Doanh nghiệp nội dè dặt trước sân chơi bảo hiểm nhân thọ

(ĐTCK-online) Một "đại gia" bảo hiểm phi nhân thọ trong nước vừa thực hiện chiến dịch "câu người" và lặng lẽ chuẩn bị xin giấy phép thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ. Việc lấn sân sang lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ được xem là sự chuyển hướng linh hoạt, nhưng cũng hàm chứa không ít rủi ro.
DN nước ngoài và liên doanh hiện chi phối thị trường bảo hiểm nhân thọ - Ảnh: Hoài Nam DN nước ngoài và liên doanh hiện chi phối thị trường bảo hiểm nhân thọ - Ảnh: Hoài Nam

Kỳ vọng

Đánh giá về thị trường bảo hiểm nhân thọ, nhiều NĐT nước ngoài và các chuyên gia tài chính trong nước gặp nhau ở cái nhìn lạc quan. Vừa nhận giấy phép thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam, ông Kenneth Shih, Phó chủ tịch Công ty Bảo hiểm nhân thọ Fubon thuộc Tập đoàn tài chính bảo hiểm Fubon của Đài Loan chia sẻ nhận định với ĐTCK: "Trong khoảng thời gian từ 5 đến 10 năm nữa, số người có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam sẽ tăng lên 30 - 40%, thay vì 5% như hiện nay". Cơ sở để ông Kenneth Shih hy vọng là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng lên, thu nhập của người dân được cải thiện và đặc biệt là nhận thức của người dân về sản phẩm bảo hiểm có sự thay đổi.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), năm 2010, mặc dù có sự biến động lớn của giá vàng, ngoại hối, TTCK, chỉ số lạm phát, nhưng doanh thu phí bảo hiểm vẫn đạt 13.260 tỷ đồng, tăng 15%; trả tiền bảo hiểm 2.840 tỷ đồng; trả giá trị hoàn lại 1.350 tỷ đồng; số lượng đại lý đạt 150.000 người.

Nhận định về thị trường trong năm 2011, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký AVI cho rằng, với nỗ lực của Chính phủ để tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức 7%, kinh tế phát triển, thu nhập của người lao động tăng cao là tiền đề để thị trường bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng. Thị trường này sẽ tăng trưởng khoảng 18%, với hai dòng sản phẩm chủ lực là bảo hiểm hỗn hợp và liên kết chung. Nếu TTCK tăng trưởng tốt thì sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị có sự tăng trưởng và tạo ra sự đột biến trên thị trường bảo hiểm nhân thọ.

 

Và thách thức

Được đánh giá là tiềm năng, nhưng với sự tham gia của hầu hết gương mặt "cộm cán" trên thế giới hiện nay (Prudential, ACE, AIG, Cathay …), bảo hiểm nhân thọ hiện là lãnh địa cạnh tranh rất khốc liệt. Để tồn tại, các DN đều phải tìm cho mình một ngách đi riêng. Tham gia góp vốn cùng hai đối tác Việt Nam là ngân hàng Vietcombank, SeaBank, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Vietcombank - Cardif (VCLI) đến nay đã trải qua 1,5 năm hiện diện trên thị trường, nhưng dấu ấn của DN này vẫn khá mờ nhạt khi không có nhiều sản phẩm được bung ra. Trước khi đi vào hoạt động, liên doanh này xác định cung cấp các sản phẩm tiết kiệm và bảo hiểm cho thị trường Việt Nam , thông qua kênh phân phối là các ngân hàng. VCLI xây dựng mô hình kinh doanh dựa trên sự hợp tác và liên kết đa dạng với nhiều đối tác trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm tích luỹ từ mỗi thành viên.

Trao đổi với ĐTCK, bà Nguyễn Thị Tâm, Chủ tịch Hội đồng thành viên VCLI thừa nhận, những khó khăn của nền kinh tế trong và ngoài nước đã ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ và tác động đến hoạt động kinh doanh của VCLI. Phần lớn sản phẩm bảo hiểm của VCLI được thiết kế gắn với sản phẩm tài chính cá nhân của các ngân hàng. Khó khăn về nguồn vốn khiến các ngân hàng chủ yếu cho vay DN, hạn chế cho vay tiêu dùng cá nhân, nên các sản phẩm bảo hiểm cũng khó triển khai. Bà Tâm cho biết, trong quý I/2011 sẽ đưa vào một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ gắn với đầu vào của ngân hàng, thay vì đầu ra như trước đây.

Ông Trần Vĩnh Đức, Chủ tịch HĐQT CTCP Bảo hiểm Bảo Minh cho biết, đến thời điểm này vẫn chưa có ý định mở rộng sang kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. "Đó là lĩnh vực khá rủi ro, yêu cầu vốn lớn, công nghệ cao, để thành công đòi hỏi nhiều yếu tố mà DN bảo hiểm trong nước khó có thể làm được", ông Đức nói. Trên thực tế, trong số 12 giấy phép trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ hiện nay có một DN duy nhất trong nước là Bảo Việt nhân thọ, còn lại là của nước ngoài và liên doanh.

Thanh Đoàn
Thanh Đoàn

Tin cùng chuyên mục