8,5% dân số có bảo hiểm, thật không?

(ĐTCK) Nếu tính trung bình theo số thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam 6 tháng năm 2019 thì khoảng 8,5% dân số đang có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, nhưng con số thực tế có thể thấp hơn.
8,5% dân số có bảo hiểm, thật không?

Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2019, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có doanh thu đạt 48.134 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2018. Cũng trong 6 tháng đầu năm, có hơn 1,2 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được ký kết, nâng số lượng hợp đồng đang khai thác lên 9,3 triệu hồ sơ.

Tuy nhiên, đây chỉ con số ước tính dựa trên các số liệu được công bố. Thực tế, toàn thị trường nhiều khả năng không đạt 8,5% dân số có bảo hiểm, vì một khách hàng có thể sở hữu nhiều hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Theo đánh giá của một công ty bảo hiểm, tỷ lệ một khách hàng có nhiều hơn 1 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đang có xu hướng gia tăng. Hơn nữa, tỷ lệ hợp đồng hiện hữu chưa tính đến những hợp đồng “ảo”, tức có thể không tiếp tục đóng phí ngay từ kỳ phí năm thứ hai của hợp đồng.

Hiện tại, theo đánh giá của các công ty bảo hiểm, nhận thức của người dân về bảo hiểm nhân thọ tích cực hơn trước rất nhiều. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào triển khai các kênh phân phối mới (bảo hiểm trực tuyến, tư vấn bán hàng trực tiếp qua thiết bị số hóa) và cải tiến các dịch vụ liên quan đến chăm sóc khách hàng của các hãng bảo hiểm đã giúp người dân (đặc biệt ở thành thị) dễ dàng tìm hiểu và kết nối với bảo hiểm nhân thọ.

Số lượng khách hàng được hưởng quyền lợi từ bảo hiểm nhân thọ cũng gia tăng thông qua tỷ lệ chi trả hàng năm. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2019, theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tổng số tiền bảo hiểm các doanh nghiệp đã chi trả ước đạt 10.318 tỷ đồng, tăng 30% với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, số tiền bảo hiểm các doanh nghiệp chi trả cho hợp đồng năm thứ 1 ước đạt 1.034 tỷ đồng, chiếm 10%; chi trả cho hợp đồng năm thứ 2 ước đạt 835 tỷ đồng, chiếm 8%; chi trả cho hợp đồng năm thứ 3 ước đạt 8.450 tỷ đồng, chiếm 82%.

Theo các công ty bảo hiểm, việc chi trả quyền lợi bảo hiểm, nhất là quyền lợi nằm viện, chăm sóc y tế, sức khỏe… được giải quyết ngày càng nhanh gọn, thuận tiện, nhờ các ứng dụng công nghệ.

Nhận thức của người dân về bảo hiểm nhân thọ tăng, việc giải quyết các quyền lợi cho khách hàng bảo hiểm được cải thiện, nhiều dòng sản phẩm mới liên tục được đưa ra thị trường…, cho thấy sự chuyển biến của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam.

Tuy nhiên, nhìn lại bức tranh thị trường này những năm qua, không ít ý kiến băn khoăn, tỷ lệ tăng trưởng phí bảo hiểm nhân thọ hàng năm đạt khoảng 30%/năm, nhưng có tương ứng với tỷ lệ dân số có hợp đồng bảo hiểm và được bảo vệ bởi bảo hiểm? Tiềm năng thị trường luôn được đánh giá còn rất rộng lớn, nhưng vì sao tỷ lệ tham gia bảo hiểm của người dân chỉ nhích từng bước?...

“Nếu lấy con số 8,5% dân số có bảo hiểm (tính theo các số liệu được chính thức công bố) thì thấy tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm thực sự vẫn còn thấp, vì thị trường Việt Nam gần 100 triệu dân và rất nhiều gia đình có khả năng mua bảo hiểm”, tổng giám đốc một công ty bảo hiểm nhân thọ nói.

Do đó, làm thế nào để tiếp tục khơi thông thị trường bảo hiểm nhân thọ vốn giàu tiềm năng vẫn là bài toán mà các công ty bảo hiểm nhân thọ cần giải với các chiến lược truyền thông nâng cao nhận thức người dân về bảo hiểm, chiến lược nâng cao chất lượng dịch vụ, giải quyết quyết quyền lợi, chiến lược sản phẩm…

Theo vị lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm trên, nhìn nhận tiềm năng chính xác của thị trường thì phải nhìn theo hộ gia đình và chia ra hộ gia đình theo khả năng thu nhập, bởi có những thành phần không thể mua được bảo hiểm nhân thọ. Việc đánh giá lại đúng và đủ tiềm năng của thực của thị trường sẽ giúp các doanh nghiệp đưa ra chiến lược chính xác để phát triển đúng trọng tâm.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục