Bảo hiểm Xã hội và kỳ tích công nghệ

“Cơ quan Bảo hiểm Xã hội (BHXH) có cách làm việc rõ ràng, mạch lạc, phương thức quản lý mang màu sắc của cuộc cách mạng 4.0”. Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hoài Thu, cán bộ Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khi đến cơ quan BHXH quận Thanh Xuân để làm thủ tục hành chính.
Bộ phận một cửa Bảo hiểm Xã hội quận Thanh Xuân (Hà Nội) Bộ phận một cửa Bảo hiểm Xã hội quận Thanh Xuân (Hà Nội)

Dịch vụ công thời 4.0

Hành trình đi làm thủ tục bảo hiểm xã hội được bà Thu mô tả ngắn gọn, nhưng đầy cảm xúc, với cách đánh giá đậm màu sắc “bệnh nghề nghiệp” của một cán bộ công nghệ thông tin (CNTT), từng tham gia Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước (Đề án 112) xây dựng chính phủ điện tử (e-gov).

“Khách đến bấm lấy số, chờ vài phút là đến lượt mình. Các nhân viên có thái độ cởi mở, tác phong nhanh gọn. Cô nhân viên trẻ hỏi tôi cần gì, rồi hướng dẫn rất rõ. Tôi đưa hồ sơ và cô trả lại những giấy tờ không cần thiết, rồi tra máy tính.

Tất cả dữ liệu thông tin của mình đã có trong hệ thống phần mềm của BHXH. Cô nhân viên hỏi thẻ bảo hiểm y tế cũ, rồi đưa ngay thẻ mới và chuyển giấy tờ lĩnh trợ cấp lương hưu cho tôi qua bàn bên cạnh.

Khi tôi nói muốn đổi nơi khám chữa bệnh về bệnh viện khác gần nhà, cô bảo: “Sang đầu năm cô đến đây chúng cháu làm cho”. Thật thân ái! Cô nhân viên bên cạnh cũng chỉ mất vài phút để ghi hóa đơn trả tiền, rồi chuyển sang bàn tiếp.

Vài phút sau, tôi đã nhận được đầy đủ giấy tờ, trợ cấp lương và thông tin đầy đủ cùng thông báo trả lương ngay về tài khoản của mình ở ngân hàng”, bà Thu kể về quá trình làm thủ tục của mình.

Để có thể gói gọn toàn bộ quy trình thủ tục hành chính hưởng lương hưu chỉ trong ít phút ngắn ngủi chính là nhờ một “kỳ tích” của ngành BHXH.

Từng khát vọng xây dựng thành công chính phủ điện tử, với vai trò là thành viên Đề án 112, bà Thu có quãng thời gian thường xuyên kết nối, thực hiện liên thông dữ liệu thông tin với các bộ, ngành.

Thời điểm đề án này phải tạm dừng triển khai vào năm 2007, bà biết rõ khi đó, BHXH Việt Nam vẫn chưa đạt được các điều kiện cả về kỹ thuật cũng như phần mềm nghiệp vụ để tạo lập được hệ thống dữ liệu tập trung, thống nhất trên toàn quốc.

Bởi thế, các hồ sơ giải quyết chế độ chính sách BHXH của người lao động cần phải có sự thẩm định kỹ càng và không thể trả lời trong ngày, khi mà bộ hồ sơ luôn dày cộp các loại giấy tờ liên quan đến toàn bộ quá trình công tác.

Thế nhưng, lần này đến cơ quan BHXH, hồ sơ hưởng hưu trí của bà chỉ cần duy nhất một tờ quyết định về việc hưởng chế độ hưu trí hàng tháng được BHXH TP. Hà Nội gửi về cơ quan bà trước đó...

“Kinh nghiệm 27 năm làm việc trong lĩnh vực CNTT nên tôi biết rõ, xây dựng hạ tầng CNTT đã rất khó, nhưng cần hơn hết là yếu tố con người. Thành công chỉ đến khi bản thân người nhạc trưởng phải thực sự tâm huyết với lý tưởng để tạo sự đột phá”, bà Thu chia sẻ.

Kỳ tích công nghệ

Bên cạnh những phản hồi trực tiếp, tích cực từ các khách hàng của cơ quan BHXH, một sự ghi nhận khách quan khác cho sự nỗ lực của BHXH Việt Nam là cơ quan này đã tiến 18 bậc, vươn lên vị trí thứ 2 trong Bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT (Việt Nam ICT Index 2017) dành cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công.

Hiện nay, toàn bộ ứng dụng CNTT ngành BHXH đã được triển khai theo kiến trúc chính phủ điện tử. Trung tâm Điều hành hệ thống CNTT của ngành BHXH được thành lập và vận hành là kết quả của một quãng thời gian dài hệ thống BHXH đồng thời phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đưa vào sử dụng các phần mềm nghiệp vụ có chức năng kết nối liên thông dữ liệu toàn diện (kết nối giữa Trung ương với địa phương, kết nối giữa các lĩnh vực thu, chi, sổ, thẻ, giải quyết chế độ chính sách...).

Từ năm 2016, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam xây dựng thành công cơ sở dữ liệu của hơn 90 triệu người, với hơn 10 trường dữ liệu cơ bản.

Đây là cơ sở để ngành hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm theo Quyết định 714/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, góp phần tiến tới hoàn thiện sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử trong năm 2018.

Trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017, ngành BHXH đã triển khai đồng bộ nhiều hệ thống phần mềm quan trọng. Cụ thể, triển khai Bộ công cụ tập trung dữ liệu tại Trung ương để quản lý 3 mảng nghiệp vụ quan trọng gồm: thu, sổ thẻ và quản lý tài chính, tiến tới xây dựng hệ thống phần mềm tổng thể, thống nhất, đáp ứng hầu hết các yêu cầu nghiệp vụ khác.

Trong đó, đã giúp quản lý, đồng bộ thông tin khoảng 65 triệu người tham gia BHXH, BHYT (đạt 82%) và cấp mã số BHXH duy nhất cho người tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT.

BHXH Việt Nam cũng tích cực xây dựng hệ thống trao đổi, tích hợp thông tin thống nhất, tạo môi trường làm việc điện tử thông suốt trong nội bộ ngành cũng như kết nối với các ngành khác như: thuế, hải quan, kế hoạch và đầu tư, tài chính, y tế, ngân hàng... Xây dựng, hoàn thiện Cổng thông tin điện tử của ngành, nhằm cung cấp các dịch vụ công cấp độ 3, 4.

Tính đến nay, ngành cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho gần 500.000 đơn vị sử dụng lao động, giúp giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 335 giờ/năm xuống còn 49 giờ/năm, giảm từ 115 thủ tục xuống còn 28 thủ tục.

Báo cáo Vietnam ICT Index 2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông đã đánh giá BHXH Việt Nam là cơ quan khai thác hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến, với hơn 28,6 triệu hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến trong năm 2016, xếp hạng 2 trong Bảng xếp hạng chung của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công được công bố.

Lâm Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục