Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam: Nhiều DN nước ngoài “nhòm ngó”

(ĐTCK-online) Vượt qua khủng hoảng kinh tế toàn cầu, doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam nói chung và doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ Việt Nam nói riêng đã có những cú bứt phá ngoạn mục để đạt kết quả tăng trưởng quý II/2009 hết sức khả quan.
Thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

Tăng trưởng tháng 6 là 42% so với tháng 4/2009 của các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài đã nói lên sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam. Thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, tổng số hợp đồng khai thác mới của 11 công ty bảo hiểm nhân thọ đang hoạt động tại Việt Nam tăng trung bình 100%.

Theo một nguồn tin đáng tin cậy, khoảng 3 - 4 công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài đang có ý định đầu tư vào thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam và một công ty bảo hiểm lớn của Mỹ đã rút khỏi thị trường Việt Nam đang có ý định quay trở lại. Dù lý do rút khỏi thị trường Việt Nam thời gian đó (đầu năm 2007) được đại diện doanh nghiệp này giải thích nhằm tập trung nguồn lực vào một số thị trường khác, nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành bảo hiểm thì quyết định chưa tham gia thị trường bảo hiểm Việt Nam của doanh nghiệp bảo hiểm này đã nói lên sự khó khăn của thị trường bảo hiểm Việt Nam trong giai đoạn đó.

Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ 100% vốn nước ngoài cho rằng, với quy mô dân số và tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay, thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, kể cả doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ mới tham gia thị trường. Vấn đề là cách thức tiếp cận thị trường của mỗi doanh nghiệp như thế nào. Theo vị lãnh đạo này thì việc doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tiếp tục “nhòm ngó” và muốn đầu tư mạnh vào thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam là điều có thể dự báo trước vì Việt Nam hiện có chưa đến 10% dân số tham gia các loại hình bảo hiểm.

“Tuy nhiên, tại thời điểm này thì chưa nên cấp phép cho quá nhiều doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động. Có thể sau vài năm nữa khi thị trường bảo hiểm Việt Nam thực sự ổn định, khung pháp lý liên quan đến thị trường và hệ thống giám sát của các cơ quan chức năng hoàn thiện hơn”, ông này nói. Trước đó, trao đổi với ĐTCK về việc có nên cấp phép cho doanh nghiệp bảo hiểm mới trong thời điểm này, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn về tài chính, nên tạm ngừng cấp phép thành lập doanh nghiệp bảo hiểm để ổn thị trường. Mặt khác, nếu có cấp phép, doanh nghiệp cũng khó đi vào hoạt động vì thị trường bảo hiểm đang cạnh tranh rất khó khăn.

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp bảo hiểm mới tham gia thị trường là làm sao để khách hàng biết đến doanh nghiệp, tin tưởng và mua sản phẩm. Và cách tiếp cận khách hàng truyền thống của doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay vẫn là thông qua các đại lý. Liên kết bảo hiểm - ngân hàng (bancassurance) - kênh bán hàng khá hiệu quả đã được nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài sử dụng và đang được doanh nghiệp bảo hiểm trong nước tận dụng tối đa. Tuy nhiên, giám đốc maketing của một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài mới hoạt động tại Việt Nam cho rằng, thông qua kênh bán hàng truyền thống vẫn là hiệu quả nhất. Chính vì thế, nhiều công ty bảo hiểm mới vào Việt Nam vẫn sẽ tìm cách phát triển hệ thống khách hàng thông qua kênh này.

Một số công ty bảo hiểm nước ngoài cho rằng, doanh thu và thị phần không phải là vấn đề quá nặng nề đối với họ. Trong những năm đầu tiên mới hoạt động, các doanh nghiệp này sẽ chú trọng đầu tư hệ thống, nhân lực, cơ sở dịch vụ khách hàng… “Trong 5 năm kể từ ngày đi vào hoạt động, chúng tôi chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng rất khiêm tốn khoảng 8%. Công ty không nhắm đến lợi nhuận ban đầu, mà nhắm đến thị trường với lượng khách hàng lớn hơn”, lãnh đạo một công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài cho biết.

Ngọc Lan
Ngọc Lan

Tin cùng chuyên mục