Bảo hiểm xe lấy lại đà tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc 1 trong 2 nghiệp vụ đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng doanh thu phí là bảo hiểm xe cơ giới bật mạnh trở lại mang đến kỳ vọng tích cực không chỉ riêng nghiệp vụ này mà cả thị trường phi nhân thọ, sau năm 2021 lao đao vì dịch bệnh.
Doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới tăng mạnh ngay từ đầu năm. Ảnh: Dũng Minh Doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới tăng mạnh ngay từ đầu năm. Ảnh: Dũng Minh

Bật mạnh ngay từ quý I

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết, kết thúc quý I/2022, bảo hiểm xe cơ giới ước tăng trưởng 8,7% (bao gồm cả bảo hiểm tự nguyện và bảo hiểm bắt buộc là bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới). Tổng doanh thu phí toàn ngành bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 17.082 tỷ đồng trong quý đầu năm 2022, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2021 (đạt hơn 14.884 tỷ đồng).

Như vậy, sau một năm đi lùi, bảo hiểm xe cơ giới đã lấy lại đà tăng trưởng, cùng với bảo hiểm sức khỏe tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu doanh thu. Năm 2021, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới đạt 16.196 tỷ đồng, giảm 6,3%. Trong đó, doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đạt 3.946 tỷ đồng, giảm 9,5% và chiếm tỷ trọng 6,8% tổng doanh thu toàn thị trường; doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 12.222 tỷ đồng, giảm 5,2% và chiếm tỷ trọng 21,1%.

Thống kê sơ bộ từ các doanh nghiệp phi nhân thọ cho thấy, doanh thu quý đầu năm 2022 vẫn chủ yếu đến từ bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe. Đơn cử, tại Bảo hiểm Quân đội (MIC), trong quý I/2022, bảo hiểm xe cơ giới vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu (trên cả bảo hiểm con người), đạt 461 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, tại Bảo hiểm VietinBank (VBI), mảng bảo hiểm xe cơ giới chiếm tỷ trọng 24,5% trong cơ cấu doanh thu quý I/2022, chỉ đứng sau bảo hiểm sức khỏe với tỷ trọng 32,2%.

Bà Nguyễn Thị Hương Giang, Tổng giám đốc Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) chia sẻ, tháng 8 và 9 năm ngoái là thời điểm nghiệp vụ bảo hiểm ô tô của Công ty giảm tới 40-50% - mức sụt giảm mạnh nhất trong lịch sử hoạt động của nhà bảo hiểm này. Tuy nhiên, bước sang quý IV/2021, việc người dân đã thích nghi hơn với dịch bệnh và hàng loạt giải pháp thúc đẩy bán hàng được triển khai đã giúp nghiệp vụ này tăng trưởng trở lại.

Đà tăng còn rộng mở

Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại từ đầu năm 2021 cùng các đợt giãn cách xã hội để hạn chế dịch bệnh lây lan khiến mảng bảo hiểm xe cơ giới lao đao. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2022, khi các hoạt động giao thương trở lại bình thường, nghiệp vụ này cũng lấy lại đà tăng trưởng.

Trong thời gian tới, các công ty bảo hiểm kỳ vọng việc bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới sẽ thuận lợi hơn khi đây là thời điểm các lực lượng kiểm soát an toàn giao thông đồng loạt ra quân kiểm tra hành chính, kiểm tra các loại giấy tờ, bao gồm cả giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới. Trong trường hợp chủ xe chưa mua bảo hiểm, mức xử phạt theo quy định là 150.000 đồng đối với xe máy và 500.000 đồng đối với xe ô tô.

Trước đó, Bộ Công an công bố, từ nay đến hết ngày 15/5/2022 sẽ triển khai kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát các phương tiện tham gia giao thông nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Dù vậy, do đây không phải là chuyên đề đặc biệt, cũng không được truyền thông rầm rộ như mọi năm nên hiệu ứng mang lại sẽ không cao như trước. Mặt khác, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh hoạt động kinh doanh từ tháng 10/2021, song song áp dụng chính sách giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cũng giúp kích thích nhu cầu mua xe mới của người dân, từ đó tạo đà tăng trưởng cho bảo hiểm ô tô.

Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong quý I/2021, tổng doanh số bán hàng đạt 90.506 xe các loại, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó xe ô tô du lịch tăng 39%, xe thương mại tăng 7% và xe chuyên dụng tăng 32%.

Việc nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới tăng trưởng trở lại, ngoài yếu tố thị trường như lượng xe mới bán ra…, còn phụ thuộc vào chính sách phí bảo hiểm của từng doanh nghiệp tại từng thời điểm, có doanh nghiệp bình ổn phí (nếu giai đoạn này muốn quản trị rủi ro, tăng hiệu quả kinh doanh từ mảng xe), hoặc áp phí ưu đãi, cạnh tranh (nếu muốn tăng thị phần, doanh số)…

Tuy nhiên, tăng doanh số bán bảo hiểm cũng đồng nghĩa với việc chi phí tăng theo, đặc biệt trong bối cảnh các hoạt động giao thương đã trở lại bình thường, người dân đi lại nhiều hơn, nếu không kiểm soát tốt sẽ khiến chi phí bồi thường tăng cao, từ đó ảnh hưởng tới lợi nhuận.

Số liệu thống kê của IAV cho thấy, trong quý đầu năm 2022, tỷ lệ bồi thường xe ước đạt 33,6% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường). Trong năm 2021, tỷ lệ bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người trên toàn thị trường đều ở mức thấp do người dân và các phương tiện giao thông hạn chế ra đường theo các lệnh giãn cách xã hội.

Các chuyên gia nhận định, cùng với việc thích ứng linh hoạt với Covid-19 và chính sách giảm lệ phí trước vẫn còn hiệu lực đến hết tháng 5/2022, thị trường ô tô trong nước sẽ tăng trưởng mạnh trong tháng tiếp theo. Dự kiến, thị trường ô tô Việt Nam có thể đạt mốc 500.000 xe trong năm 2022, đây là cơ hội cho bảo hiểm xe tiếp tục hút khách.

Chưa kể, khi Nghị định số 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, Thông tư số 04/2021/TT-BTC hướng dẫn thi hành chi tiết một số điều của Nghị định 3/2021 dần đi vào cuộc sống với nhiều điểm mới hứa hẹn tạo niềm tin hơn với người dân, từ đó gia tăng sức cầu đối với sản phẩm bắt buộc này, đặc biệt là việc yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện tạm ứng bồi thường trong vòng 3 ngày kể từ ngày nhận được thông báo tại nạn. Cùng với đó, quy định mở rộng thời hạn bảo hiểm theo hướng tối thiểu là 1 năm và tối đa là 3 năm đối với xe máy, tối thiểu là 1 năm và tối đa tương ứng với thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe ô tô… sẽ giúp doanh số bán bảo hiểm xe trở nên ổn định, dài hơi hơn.

Một số điểm mới của Nghị định 03/2021

Đơn giản hóa thủ tục hồ sơ bồi thường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chi trả bồi thường cho người được bảo hiểm: Cắt giảm 2/5 chứng từ, tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng; chỉ phải thu thập các tài liệu của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp các vụ tai nạn gây hậu quả tử vong đối với hành khách và bên thứ ba, đồng thời quy định rõ thời hạn cơ quan có thẩm quyền phải cung cấp tài liệu cho doanh nghiệp bảo hiểm; bổ sung biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất được thống nhất giữa doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe, người lái xe quy định nhằm tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của nhà bảo hiểm và đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận trong quan hệ dân sự.

Tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm: Mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng của chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; cho phép nhà bảo hiểm được chủ động thiết kế Giấy chứng nhận bảo hiểm đảm bảo đầy đủ các thông tin theo quy định, được phép cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử; mở rộng thời hạn bảo hiểm theo hướng tối thiểu là 1 năm và tối đa là 3 năm đối với xe máy, tối thiểu là 1 năm và tối đa tương ứng với thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe ô tô; yêu cầu nhà bảo hiểm phải thực hiện tạm ứng bồi thường trong vòng 3 ngày kể từ ngày nhận được thông báo tại nạn, đảm bảo cho người được bảo hiểm tiếp cận ngay được nguồn tài chính đảm bảo thực hiện trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba.

Nâng mức trách nhiệm, trong khi phí bảo hiểm được giữ nguyên.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục