"Nở rộ" mô hình siêu thị bảo hiểm - tài chính

(ĐTCK-online) Bộ Tài chính vừa chấp thuận về mặt nguyên tắc việc cấp giấy phép hoạt động cho một DN bảo hiểm phi nhân thọ là Công ty Bảo hiểm Cathay Việt Nam và một DN bảo hiểm nhân thọ là Công ty Bảo hiểm nhân thọ Fubon Việt Nam. Như vậy, Cathay và Fubon đã có "đủ bộ" cả công ty bảo hiểm phi nhân thọ và nhân thọ tại thị trường Việt Nam.
BIDV đang tập trung phát triển lĩnh vực bảo hiểm trở thành một trong những trụ cột hoạt động. BIDV đang tập trung phát triển lĩnh vực bảo hiểm trở thành một trong những trụ cột hoạt động.

Động thái này của các tập đoàn bảo hiểm nước ngoài có thể sẽ khơi mào cho xu hướng phát triển các tập đoàn bảo hiểm - tài chính tại Việt Nam. Trước Cathay và Fubon, Tập đoàn ACE (Mỹ) cũng đã phát triển đủ cả công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ tại Việt Nam…

Theo các chuyên gia trong ngành bảo hiểm, thực tế những DN như Fubon và Cathay đều là các tập đoàn dịch vụ tài chính. Vì thế, việc những đơn vị này muốn mở rộng sang các lĩnh vực khác là đương nhiên. Bởi các tập đoàn bảo hiểm lớn trên thế giới thường kinh doanh cả 2 lĩnh vực phi nhân thọ và nhân thọ, nhằm tận dụng hết tiềm năng thị trường, nhu cầu bảo hiểm của khách hàng, hệ thống kênh phân phối, mạng lưới và vì 2 hoạt động này có thể hỗ trợ lẫn nhau (bảo hiểm phi nhân thọ có luồng tiền ngắn hạn, bảo hiểm nhân thọ có luồng tiền dài hạn). Vì Luật Kinh doanh bảo hiểm của Việt Nam quy định, 1 công ty chỉ được phép kinh doanh 1 loại hình bảo hiểm (nhân thọ hoặc phi nhân thọ) nên các công ty bảo hiểm nước ngoài phải đăng ký xin từng giấy phép và thành lập từng công ty. Chính vì thế, việc bước nốt bàn chân thứ 2 vào thị trường Việt Nam đều đã nằm trong kế hoạch mở rộng kinh doanh chung của các tập đoàn này.

Chia sẻ với báo giới tại buổi họp báo 2 năm có mặt tại Việt Nam mới đây, đại diện Cathay Life Việt  Nam cho biết, Cathay đang  tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng và số lượng các tư vấn viên chuyên nghiệp, dự kiến là 7.000 người trong năm 2010, song song với đó là hợp tác chặt chẽ với các công ty thành viên thuộc các lĩnh vực liên đới như Ngân hàng Indovina và Ngân hàng Cathay United (Việt Nam), để mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh, trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh và đáng tin cậy với nhiều loại hình sản phẩm dịch vụ khác nhau dành cho khách hàng, như bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, dịch vụ ngân hàng, quỹ tài chính… 

Không chỉ các tập đoàn tài chính bảo hiểm nước ngoài muốn mở rộng địa bàn hoạt động mà nhiều DN Việt Nam, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cũng ôm mộng "siêu thị bảo hiểm - tài chính". Trong 11 công ty bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam, hiện đã có Vietcombank/Cardif (thành lập năm 2008) hoạt động theo hình thức liên doanh. Những "cặp đôi" ngân hàng trong nước và hãng bảo hiểm nước ngoài cũng đang trong giai đoạn đàm phán để tạo ra một liên doanh mới là Agribank với đối tác Sumitomo Life; Vietinbank với European Life. Mới đây nhất,  Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Meiji Yasuda của Nhật cũng đã có những cuộc tiếp xúc ban đầu với đối tác Việt Nam là BIDV. Trong khi đó, cả 3 ngân hàng này đều đang sở hữu một công ty bảo hiểm phi nhân thọ: Agribank có ABIC; Vietinbank có Vietinbank Insurance; BIDV có BIC. Ngược lại, các công ty bảo hiểm lớn (Bảo Việt, Vinare) lại triển khai góp vốn thành lập ngân hàng thương mại (Bảo Việt Bank và Tiền Phong Bank).

Giám đốc một công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong nước chia sẻ, tùy theo chiến lược của mình, mỗi ngân hàng thương mại sẽ đầu tư cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm ở mức độ khác nhau. Có ngân hàng tập trung phát triển bảo hiểm thành trụ cột hoạt động (như BIDV đang thực hiện với BIC), có nhiều ngân hàng chỉ dừng lại ở mức coi đây như một khoản đầu tư tài chính nhằm đa dạng hoạt động, sinh lời ổn định và chủ động trong việc khép kín sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách hàng.

Ông Phạm Quang Tùng, Giám đốc BIC cũng cho rằng, khi các công ty bảo hiểm hoặc ngân hàng thương mại phát triển tới quy mô lớn, đã có tích tụ tài chính, nguồn lực, có mạng lưới rộng khắp và số lượng khách hàng đông đảo, thì sẽ tính tới việc mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực tài chính liên quan để tối ưu hóa nguồn lực, tận dụng hết nhu cầu khách hàng, tạo tiện ích và giá trị gia tăng cho khách hàng. Mô hình siêu thị tài chính, dịch vụ tài chính một cửa (one stop shopping), tích hợp sản phẩm bảo hiểm - ngân hàng ra đời tự nhiên theo xu hướng này, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng, gia tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ. Thực tế, đã có nhiều ngân hàng đầu tư sang bảo hiểm và sau đó hoạt động bảo hiểm trở thành lĩnh vực hoạt động chính như ING, Lloyd's… và ngược lại. Ngoài chiến lược chung, việc "con hơn cha" này còn do các công ty thu hút được nguồn nhân lực tốt, có cách làm phù hợp và tận dụng, chớp được cơ hội phát triển của thị trường.

"Xu hướng tích tụ tài chính, đại chúng hóa công ty và đa dạng hóa hoạt động các định chế tài chính là xu thế tất yếu. Việc này đang âm thầm diễn ra tại Việt Nam và đây chính là xu hướng tốt của thị trường tài chính, nhằm cung cấp cho khách hàng các sản phẩm tài chính tiện lợi, chi phí thấp", ông Tùng nhận định.

Ngọc Lan
Ngọc Lan

Tin cùng chuyên mục