Trục lợi bảo hiểm sức khỏe đã đến mức báo động

(ĐTCK) Thiếu chế tài xử phạt đủ sức răn đe nên hành vi trục lợi bảo hiểm trong các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến viện phí và sức khỏe hiện nay diễn ra rất phổ biến.
Trục lợi bảo hiểm sức khỏe đã đến mức báo động

Nhiều công ty bảo hiểm biết rõ ràng đang bị trục lợi nhưng đành phải bó tay.

Hiện tại, tuy chưa có những thống kê chính xác nhưng nhưng theo Phó tổng giám đốc điều hành một công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài, trục lợi bảo hiểm về viện phí và sức khỏe đang là vấn đề nổi cộm, diễn ra rất tràn lan. Theo vị phó tổng giám đốc này, vì pháp luật hiện hành không có quy định xử lý cụ thể đối với các trường hợp trục lợi bảo hiểm nên những hành vi này không thể áp vào tội lợi dụng tín nhiệm tài sản hay tội lừa đảo. Do vậy, khi thấy hồ sơ bồi thường không hợp lệ hoặc thấy có dấu hiệu trục lợi thì công ty bảo hiểm chỉ sử dụng biện pháp “nhẹ nhàng” là từ chối bồi thường, còn nếu muốn khởi tố, đưa ra pháp luật thì công ty bảo hiểm phải có chứng cứ. Việc lật tẩy các khách hàng gian dối là việc cực chẳng đã các công ty bảo hiểm mới làm, nên nhiều khách hàng đã lợi dụng việc này để làm tới, được thì tốt, không được thì cũng ít khi bị làm sao.

Trục lợi bảo hiểm sức khỏe đã đến mức báo động ảnh 1Công ty bảo hiểm không kiếm soát được hồ sơ bệnh án, nên rủi ro cao

Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lớn trên thị trường cho biết, Công ty đã từng thiết kế một sản phẩm bảo hiểm viện phí và hỗ trợ điều trị với mong muốn đem lại quyền lợi tốt nhất cho khách hàng thuộc tầng lớp bình dân, nhưng tiếc rằng, chỉ sau một thời gian sản phẩm được đưa ra thị trường, Công ty phát hiện có nhiều khách hàng đã cấu kết với người nhà làm ở bệnh viện để kê khai sai bệnh án nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm, thậm chí có khách hàng gian dối hồ sơ, lấy tiền bảo hiểm để… đóng phí chính sản phẩm bảo hiểm đó. Ví dụ, thay vì đau mắt, chỉ cần nhỏ nước muối, khách hàng lại bắt tay với bác sỹ để kê thành đau mắt nặng đến mức phải làm xét nghiệm để mổ… Hệ thống hồ sơ bệnh viện các công ty bảo hiểm không kiểm soát được, nên có nhiều bác sỹ đã tiếp tay với bệnh nhân để tạo hồ sơ giả.

Với những trường hợp cấu kết tay 3- đại lý, khách hàng và bác sỹ- thì các công ty bảo hiểm đều chịu thua. “Dù số tiền thiệt hại không quá lớn nhưng việc trục lợi sản phẩm này đã thành phong trào nên có lúc Công ty phải suy nghĩ xem có nên rút sản phẩm này đi hay không, bởi nếu cứ tiếp tục cung cấp sản phẩm, Công ty sẽ chịu thiệt hại rất lớn. Cuối cùng, giải pháp được đưa ra là không bán mạnh sản phẩm này nữa, khoanh vùng những nơi bị trục lợi thành phong trào như Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương không bán để tránh rủi ro, vì đây là những địa phương đã có tiểu sử cả làng bị bệnh mắt”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm chua xót.  

Để tự cứu mình trước vấn nạn này, hiện tại, các công ty bảo hiểm đều rất cẩn trọng trong khâu thẩm tra, xác minh, đánh giá hồ sơ khi có yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm. Các đại lý/tư vấn bảo hiểm nếu bị phát hiện tiếp tay cho khách hàng trong việc trục lợi bảo hiểm cũng sẽ  bị cắt hợp đồng, đưa vào “danh sách đen” của Hiệp hội Bảo hiểm, bị cấm hành nghề trong một thời gian và có thể bị xử lý bởi cơ quan công an tùy theo mức độ vi phạm.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế bởi nếu muốn vấn nạn này được xử lý tận gốc thì các công ty bảo hiểm cần phải kiên quyết đấu tranh tìm ra bằng chứng trục lợi của khách hàng, khởi tố và công khai danh tính khách hàng trục lợi… Điều này không dễ thực hiện vì còn nhiều vướng mắc. Hiện tại, các công ty bảo hiểm chỉ có thể đưa tên khách hàng đã trục lợi và bị nghi từng trục lợi bảo hiểm vào dữ liệu khách hàng của công ty để theo dõi thẩm định kỹ hơn mà thôi.    

Ngọc Lan
Ngọc Lan

Tin cùng chuyên mục