Tổng đại lý bảo hiểm nhân thọ, quy định cần “chặt” và cụ thể

(ĐTCK) Tổng đại lý là một mắt xích quan trọng trong hoạt động kinh doanh sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, đang được các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển, nhưng thực tế cho thấy, pháp luật cần có quy định “chặt” và cụ thể hơn về mô hình này.
Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm như Prudential, AIA Việt Nam, Dai-ichi Life Việt Nam, Hanwha Life Việt Nam, Generali… đẩy mạnh triển khai kênh phân phối qua tổng đại lý Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm như Prudential, AIA Việt Nam, Dai-ichi Life Việt Nam, Hanwha Life Việt Nam, Generali… đẩy mạnh triển khai kênh phân phối qua tổng đại lý

Thống kê sơ bộ từ các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, hiện có khoảng 650 tổng đại lý bảo hiểm nhân thọ đang hoạt động trên toàn quốc.

Chưa có thống kê về doanh thu phí khai thác bảo hiểm mới phân phối qua hệ thống tổng đại lý hàng năm, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai kênh phân phối qua tổng đại lý hầu hết đều nằm trong Top 10 doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thị trường năm 2016.

Thực tế cho thấy, mô hình tổng đại lý đang đóng vai trò lớn trong hoạt động kinh doanh của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã và đang đẩy mạnh phát triển hệ thống tổng đại lý.

Tổng đại lý là một hình thức quản lý đại lý bảo hiểm cá nhân theo nhóm có quy mô và tổ chức chuyên nghiệp.    

Tổng đại lý bảo hiểm nhân thọ là cách gọi thông lệ của thị trường đối với mô hình đại lý bảo hiểm là doanh nghiệp. Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, các doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, các quy định liên quan đến mô hình tổng đại lý đang có một số “vấn đề”.

Về mặt pháp lý, việc thành lập tổng đại lý (dạng đại lý tổ chức) được thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, nhưng hoạt động kinh doanh của tổng đại lý gắn liền với hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và được điều chỉnh bởi Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Vậy nhưng, chưa có hướng dẫn cụ thể về hình thức hoạt động kinh doanh của tổng đại lý, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến tuyển dụng, đào tạo.

Một vấn đề khác, về nguyên tắc, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được trả hoa hồng và chi phí quản lý đại lý cho tổng đại lý với tư cách là một đại lý. Tuy nhiên, hiện các quy định về thuế giá trị gia tăng không ghi nhận phí quản lý đại lý là một khoản thu nhập gắn liền với hoạt động của tổng đại lý, dẫn đến sự phân biệt trong việc xác định nghĩa vụ thuế.

Liên quan đến tổng đại lý, trên thị trường có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, “mua bán” tổng đại lý. Cụ thể, một số doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện chính sách chi trả thù lao cao đột biến nhằm lôi kéo hệ thống tổng đại lý của doanh nghiệp khác. Việc này ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp có tổng đại lý bị lôi kéo, cũng như quyền lợi của khách hàng và uy tín của doanh nghiệp.

Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho rằng, cần có văn bản quy phạm pháp luật dành riêng cho kênh phân phối đặc thù này.

“Tổng đại lý là một hình thức quản lý đại lý bảo hiểm cá nhân theo nhóm có quy mô và tổ chức chuyên nghiệp. Do đó, bên cạnh tiêu chuẩn về người quản lý được quy định tại Luật Doanh nghiệp, để đảm bảo chất lượng hoạt động và điều hành, quy định riêng của ngành cần có một số tiêu chuẩn bắt buộc đối với người đứng đầu tổng đại lý như số năm kinh nghiệm hoạt động trong ngành bảo hiểm, có chứng chỉ đào tạo đại lý. Các tiêu chuẩn này sẽ đảm bảo chất lượng hoạt động của đại lý được ổn định dựa trên kinh nghiệm của người điều hành chung”, lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm nói.

Ngoài ra, pháp luật nên quy định về thời gian thông báo trước của tổng đại lý đến doanh nghiệp bảo hiểm khi muốn chấm dứt hợp đồng tổng đại lý, cũng như những vấn đề liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng này, nhằm hạn chế trường hợp các cơ sở tổng đại lý của doanh nghiệp bảo hiểm đột ngột “biến mất” trong thời gian ngắn (do bị doanh nghiệp khác lôi kéo), ảnh hưởng đến hoạt động phục vụ khách hàng tại địa phương.

Về thuế, cần làm rõ, thu nhập của tổng đại lý từ hoạt động đại lý bảo hiểm sẽ chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng là 0%, những thu nhập khác vẫn chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng tùy theo dịch vụ cung cấp và được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Về đảm bảo chất lượng hoạt động của các tổng đại lý, nên có quy định về trách nhiệm đào tạo của doanh nghiệp bảo hiểm (và nghĩa vụ tham gia đào tạo của tổng đại lý) đối với các nghiệp vụ bảo hiểm mà tổng đại lý được phép thực hiện.

Trên thực tế, đa số các tổng đại lý đều được uỷ quyền thực hiện một số nghiệp vụ liên quan đến thu và chi tiền cho khách hàng. Để đảm bảo công tác quản lý tài chính chặt chẽ, quy định về quản lý đại lý nên bắt buộc giữa doanh nghiệp bảo hiểm và tổng đại lý phải có hạ tầng kỹ thuật và quy chế đối chiếu thu chi hiệu quả, qua đó đảm bảo được quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục