Rating, bài toán nhiều thách thức với doanh nghiệp bảo hiểm

(ĐTCK) Thị trường bảo hiểm Việt Nam vừa ghi nhận thêm một doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm quốc tế. Được định hạng tín nhiệm (rating) là mục tiêu mà nhà bảo hiểm trong nước hướng tới, nhưng giữ được thứ hạng và cao hơn và nâng hạng tín nhiệm là bài toán nhiều thách thức.  
Bảo Minh vừa ghi tên trong danh sách  các doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm   quốc tế Bảo Minh vừa ghi tên trong danh sách các doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm quốc tế

Tăng sức hấp dẫn nhà đầu tư nhờ rating

Cuối tuần qua, Tổng công ty Bảo Minh đã đón nhận kết quả đánh giá năng lực tài chính ở mức B++ và năng lực của tổ chức phát hành ở mức bbb, với triển vọng "Ổn định".

Như vậy, nếu không tính các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài (được thừa hưởng xếp hạng quốc tế từ công ty mẹ ở nước ngoài) và liên doanh bảo hiểm phi nhân thọ SVI (hiện do đối tác Samsung - Hàn Quốc nắm tới 75% vốn) thì sự xuất hiện của Bảo Minh đã nâng danh sách doanh nghiệp bảo hiểm nhận đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc tế từ A.M. Best tại thị trường Việt Nam lên con số 5. Bốn doanh nghiệp còn lại đó là Bảo hiểm PVI, PVI Re, Vinare, BIC.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, sự kiện này không những khẳng định vị thế của Bảo Minh trên thị trường, mà còn là tín hiệu tốt nhằm thu hút nhà đầu tư khi cổ đông nhà nước thoái vốn tại công ty này.

“Đây cũng là tín hiệu tốt với thị trường bảo hiểm Việt Nam, hướng tới mục tiêu công khai, minh bạch hơn, nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng sản phẩm, kiểm soát rủi ro”, Thứ trưởng Hà nói.

Trên thực tế, mối quan hệ giữa định mức tín nhiệm và việc thu hút nhà đầu tư nhất là nhà đầu tư ngoại trong doanh nghiệp bảo hiểm là mối quan hệ hai chiều. Sự tham gia của nhà đầu tư ngoại trong vai trò là cổ đông chiến lược góp phần giúp doanh nghiệp bảo hiểm được xếp hạng tín nhiệm và ngược lại, nhờ được định hạng tín nhiệm mà doanh nghiệp bảo hiểm nhận thêm sự quan tâm của các nhà đầu tư tầm cỡ khác.

Cụ thể, kết quả xếp hạng của PVI, Vinare hay Bảo Minh không thể không gắn với kết quả xếp hạng cao cũng như sự hỗ trợ của các cổ đông chiến lược như Talanx, Swiss Re hay AXA.

Ở chiều ngược lại, ngay sau khi nhận được kết quả xếp hạng từ A.M.Best vào năm 2013, ông Phạm Công Tứ, Tổng giám đốc Vinare cho biết, kết quả rating tốt ngoài tạo cơ hội cho Vinare khai thác các lợi thế của thị trường vốn còn hỗ trợ tìm kiếm được nhà đầu tư tiềm năng. Bởi thực tế, hầu hết các nhà đầu tư đều phải thông qua một tổ chức trung gian như công ty định mức tín nhiệm để xác định độ tin cậy của đối tượng đầu tư. 

“Xếp hạng đã khó, duy trì thứ hạng còn khó hơn”

Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một số doanh nghiệp từng được đánh giá bởi A.M. Best cho biết, sự phát triển ổn định rủi ro quốc gia có ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả xếp hạng này của doanh nghiệp bảo hiểm. Cùng với nỗ lực tự thân doanh nghiệp thì những diễn biến ổn định của kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính quốc gia đã giúp cho doanh nghiệp bảo hiểm cải thiện định mức tín nhiệm.

Chẳng hạn, Vinare đã được A.M. Best nâng triển vọng năng lực tín dụng của tổ chức phát hành (ICR) từ “Ổn định” (stable) lên “Tích cực” (positive) và giữ nguyên mức xếp hạng năng lực tài chính B++ (Tốt) và năng lực tín dụng của tổ chức phát hành mức “bbb”. A.M. Best cũng khẳng định, kết quả trên phản ánh sự phát triển ổn định của nền kinh tế Việt Nam.

Mặc dù vậy, chi phí cao trong bối cảnh doanh thu phí bảo hiểm gốc luôn duy trì tăng trưởng ở mức hai con số cũng là một trong những thách thức trong duy trì định mức tín nhiệm của các doanh nghiệp bảo hiểm nói chung và Bảo Minh nói riêng.

Tại lễ công bố kết quả xếp hạng tín nhiệm của A.M. Best, tự hào về kết quả định hạng tín nhiệm B++, xếp hạng cao nhất mà doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đạt được, nhưng ông Trần Vĩnh Đức, Chủ tịch Bảo Minh cũng thừa nhận việc duy trì mức xếp hạng này là khó khăn, vì hàng năm A.M. Best đều đánh giá lại.

Trong báo cáo xếp hạng tín nhiệm của A.M Best cũng đưa ra một đánh giá đáng lưu tâm là khoản chi phí cao của Bảo Minh nếu không được cải thiện sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và gây thách thức cho việc cải thiện kết quả xếp hạng.

“Mặc dù có sự tăng trưởng phí bảo hiểm trong 5 năm qua, chi phí của Bảo Minh cũng tăng và tăng nhanh hơn sự cải thiện tỷ lệ bồi thường. Trong thời gian tới, một sự cải thiện rõ ràng về chi phí tổng hợp sẽ có thể làm kết quả xếp hạng tốt hơn. Ngược lại, một kết quả thấp hơn sẽ gắn với sự đi xuống về kết quả kinh doanh”, A.M.Best lưu ý.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục