Bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới sẽ thay đổi

(ĐTCK)  Mức xử phạt tăng gần gấp đôi đối với chủ xe thiếu bảo hiểm trách nhiệm dân sự kỳ vọng sẽ khiến loại bảo hiểm này bớt “ế ẩm”.

Phạt tiền gấp đôi lỗi về bảo hiểm xe máy

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán tại các công ty bảo hiểm, ngay sau khi Nghị định 168/2024/NĐ-CP được ban hành với quy định mới từ năm 2025, lỗi không có bảo hiểm xe máy (hoặc bảo hiểm xe máy hết hạn) sẽ chịu mức phạt từ 200.000-300.000 đồng, việc tìm hiểu và hỏi mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới tăng đột biến.

Cụ thể, theo Khoản 2, Điều 18 nghị định này, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự sẽ bị phạt tiền từ 200.000-300.000 đồng khi tham gia giao thông nếu: Không mang theo chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực; không có chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực...

Trước đây, theo Điểm a, Khoản 2, Điều 21 - Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt cho các hành vi này từ 100.000-200.000 đồng. Như vậy, từ ngày 1/1/2025, mức phạt đối với hành vi không có hoặc không mang theo bảo hiểm xe máy bắt buộc sẽ tăng gấp đôi, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông và đảm bảo an toàn trên đường bộ.

Trước đó, có nhiều ý kiến đề nghị bỏ mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe máy và coi đây như là sản phẩm bảo hiểm tự nguyện, nhưng theo người đứng đầu ngành tài chính, bảo hiểm xe máy cần là bắt buộc vì quyền lợi của người dân.

Mới nhất, cử tri tỉnh An Giang tiếp tục đề nghị xem xét, điều chỉnh quy định về mua bảo hiểm xe máy theo hướng tự nguyện khi người dân có nhu cầu, thay cho bắt buộc như hiện nay. Bởi khi có sự kiện bảo hiểm phát sinh, người dân gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các thủ tục bảo hiểm.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe ô tô, mô tô, xe máy, thậm chí có quốc gia áp dụng cả với xe đạp điện, bao gồm các nước phát triển vốn có số lượng xe mô tô, xe máy thấp như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…, hay các nước đang phát triển có số lượng lớn xe mô tô, xe máy tham gia giao thông như Ấn Độ, Trung Quốc, các nước ASEAN...

Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bao gồm cả ô tô, xe máy) được thực hiện tại Việt Nam từ năm 1988 theo Nghị định số 30-HĐBT ngày 10/3/1988 của Hội đồng Bộ trưởng. Hiện tại, mô tô và xe gắn máy vẫn là nguồn phương tiện vận tải cơ giới chủ yếu tham gia giao thông và là nguồn gây tai nạn lớn nhất tại Việt Nam, chiếm 63,48% nguyên nhân gây ra tai nạn.

Theo số liệu thống kê, số lượng xe máy tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới 6 tháng đầu năm 2024 chỉ khoảng 6,5 triệu xe, chiếm khoảng 9% số lượng xe lưu hành (tổng số lượng xe máy ở Việt Nam đạt khoảng 72 triệu chiếc). Với mức phí bảo hiểm dao động từ 55.000-290.000 đồng/năm tùy loại phương tiện (chưa bao gồm 10% VAT) được áp dụng theo Phụ lục I - Nghị định 67/2023/NĐ-CP, khi không may gây tai nạn đối với người thứ ba về sức khỏe, tính mạng... sẽ được bảo hiểm chi trả cho người thứ ba tối đa 150 triệu đồng cho một người trong một vụ tai nạn, về tài sản sẽ được chi trả tối đa 50 triệu đồng trong một vụ tai nạn.

Hiện nay, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bao gồm chủ xe máy) được quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022; Luật Giao thông đường bộ 2008; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực từ 1/1/2025); Nghị định 67/2023/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc. Các luật và nghị định đã kế thừa và bổ sung nhiều quy định mới nhằm gia tăng quyền lợi cho chủ xe cơ giới về phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục bồi thường...

Doanh nghiệp bảo hiểm vi phạm cũng bị xử lý

Số lượng xe máy tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới 6 tháng đầu năm 2024 chỉ khoảng 6,5 triệu xe, chiếm khoảng 9% số lượng xe lưu hành.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm, từ tháng 12/2024, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) đã triển khai đường dây nóng 1900.633.880 để tiếp nhận và giải đáp các thông tin về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Đây cũng là kênh tiếp nhận thông tin tổn thất và phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm hội viên để hướng dẫn và giải đáp kịp thời cho bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, cùng các bên liên quan về hồ sơ và thủ tục yêu cầu bồi thường.

Đường dây nóng trên cùng tổng đài chăm sóc khách hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, giúp người dân tiếp cận thông tin nhanh chóng, chính xác. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm của Hiệp hội và các doanh nghiệp bảo hiểm đối với cộng đồng.

Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới tiếp tục được tăng cường. Cụ thể, theo Nghị định 174/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/2/2025, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bị xử phạt từ 30-50 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về bảo hiểm bắt buộc sau:

l Không tuân thủ phạm vi bảo hiểm, loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, mức khấu trừ bảo hiểm, giới hạn trách nhiệm bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm bắt buộc theo quy định của pháp luật;

l Không tách riêng phần bảo hiểm bắt buộc trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm mở rộng điều kiện bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tăng thêm và mức phí bảo hiểm bổ sung tương ứng theo quy định của pháp luật, quy định tại Khoản 3, Điều 4 - Nghị định 67/2023P;

l Vi phạm quy định về khuyến mại, chiết khấu thanh toán đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới tại Khoản 1, Điều 75 - Nghị định 67/2023;

l Không thiết lập, duy trì hoạt động đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận thông tin tai nạn, tổn thất, hướng dẫn, giải đáp cho bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm và các bên có liên quan về các vấn đề liên quan tới bảo hiểm bắt buộc theo quy định của pháp luật;

l Không tích hợp tính năng tra cứu giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới trên trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định; giấy chứng nhận bảo hiểm không đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật;

l Không thực hiện ghi âm các cuộc gọi đến đường dây nóng theo quy định của pháp luật; Bồi thường, tạm ứng bồi thường không theo quy định của pháp luật...

Cùng với các giải pháp trên, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ bồi thường bảo hiểm, chi trả hỗ trợ nhân đạo, đảm bảo việc bồi thường bảo hiểm diễn ra nhanh chóng, đúng quy định, tránh trường hợp trục lợi bảo hiểm, góp phần tích cực trong việc thực hiện an sinh xã hội.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục