Dù từng doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đều đã có những biện pháp riêng nhằm kéo giảm tình trạng bồi thường tăng quá cao đối với mảng bảo hiểm vật chất xe cơ giới, tuy nhiên, các giải pháp này vẫn chưa đủ trọng lượng.
Bồi thường ở mảng bảo hiểm vật chất xe cơ giới vẫn có tỷ lệ cao ngất ngưởng so với nhiều nghiệp vụ khác. Tỷ lệ bồi thường ở nghiệp vụ này dự kiến còn có khả năng tăng cao hơn do hàng loạt tổn thất mưa lũ bất thường vừa qua tại TP. HCM. Con số thống kê chưa đầy đủ đã cho thấy bảo hiểm vật chất xe chịu tổn thất khoảng hơn 10 tỷ đồng cho vụ mưa lụt vừa qua.
Theo số liệu của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2016 bảo hiểm xe cơ giới vẫn dẫn đầu các nghiệp vụ với doanh thu 5.842 tỷ đồng, tăng trưởng 23,7%. Bồi thường ở mảng này trong 6 tháng là 2.388 tỷ đồng, dự phòng bồi thường là 1.547 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 6 tháng là 67,3%. Tỷ lệ bồi thường của bảo hiểm xe cơ giới vẫn ở mức cao so với các nghiệp vụ khác cũng như so với mức trung bình của cả thị trường (tỷ lệ bồi thường của cả khối phi nhân thọ trong 6 tháng 2016 là 30% giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2015 là 45% do không có sự kiện bảo hiểm nào quá lớn).
Trước thực trạng bảo hiểm xe cơ giới vẫn tiếp tục lỗ, Hiệp hội Bảo hiểm đang cùng các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nghiên cứu để trình Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung quy tắc điều khoản, biểu phí bảo hiểm vật chất xe ô tô cho phù hợp hơn. Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khóan, không chỉ điều khoản quy tắc, mà có thể cả mức hoa hồng cho đại lý bán bảo hiểm vật chất xe cũng đang được các bên liên quan thảo luận để đưa ra phương án điều chỉnh cho hợp lý hơn.
Được biết, về bảo hiểm xe cơ giới, Nghị định 73/CP quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ 1/7/2016 có nêu: đối với các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài phải đăng ký quy tắc, điều khoản biểu phí với Bộ Tài chính trước khi triển khai. Bộ Tài chính có trách nhiệm công bố mức phí bảo hiểm thuần tương ứng với điều kiện và trách nhiệm bảo hiểm cơ bản làm căn cứ để xác định phí bảo hiểm… Đối với những quy định tại Nghị định này, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cũng đang chờ Bộ Tài chính có thông tư hướng dẫn cụ thể hơn.
Là nghiệp vụ bán lẻ dễ bán và dễ tạo ra doanh thu nên nhiều năm qua bảo hiểm xe cơ giới luôn là mảng bảo hiểm được các doanh nghiệp đẩy mạnh. Cạnh tranh gay gắt từ hạ phí mở rộng điều khoản để có doanh thu thị phần khiến mảng nghiệp vụ này chưa bao giờ yên ả và tỷ lệ bồi thường cũng luôn ở mức cao trong so với các nghiệp vụ khác.
Thực tế, thua lỗ triền miên ở mảng nghiệp vụ này khiến một số doanh nghiệp bảo hiểm phải thay đổi chiến lược bằng cách xiết điều khoản, tăng cường chia sẻ mức miễn thường với khách hàng (mức miễn thường là một điều khoản trong đó qui định nếu có tổn thất xảy ra và chi phí sửa chữa dưới mức miễn thường thì công ty bảo hiểm không có trách nhiệm phải thanh toán chi phí này.
Ngược lại, chi phí bằng và cao hơn mức miễn thường thì bảo hiểm phải thanh toán phần chi phí còn lại sau khi trừ đi mức miễn thường)… và xây dựng những biểu phí hợp lý hơn. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm còn thay đổi cách tính số liệu bồi thường theo năm nghiệp vụ và năm tài chính để có thể theo dõi và kiểm soát một cách đầy đủ, chính xác nhất tỉ lệ bồi thường của từng khách hàng.
Nhưng như đã nói trên, vì là mảng dễ khai thác dễ tạo ra doanh thu nên dù có tỷ lệ bồi thường cao, bảo hiểm xe cơ giới vẫn là mảng có sức hút rất lớn không chỉ với doanh nghiệp mới vào thị trường mà ngay cả những doanh nghiệp bảo hiểm đã xác lập được chỗ đứng, nhất là khi cần thêm chút thị phần, sẽ quyết liệt vào cuộc. Phân khúc này cho đến nay vẫn chưa bao giờ bớt “sôi động”, nhưng làm thế nào để sự “sôi động” đó tạo ra hiệu quả cho DN bảo hiểm? Hiện chưa có DN nào trả lời tốt câu hỏi này.