Bảo hiểm xây dựng: Còn xa lạ với nhà thầu?

Tình hình thiên tai tại VN ngày càng phức tạp gây nhiều hậu quả nghiêm trọng khiến nhiều công trình xây dựng bị ảnh hưởng nặng nề nhưng việc mua bảo hiểm xây dựng nhằm đề phòng rủi ro, các chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng vẫn tìm cách né tránh.
Dự án căn hộ cao cấp Sài Gòn Residence. Dự án căn hộ cao cấp Sài Gòn Residence.

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm (BH) VN cho biết, dù các doanh nghiệp (DN) môi giới BH liên quan đến các công trình xây dựng (XD) đã đưa ra nhiều điều kiện mở rộng như giảm khấu trừ, hạ phí BH...; cảnh báo thiên tai tại VN xảy ra ngày càng nhiều và mức tàn phá ngày một tăng. Song cho tới thời điểm này, các chủ đầu tư, nhà thầu công trình XD vẫn chưa mặn mà với việc mua loại hình BH XD.

 

Cái khó bó cái khôn!

 

Theo thống kê của Hiệp hội BH VN, 6 tháng đầu năm doanh thu của các DN BH phi nhân thọ đạt khoảng 5.562 tỷ đồng nhưng doanh thu của BH XD chỉ chiếm gần 10%, trong khi các công trình XD tăng đáng kể trong vài năm gần đây. Việc mua BH XD nhằm đề phòng rủi ro, giải quyết tổn thất trong trường hợp công trình, dự án xảy ra sự cố bất khả kháng, đặc biệt là bảo đảm về tài chính cho DN... nhưng các chủ đầu tư và nhà thầu XD vẫn tìm cách né tránh.

 

Ông Đoàn Thanh Tùng, Công ty Đầu tư và Xây lắp Chương Dương cho biết, với các DN vừa và nhỏ, ngoài yếu tố thời gian chờ bồi thường quá lâu, việc chủ đầu tư và nhà thầu phải bỏ một khoản tiền với chi phí từ 0,15%- 1% (tùy từng công trình) để mua BH là một vấn đề khó. Bởi họ khó có khoản khác để bù đắp những chi phí trước đó và cũng không có cơ sở để lập dự toán. Ông Nguyễn Bá Dương, Tổng Giám đốc Công ty XD Cotec (Coteccons) cũng cho biết, trên thực tế, nhiều DN không coi trọng việc mua BH vì để có được công trình thi công, nhà thầu cũng như chủ đầu tư đã phải chi phí qua nhiều khâu. Do vậy, để cạnh tranh trúng thầu, phương án đầu tiên là cắt giảm chi phí và khoản cắt giảm phí BH luôn được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, đó chỉ là những nhận thức của chủ thầu thiếu kinh nghiệm. Với các công trình lớn, đặc biệt các công trình có sự tham gia của các đối tác nước ngoài thì hầu hết chủ đầu tư và chủ thầu đều mua BH.

 

Trường hợp xấu nhất: Phá sản

 

Từ tháng 4/2007, Bộ Tài chính quyết định thay việc phải mua BH XD bắt buộc bằng tự nguyện. Tính trói buộc không còn nên các DN đầu tư thường bỏ qua chi phí này. Tuy nhiên, một chuyên gia BH cho biết, dù chưa có số liệu cụ thể nhưng ước tính từ đầu năm đến nay, toàn thị trường BH XD đạt tổng phí khoảng 50 triệu USD và mức độ bồi thường tổn thất lên tới 700-800 tỉ đồng. Trong đó, hơn 50% là tổn thất do thiên tai. Chỉ tính riêng cơn bão số 4, các công trình đã và đang thi công bị tàn phá mạnh, có công trình thiệt hại đến 100%. Theo tính toán thì chỉ có 60% công trình có BH được bồi thường thiệt hại, còn lại chủ thầu phải tự gánh chịu.

 

Thạc sĩ Phạm Quế Phong, Giám đốc Ban BH Tài sản và Kỹ thuật của Bảo Minh cho rằng, dù thiệt hại hàng trăm tỷ đồng các DN BH vẫn chấp nhận bồi thường. Điển hình như công trình XD thủy điện A Vương bị ảnh hưởng cơn bão số 6 được đền bù trên 7 tỷ đồng, Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ 3 bị đổ tua-bin khí, được bồi thường 5 triệu USD. Gần đây nhất là công trình XD căn hộ cao cấp Sài Gòn Residence làm lún sụt nhà dân, ước tính tổn thất mà chủ đầu tư phải gánh chịu trên 7 tỷ đồng trong khi mức phí BH chủ đầu tư mua chỉ vỏn vẹn 100 triệu đồng...

 

Nếu nhà thầu chỉ thấy cái lợi trước mắt là giảm ngay chi phí mà không mua BH, khi có thiệt hại không chỉ phá sản mà còn kéo theo hàng loạt trách nhiệm dân sự thậm chí cả trách nhiệm hình sự.


NLĐ

Tin cùng chuyên mục