Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu loay hoay tìm lối thoát

(ĐTCK-online) Trong khi bảo hiểm tín dụng xuất khẩu trở thành "món ăn" không thể thiếu đối với hầu hết DN xuất khẩu trên thế giới, thì tại Việt Nam, các DN lại khá thờ ơ, thậm chí nhiều người còn không biết đến loại hình này.
Thay vì mua bảo hiểm tín dụng để quản lý rủi ro, nhiều DN chọn cách tin vào bạn hàng. Thay vì mua bảo hiểm tín dụng để quản lý rủi ro, nhiều DN chọn cách tin vào bạn hàng.

DN thờ ơ...

Từ cuối năm 2011 cho tới nay, hàng loạt văn bản pháp quy đã ra đời nhằm đưa bảo hiểm tín dụng xuất khẩu vào cuộc sống. Song song với nó là các kế hoạch, biện pháp nhằm thúc đẩy bảo hiểm tín dụng xuất khẩu phát triển, nhưng việc triển khai vẫn chưa có tín hiệu khởi sắc. Một trong các nguyên nhân của tình trạng này là thói quen sử dụng các phương thức giao dịch truyền thống và nhận thức về bảo hiểm tín dụng xuất khẩu còn rất hạn chế của các DN xuất khẩu Việt Nam.

Từ sơ khai, để góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, các thương nhân xuất khẩu (ở đây là người bán) thường trực tiếp cấp tín dụng (hay còn gọi là tín dụng thương mại) cho người nhập khẩu (người mua) theo hình thức bán hàng trả chậm. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động xuất khẩu, người bán không thể nắm bắt rõ thông tin về người mua ở quốc gia khác, từ đó có thể phát sinh rủi ro không thu hồi được tiền hay hàng hóa xuất khẩu. Chính vì vậy, cho tới nay, hình thức bán hàng trả chậm ít được các thương nhân xuất khẩu trên thế giới sử dụng.

Tuy nhiên hình thức này vẫn được đa số nhà xuất khẩu Việt Nam sử dụng, đặc biệt là các DN xuất khẩu lâu năm có quan hệ với nhiều bạn hàng lớn. Thay vì coi bảo hiểm tín dụng là một kênh quản lý rủi ro, thì họ lại chọn cách đặt niềm tin vào bạn hàng. Nhiều khi việc giao dịch làm ăn chỉ qua lời nói, qua một cú điện thoại, không có giấy tờ văn bản, vì họ cho rằng đã quá hiểu đối tác làm ăn. Có điều các DN không lường trước được, hoặc biết nhưng cố tình để niềm tin chi phối là: rủi ro có thể xảy ra bất cứ  lúc nào và khả năng người mua không thanh toán được hoặc phá sản là rất lớn.

Hiện nay, trên thực tế, doanh nhân xuất khẩu vẫn chủ yếu sử dụng các hình thức giao dịch truyền thống, trong đó đặc biệt chú trọng tới các hình thức thanh toán ít rủi ro (như ứng trước tiền hàng, điện chuyển tiền hay mở thư tín dụng), thực hiện trích lập dự phòng rủi ro hoặc có bảo lãnh của Chính phủ đối với xuất khẩu một số mặt hàng nông sản quan trọng (như xuất khẩu gạo giữa hai chính phủ). Chính vì thói quen sử dụng các phương thức giao dịch truyền thống nên các nhà xuất khẩu ít khi chú ý tìm đến với loại hình bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, vì vậy đã bỏ lỡ cơ hội tiếp cận phương thức quản lý rủi ro mới mẻ này.

Ngoài ra, phương thức giao dịch truyền thống của một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn không tạo ra nhu cầu phải tham gia bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Chẳng hạn như hàng nông sản chế biến (đặc biệt là gạo), chủ yếu giao dịch giữa các chính phủ nên rủi ro thương mại rất hãn hữu. Một số mặt hàng khác như cao su, cà phê... thì giao dịch trực tiếp, hoặc xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Đối với ngành da giầy hoặc may mặc, Việt Nam gia công theo đơn đặt hàng nên chỉ nhận phần chi phí gia công, không phát sinh nhiều rủi ro trong thanh toán quốc tế. 

 

...vì hiểu biết hạn chế và những nhận định sai lầm

Theo nhận định của lãnh đạo một số DN bảo hiểm Việt Nam, hiện nay đa số DN xuất khẩu vay tín dụng ngân hàng và họ cho rằng, dưới sự bảo trợ của ngân hàng, họ sẽ an toàn nên không có nhu cầu tham gia bảo hiểm nữa. Có một thực tế mà thương nhân Việt Nam không biết rằng, rất nhiều ngân hàng trên thế giới khi tham gia bảo lãnh cho DN xuất khẩu bị phá sản, kéo theo đó là những hậu quả đổ ập xuống DN xuất khẩu. Nhận thức được điều đó, DN xuất khẩu tìm đến bảo hiểm tín dụng xuất khẩu như một kênh chia sẻ rủi ro.

Như vậy, tại Việt Nam, vấn đề quan trọng là nhận thức còn hạn chế của DN xuất khẩu về loại hình bảo hiểm quan trọng này. Để thay đổi được tình trạng đó cần có sự chung tay góp sức của cả 4 bên: Bộ Tài chính, DN bảo hiểm, ngân hàng và DN xuất khẩu. Phía ngân hàng, ngoài nghiệp vụ chính của mình, nên chăng có thể tư vấn, hoặc hướng dẫn DN xuất khẩu hiểu đúng được bản chất của việc đề phòng, hạn chế rủi ro, ngay cả khi khách hàng đã có sự bảo lãnh từ phía ngân hàng cũng nên tham gia bảo hiểm, vì còn nhiều yếu tố rủi ro tiềm ẩn.

Với những tập đoàn hoặc tổng công ty có cả công ty thành viên là DN bảo hiểm lẫn ngân hàng, điều này có thể dễ dàng thực hiện. Tuy nhiên, tại những ngân hàng không có quan hệ "ruột thịt" nào với công ty bảo hiểm thì việc này sẽ được coi là "thừa hơi". Để tăng tính khả thi cho vấn đề này thì cần có sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, vì xét cho cùng, đây là việc làm để bảo vệ lợi ích của các nhà xuất khẩu, kích thích bảo hiểm tín dụng xuất khẩu phát triển, đem lại lợi ích lớn cho nền kinh tế, kích thích tăng trưởng và đương nhiên tác động tốt tới ngành ngân hàng.     

Hiền Anh
Hiền Anh

Tin cùng chuyên mục