô hình bảo hiểm/tư vấn đại lý toàn thời gian đang dần hình thành ở một số công ty bảo hiểm

Theo các công ty bảo hiểm, nhìn chung, chi phí bỏ ra để chăm sóc những hợp đồng hiện có rất thấp, đặc biệt với những hợp đồng bảo hiểm đã được duy trì đến năm thứ 4 năm thứ 5 (chi phí hoa hồng bảo hiểm cho các đại lý thời điểm này cũng chỉ khoảng 5%, thậm chí thấp hơn).

Trong khi đó, dù không có con số thống kê chính xác và mỗi doanh nghiệp bảo hiểm có một cách khai thác khác nhau, nhưng thường chi phí để có một hợp đồng bảo hiểm mới là rất cao. Số phí bảo hiểm thu được từ những hợp đồng năm thứ nhất thường không đủ để bù đắp những chi phí đã bỏ ra. Chính vì thế, nếu hợp đồng vì lý do nào đó không còn tiếp tục ngay từ năm thứ 2 và năm thứ 3, lợi nhuận của các công ty bảo hiểm cũng sẽ bị ảnh hưởng. 

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2014, doanh thu phí khai thác mới của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 8.678 tỷ đồng, tăng 12,59% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, nghiệp vụ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu phí khai thác mới là bảo hiểm hỗn hợp, tương ứng với tổng doanh thu phí khai thác mới 3.839 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 44,23%) và bảo hiểm liên kết đầu tư, tương ứng với tổng doanh thu phí khai thác mới 3.600 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 41,48%).

Riêng nghiệp vụ bảo hiểm hưu trí, tính đến hết năm 2014, tổng doanh thu phí khai thác mới ước đạt 188,36 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 2,17%). Số lượng hợp đồng có hiệu lực (theo hợp đồng chính) ước đạt 5.650.133 hợp đồng, tăng 10,07% so với cùng kỳ năm trước.

Về tỷ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm (hợp đồng không còn hiệu lực), thông thường, các chuyên gia tính toán của công ty bảo hiểm nhân thọ cũng đã đưa ra một tỷ lệ hủy hợp đồng giả định trong khi định giá sản phẩm. Xác xuất tính toán cho mỗi sản phẩm về cơ bản là sát với thực tế, tuy nhiên, cũng có những sản phẩm tỷ lệ hủy hợp đồng có thể cao hơn giả định và điều này cũng sẽ làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty bảo hiểm.

Trao đổi với ĐTCK, một chuyên gia trong ngành cho biết, chưa có thống kê chính xác về tỷ lệ hủy hợp đồng tại mỗi doanh nghiệp bảo hiểm cũng như cả thị trường bảo hiểm nhân thọ. Theo ước tính, tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bình quân theo phí đóng tại thị trường Việt Nam khoảng trên 70% năm đầu tiên. Các năm tiếp theo, tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm vào khoảng 85 - 90%.

Thực tế, tỷ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm thường bị ảnh hưởng do cách bán hàng của đại lý/tư vấn bảo hiểm, cách xây dựng các chương trình thi đua thúc đẩy việc bán các sản phẩm bảo hiểm mới của các công ty bảo hiểm (thường thì những công ty bảo hiểm đưa ra quá nhiều chương trình thi đua thì chính công ty đó cũng có tỷ lệ hủy hợp đồng nhiều nhất) và một yếu tố không kém phần quan trọng khác do cách thiết kế sản phẩm chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Vì số liệu về tỷ lệ duy trì hợp đồng của các sản phẩm chưa có, nên cũng không có số liệu cụ thể dòng sản phẩm nào có tỷ lệ duy trì hợp đồng cao nhất hoặc bị hủy hợp đồng nhiều nhất.

“Tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm bình quân tại thị trường Việt Nam dù không cao nhưng nếu so với một vài thị trường bảo hiểm đang phát triển trong khu vực, thì đây không phải là con số quá tệ. Bởi đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp bảo hiểm phần lớn vẫn sử dụng chủ yếu mô hình đại lý bán thời gian”, vị chuyên gia trên cho biết.

Mô hình bảo hiểm/tư vấn đại lý toàn thời gian với phong cách phục vụ và tư vấn cho khách hàng chuyên nghiệp, hiện đại đang dần hình thành ở một số công ty bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm đang đầu tư mạnh vào mô hình này cũng tin tưởng sẽ tạo ra cho khách hàng một cái nhìn mới về ngành bảo hiểm nhân thọ, qua đó, giúp tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm ngày càng tăng.          

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục