19 nhóm đề xuất của doanh nghiệp bảo hiểm lên Bộ Tài chính

(ĐTCK)  9 nhóm đề xuất liên quan đến bảo hiểm phi nhân thọ và 10 nhóm về bảo hiểm nhân thọ đã được đề xuất tới Bộ Tài chính càng cho thấy thị trường bảo hiểm vẫn còn quá nhiều vấn đề để giải quyết.
19 nhóm đề xuất của doanh nghiệp bảo hiểm lên Bộ Tài chính
Lần đầu tiên, cuộc đối thoại giữa Bộ Tài chính với riêng từng khối DN bảo hiểm (nhân thọ, phi nhân thọ, tái bảo hiểm và môi giới bảo hiểm) bên lề Hội nghị ngành bảo hiểm năm 2014 được diễn ra hôm 28/2.

Bộ Tài chính đối thoại riêng với từng khối DN

Bên cạnh phiên toàn thể, cuộc đối thoại với từng khối DN bảo hiểm của Bộ Tài chính được các thành viên đánh giá khá cao tại Hội nghị ngành năm nay.

Ông Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt  Nam (AVI) đánh giá đây được xem là một động thái nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục, cơ chế, chính sách pháp lý, tạo điều kiện tốt nhất có thể cho DN và thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, hiệu quả.

Năm 2013, thông qua chế độ quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính đã chỉ đạo, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, tạo điều kiện để các DN bảo hiểm vượt qua khó khăn, cùng nhau xây dựng và phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam với những kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 24.360 tỷ đồng, tăng 7%, bảo hiểm nhân thọ ước đạt 22.650 tỷ đồng, tăng 23%, đầu tư tài chính vào nền kinh tế ước đạt 105.340 tỷ đồng, tăng 17,6%.

Phi nhân thọ: 7%, đã chạm đáy tăng trưởng?

Tại Hội nghị, ông Tuyến cũng đặt vấn đề, năm 2013, mặc dù các DN đã chú trọng đến hiệu quả kinh doanh bảo hiểm và đầu tư hơn là chạy đua doanh thu, nhưng thị trường cũng chứng kiến sự suy giảm của khối bảo hiểm phi nhân thọ khi chỉ tăng trưởng doanh thu 7%, trong khi các năm 2010, 2011, 2012 đều đạt lần lượt 24,5%, 17,5%, 10,5%.

“Đáng lo ngại là con số 7% kia liệu đã chạm đáy để đi lên trong thời gian tới hay chưa?”, ông Tuyến nói.

Nguyên nhân của sự suy giảm trên chủ yếu do khó khăn chung của nền kinh tế, làm giảm về đối tượng cần được bảo hiểm, giảm về khả năng tài chính đóng phí bảo hiểm. Ngoài ra, việc cạnh tranh hạ phí bảo hiểm để giành giật khách hàng, dịch vụ bảo hiểm, cũng khiến doanh thu của khối này bị giảm sút, ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Để chấn chỉnh, khôi phục, phát triển thị trường này, theo Chủ tịch AVI, cơ quan quản lý cần có giải pháp buộc từng DN bảo hiểm phải tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiết kiệm triệt để chi phí, để khắc phục tồn tại của chính DN. Đồng thời, cũng cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo giải pháp đột phá thúc đẩy thị trường bảo hiểm phi nhân thọ phát triển theo đúng quỹ đạo tăng trưởng, lành mạnh, an toàn, hiệu quả.

Theo đó, 9 nhóm giải pháp đã được AVI thống nhất đề xuất lên Bộ Tài chính. Đáng chú ý là 5 đề xuất, thứ nhất là đề nghị Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các chi nhánh, DN bảo hiểm bị thua lỗ về nghiệp vụ bảo hiểm, ngừng triển khai nghiệp vụ bảo hiểm, không đảm bảo quyền lợi chi trả của khách hàng và an toàn tài chính…

Thứ hai, Bộ Tài chính cần đưa ra tiêu chí năng lực khai thác tương ứng với vốn chủ sở hữu thực có (trừ lỗ) hay tổng tài sản phù hợp theo số lượng nghiệp vụ bảo hiểm được phép triển khai, số lượng chi nhánh được phép hoạt động, giá trị một dịch vụ bảo hiểm được phép khai thác, giá trị các dịch vụ được phép khai thác với một khách hàng.

Thứ ba, Bộ Tài chính cần phối hợp với các cơ quan liên quan ngăn chặn tình trạng trục lợi bảo hiểm ngày càng phổ biến. Thứ tư, Bộ Tài chính cần có quy định lộ trình bắt buộc các DN bảo hiểm có dữ liệu và chia sẻ dữ liệu để tính phí bảo hiểm. Thứ năm, cần giải quyết các vướng mắc về chính sách thuế và chế độ kế toán và một số đề xuất liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số thông tư và nghị định về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Nhân thọ: cố tình tuyển dụng đại lý vi phạm

Với nhân thọ, điểm sáng nổi bật được xem như một nhân tố mới đóng góp vào sự tăng trưởng của khối này trong năm qua đó là chất lượng khai thác mới tốt hơn, tăng cả về số lượng hợp đồng, số tiền bảo hiểm và số phí bảo hiểm thu được. Tuy nhiên, những tồn tại liên quan đến đại lý bảo hiểm vẫn còn nổi cộm, như hiện tượng cạnh tranh giành giật đại lý, đặc biệt là việc cố tình tuyển dụng đại lý đã vi phạm kỷ luật.

Vì vậy, 10 nhóm giải pháp cũng được thống nhất đưa ra, như quy định và điều chỉnh một số nội dung liên quan đến đại lý bảo hiểm và các tiêu chuẩn về chứng chỉ bằng cấp đối với chức danh phải phê duyệt bổ nhiệm; cần có khung pháp lý cho việc cung cấp thông tin của tập thể, cá nhân trục lợi, cơ sở pháp lý xử lý hiện tượng trục lợi bảo hiểm; bổ sung thêm quy định với trường hợp bán hàng trực tuyến và bán hàng qua điện thoại; cần xem xét lại sự khác biệt trong bảo hiểm sức khỏe giữa bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ; đề nghị tăng mức trần đóng bảo hiểm hưu trí tự nguyện; một số kiến nghị liên quan đến thuế thu nhập cá nhân…

Kim Lan

Tin cùng chuyên mục