DN được chậm nộp phí bảo hiểm thất nghiệp

(ĐTCK) Lượng đơn hàng ký cho quý I, quý II năm sau đã giảm nghiêm trọng khiến không ít DN sử dụng nhiều lao động trong các ngành dệt may, chế biến gỗ, thủy sản… đối mặt với việc phải sa thải nhân công. Theo thống kê sơ bộ của Bộ Lao động và Thương binh Xã hội, tại 8 địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp mấy tháng gần đây đã giảm trên 22.000 lao động, đây là số lao động vốn đã khó khăn, nay lại mất việc. Một trong nhiều giải pháp đưa ra nhằm mục đích an sinh xã hội đó là thực hiện chính sách bảo hiểm cho người thất nghiệp. Chủ trương đúng đắn này có tính khả thi đến đâu trong bối cảnh hiện nay?
Công dân Việt Nam có hợp đồng lao động từ 12 đến 36 tháng hoặc không xác định thời hạn đều được tham gia BHTN. Công dân Việt Nam có hợp đồng lao động từ 12 đến 36 tháng hoặc không xác định thời hạn đều được tham gia BHTN.

Người lao động, DN và Nhà nước cùng chia sẻ

Theo Nghị định 127/2008/NĐ-CP về thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) bắt đầu từ ngày 1/1/2009, tất cả lao động là công dân Việt Nam có hợp đồng lao động từ 12 đến 36 tháng hoặc không xác định thời hạn đều được tham gia BHTN.

Người lao động chỉ được nhận trợ cấp mất việc làm, khi bị chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động mà chưa tìm được việc làm; trước khi bị thất nghiệp, người lao động đã đóng BHTN được 12 tháng trở lên và đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội (BHXH). Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng của người lao động bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Giả sử người lao động có mức thu nhập trung bình 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp là 2 triệu đồng/tháng thì mức trợ cấp thất nghiệp là 1,2 triệu đồng/tháng. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp là 3 tháng nếu có đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng đóng BHTN; 6 tháng nếu có từ đủ 36 tháng đến dưới 72 tháng đóng BHTN; 9 tháng nếu có đủ từ 72 tháng đến dưới 144 tháng đóng BHTN; 12 tháng nếu có từ đủ 144 tháng đóng BHTN trở lên.

Theo quy định, người sử dụng lao động tham gia BHTN là người sử dụng từ 10 lao động trở lên tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, DN. Cụ thể là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp thuộc tổ chức chính trị, đơn vị sự nghiệp thuộc tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội khác, DN thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác. Như vậy, có thể thấy đối tượng sử dụng tham gia BHTN là tương đối rộng với sự tham gia của hầu hết loại hình DN và đơn vị hành chính, hành chính - sự nghiệp.

Theo quy định của Luật BHXH thì mức đóng BHTN được quy định như sau: người lao động đóng BHTN bằng 1% tiền lương, tiền công tháng; người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công tháng và Nhà nước sẽ hỗ trợ từ ngân sách bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của những người lao động tham gia BHTN.

Nhận BHTN: ít nhất đầu năm 2010

Theo quy định tại Luật BHXH, sau 12 tháng liên tục, DN và người lao động nộp tiền vào quỹ BHTN mới được hưởng trợ cấp. Vì thế, người lao động chỉ được hưởng trợ cấp thất nghiệp sớm nhất là từ đầu năm 2010. Gói kích cầu 1 tỷ USD được Chính phủ định hướng để hỗ trợ giảm lãi suất thương mại của các ngân hàng, hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ duy trì sản xuất - kinh doanh, duy trì việc làm. Như vậy, trước mắt nếu bị thất nghiệp, người lao động chỉ hưởng trợ cấp mất việc theo quy định hiện hành, chứ chưa thể được hưởng BHTN.

Chính sách BHTN có lẽ được người lao động đón nhận tích cực hơn, bởi đó là quyền lợi sát sườn của họ. Khó khăn khi thực hiện chính sách này nằm ở các DN, nhất là DN ngoài quốc doanh có quy mô vừa và nhỏ. Từ ngày 1/1/2009, DN sẽ phải thực hiện đồng thời cả 3 chính sách xã hội được xem là quan trọng: nâng lương tối thiểu, BHTN và đóng phí công đoàn.

Là đối tượng sử dụng nhiều lao động, mới đây nhiều DN đã kiến nghị lùi thời điểm nâng lương tối thiểu đến giữa năm 2009. Việc Luật BHXH đi vào hoạt động với quy định nộp 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng BHTN cho người lao động cũng khiến DN mất thêm một khoản tiền đáng kể. Trước áp lực tài chính hiện nay, lo ngại tình trạng trốn tránh nộp phí BHTN như đã từng xảy ra với BHXH trước đây không phải không có cơ sở.

Ngày 25/12, theo nguồn tin từ www.chinhphu.vn, Bộ trưởng Bộ Lao động và Thương binh Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Ủy ban Quan hệ lao động thuộc Chính phủ và bộ này đã đề nghị Chính phủ và được chấp nhận cho phép DN chậm nộp phần của mình trong khoản phí công đoàn và phí BHTN 1% vào 6 tháng cuối năm. Chậm nộp ở đây có nghĩa là DN vẫn phải thực hiện từ đầu năm (1/1/2009), nhưng do có khó khăn nên cho phép lùi thời hạn nộp bù vào 6 tháng cuối năm. Việc giãn thời gian nộp hai khoản phí này sẽ giảm bớt áp lực cho DN, trong khi vẫn triển khai chính sách tăng lương tối thiểu từ đầu năm tới.           

Đông Hải
Đông Hải

Tin cùng chuyên mục