Ngược lại, kênh phân phối này đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa các công ty bảo hiểm, không chỉ là việc đầu tư để mở rộng thị trường mà còn có các “chiêu trò” giảm giá.... Có lẽ vì vậy mà một số doanh nghiệp bảo hiểm không muốn chia sẻ nhiều về doanh thu hay số lượng khách hàng có được từ kênh này.
Thực tế, bảo hiểm trực tuyến không chỉ đang bùng nổ và cạnh tranh khốc liệt ở thị trường Việt Nam, theo Bản tin Bảo hiểm và Đời sống, nhiều công ty bảo hiểm xe cơ giới tại Hàn Quốc đang có kế hoạch tung ra một loạt sản phẩm bảo hiểm cho phép khách hàng có thể mua trực tuyến, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các công ty bảo hiểm xe hơi có hoạt động kinh doanh bảo hiểm qua Internet. Một công ty bảo hiểm dự kiến, siêu thị bảo hiểm online sẽ giúp tăng thị phần của công ty này lên trên mức hiện tại 25%.
"Kênh bán hàng online phải cạnh tranh với các kênh truyền thống là những người gần khách hàng hơn và có thể sẵn sàng ‘bán máu’ để có được hợp đồng".
Tại thị trường Việt Nam, trong số các doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ hiện nay, ngoài những doanh nghiệp đã có “số má” trong bảo hiểm trực tuyến như BIC, PTI hay Liberty, thì thời gian qua, nhiều công ty bảo hiểm khác cũng đã vào cuộc ở mảng này, chẳng hạn như MIC hay PJICO…
Đại diện một công ty bảo hiểm đang triển khai kênh bán hàng trực tuyến cho biết, khác với khách hàng của các kênh truyền thống, khách hàng mua bảo hiểm online nhìn chung có hiểu biết cao hơn về bảo hiểm. Những người vào web để mua bảo hiểm thường quan tâm đến sự thuận tiện, tính an toàn của website và những ưu đãi dành cho họ.
“Tuy nhiên, kênh bán hàng online cũng phải cạnh tranh với các kênh truyền thống là những người gần khách hàng hơn và có thể sẵn sàng ‘bán máu’ để có được hợp đồng. Chính vì thế, việc phát triển kênh bán hàng này cũng đang gặp những khó khăn nhất định”, vị đại diện doanh nghiệp trên chia sẻ.
Nhận định về mức độ cạnh tranh của bảo hiểm trực tuyến, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khác nói rằng, để tăng sự hấp dẫn cho kênh bán hàng vẫn còn khá mới mẻ này, thời gian qua, nhiều công ty bảo hiểm đã triển khai ồ ạt các chương trình khuyến mại, ưu đãi lớn để thu hút khách hàng. Tất nhiên, khi quyết định bung ra những chương trình khuyến mại “khủng” như vậy, đa phần các doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận thua lỗ về doanh thu và hiệu quả kinh doanh, nhưng đổi lại, họ sẽ thu hút được một số lượng lớn khách hàng tham gia mua bảo hiểm, tăng lượng truy cập vào website, qua đó tăng cường quảng bá thương hiệu.
Đối với việc cạnh tranh bằng giảm phí bảo hiểm, không chỉ ở kênh trực tuyến, mà cả ở kênh bán hàng truyền thống đến nay vẫn có những quan điểm khác nhau. Có những công ty không ủng hộ xu hướng này bởi họ cho rằng, phí rẻ có thể tại sự hấp dẫn cho khách hàng lúc mua, nhưng chưa hẳn đã là tốt khi họ không được chăm sóc đúng mức lúc cần làm bồi thường. Thói quen giảm phí cho khách hàng bằng nhiều cách không những vi phạm quy định của cơ quan chức năng, mà còn khiến cho thị trường bị rối loạn về giá.
Thực tế, theo các chuyên gia trong ngành bán hàng trực tuyến, thương mại trực tuyến nói chung và bảo hiểm trực tuyến nói riêng là một cuộc chơi dài hơi nên không thể chơi theo kiểu “đánh nhanh, thắng nhanh”, dù có đổ nhiều tiền. Ngay cả việc triển khai các chương trình khuyến mãi lớn nếu không có chiến lược dài hạn thì cũng khó trụ vững.
Cùng với nhiều hoạt động khuyến mại rầm rộ, một xu hướng mới trong việc phát triển của bảo hiểm trực tuyến là các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ mở rộng hợp tác với các đối tác, các sàn thương mại điện tử, đồng thời xây dựng, đóng gói các sản phẩm bảo hiểm phù hợp cho từng kênh phân phối. Với dự báo về sự bùng nổ về tiềm năng phát triển của thương mại điện tử, các doanh nghiệp bảo hiểm chắc chắn sẽ phải liên kết với các đối tác bên ngoài để tăng cường khả năng tiếp cận khách hàng, mở rộng doanh thu…